15/04/2024 15:17 GMT+7

Bán tháo khiến chứng khoán ‘rơi’ 60 điểm, giảm mạnh nhất gần 2 năm

Thị trường chứng khoán bị bán tháo mạnh gần về cuối phiên. Độ rộng thị trường bị sắc đỏ bao trùm, khi có 475 mã giảm đối ứng 40 cổ phiếu còn giữ được màu xanh.

Thị trường chứng khoán bao trùm sắc đỏ - Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Thị trường chứng khoán bao trùm sắc đỏ - Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Áp lực bán chi phối trong phiên sáng (15-4), khiến VN-Index giảm hơn 6 điểm sau nửa chặng đường. Nhưng cường độ bán ngày càng tăng, đến cuối phiên chiều, cả thị trường chứng khoán bao trùm sắc đỏ.

Độ rộng thị trường nghiêng hẳn về tiêu cực khi có tới 475 mã giảm điểm, kéo VN-Index xuống vùng 1.217 điểm, tương ứng mất gần 60 điểm phiên hôm nay.

Mức giảm của thị trường hôm nay mạnh nhất gần 2 năm, kể từ tháng 5-2022, khi VN-Index rơi hơn 62 điểm. Hồi tháng 8 năm ngoái, đợt giảm sâu nhất năm cũng mới chỉ ghi nhận mức sụt 55,49 điểm.

Thanh khoản toàn thị trường hôm nay vọt lên hơn 38.800 tỉ đồng, tức tăng gần 47% so với phiên cuối tuần trước. Trong đó, sàn HoSE chiếm 33.457 tỉ đồng.

Trong nhóm VN30, có 29 mã giảm điểm so với 1 cổ phiếu tăng giá. Nhóm này, một loạt mã giảm sàn như BCM, BID, GVR, MSN, SSI, VRE… khiến điểm số càng bị kéo thảm hại.

Tính trên cả thị trường, ghi nhận đến gần hết phiên có tới 80 mã giảm sàn, trong đó nổi bật nằm ở nhóm bất động sản.

Tâm lý không mấy lạc quan đang chi phối thị trường là một trong các nguyên nhân gây áp lực lên điểm số. 

Trong đó, tỉ giá là một rủi ro cần lưu ý của thị trường khi hôm nay các ngân hàng trong nước đồng loạt nâng giá bán USD với biên độ lớn.

Cập nhật đến cuối giờ sáng nay (15-4), giá USD tại Vietcombank niêm yết ở mức 24.860 - 25.230 đồng, tăng 50 đồng so với cuối tuần trước và 20 đồng so với mở phiên sáng nay. Đây cũng là mức cao nhất từ trước đến nay, trong bối cảnh chỉ số đồng USD quốc tế tiếp tục neo cao mức gần 106 điểm.

Diễn biến của thị trường tài chính thế giới, trong đó có Việt Nam sẽ phụ thuộc rất nhiều vào động thái các bên trong cuộc xung đột Israel - Iran, theo giới chuyên gia. 

Giới đầu tư lo ngại giá dầu, hàng hóa tăng cao gây áp lực lên lạm phát. Trong khi CPI của Mỹ cao hơn dự đoán tháng thứ 3 liên tiếp cũng khiến lộ trình hạ lãi suất của Fed có thể chậm lại, từ đó gây thêm sức ép trong nước. 

Ngoài ra, một chuyên gia chứng khoán còn cho biết tâm lý thị trường còn chịu áp lực không nhỏ những tin đồn thất thiệt lan truyền...

Chứng khoán tuần mới: Căng thẳng Israel - Iran tác động tới Việt Nam thế nào?Chứng khoán tuần mới: Căng thẳng Israel - Iran tác động tới Việt Nam thế nào?

Căng thẳng giá dầu, áp lực lạm phát… dưới ảnh hưởng cuộc chiến Israel - Iran sẽ kéo chậm lại kỳ vọng giảm lãi suất từ Fed. Tỉ giá là một rủi ro cần lưu ý của thị trường chứng khoán.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên