23/03/2005 00:36 GMT+7

Bao giờ lấp đầy khoảng trống hướng nghiệp?

THANH HÀ
THANH HÀ

TT - Tại Trường THPT dân lập Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), qui trình giáo dục hướng nghiệp đã hình thành và thực hiện có hiệu quả, hầu hết HS của trường nhận được sự hỗ trợ.

q2slnb0j.jpgPhóng to
Thầy Lê Văn Quân hướng dẫn HS lớp 12A8 Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, TP.HCM ghi hồ sơ ĐKDT ĐH, CĐ 2005 - Ảnh: Như Hùng
TT - Tại Trường THPT dân lập Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), qui trình giáo dục hướng nghiệp đã hình thành và thực hiện có hiệu quả, hầu hết HS của trường nhận được sự hỗ trợ.

Quận nghèo làm việc khó

Theo ông Nguyễn Tùng Lâm, hiệu trưởng nhà trường, qui trình giáo dục hướng nghiệp (GDHN) của trường gồm năm bước: bước một: tạo nhận thức đúng về nghề nghiệp tương lai cho HS và cha mẹ HS; bước hai: HS tự đánh giá về bản thân, tự chọn một số nghề mà mình thích và cho rằng phù hợp với bản thân; bước ba: trung tâm tư vấn phối hợp với giáo viên (GV) chủ nhiệm tìm hiểu HS và tham gia định hướng cho HS; bước bốn: HS tự lựa chọn nghề, và cuối cùng bước năm: hoàn thiện việc lựa chọn nghề chính thức.

Qui trình này được phân bổ theo thời gian học tập của HS, kéo dài đến cả sau khi HS đã có kết quả thi ĐH, CĐ, THCN... Trường có một văn phòng tư vấn với bốn biên chế vừa làm công tác GDHN vừa làm tư vấn giáo dục. Nhưng những trường THPT thực hiện được như Trường THPT dân lập Đinh Tiên Hoàng quả còn quá hiếm hoi.

Hướng nghiệp, chưa có?

Trong khi đó, mặc dù sự hướng dẫn, định hướng của nhà trường THPT đều được phụ huynh, HS và bản thân nhà trường thừa nhận là có hiệu quả, có tác dụng phân luồng rõ rệt nhưng thực hiện lại vẫn rất hạn chế. Theo ông Bùi Văn Thanh, hiệu trưởng Trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội), sự hỗ trợ định hướng nghề nghiệp của nhà trường và GV chỉ có thể dừng ở việc góp ý cho các em chọn trường, ngành phù hợp với học lực.

Còn để GDHN một cách bài bản cho việc chọn ngành nghề, công việc phù hợp với năng lực, sở thích của HS, nhu cầu sử dụng của xã hội..., các trường phổ thông hiện nay chưa làm được bởi một lý do đơn giản GV chưa được trang bị trình độ chuyên môn, kỹ năng về tư vấn hướng nghiệp.

GV chỉ có thể tư vấn, gợi ý hoặc đơn giản là đưa ra những lời khuyên dựa trên kinh nghiệm, so sánh giữa điểm chuẩn năm trước của các trường ĐH, CĐ với năng lực của HS mình. Quá lắm là có cân nhắc đến kết quả học tập các môn học cụ thể của HS để... khuyên. Đó là chưa kể không phải trường nào, GV nào cũng chú ý quan tâm để làm được đến thế.

Ông Phạm Văn Minh, trưởng Phòng giáo dục chuyên nghiệp tỉnh Hà Tây, đã từng phàn nàn: “Hà Tây là một tỉnh 80% dân số làm nông nghiệp mà thí sinh lại chọn các trường thuộc nhóm ngành thương mại, kinh tế, công nghiệp quá nhiều. Điều này chứng tỏ các em chưa có ý thức chọn ngành theo nhu cầu sử dụng lao động của xã hội, địa phương”.

Ông Nguyễn Đình Anh, trưởng Phòng giáo dục chuyên nghiệp Sở GD-ĐT Nghệ An, cũng đánh giá: HS mới chỉ biết chọn trường chứ chưa biết chọn nghề. Năm 2004, tỉnh Nghệ An có tới 1.900 thí sinh ĐKDT vào CĐ Sư phạm nhà trẻ mẫu giáo T.Ư 1 trong khi số GV mầm non của tỉnh hiện không thiếu, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến việc tìm kiếm việc làm đúng ngành nghề được đào tạo sau khi tốt nghiệp...

Cần 10.000 chuyên gia tư vấn

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Văn Nhung cho biết: chỉ tính riêng trong hệ thống giáo dục phổ thông và ĐH mà chúng ta hiện có, với nhu cầu mỗi trường cần có ít nhất một cán bộ được đào tạo về GDHN, thì nhu cầu nhân lực cho công tác này đã cần tới trên 10.000 người. Chưa kể hiện nay trong cả nước còn có hơn 300 trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp với nhu cầu cần có từ 2-3 người được đào tạo chính qui, chuyên sâu về GDHN.

Trong khi hiện nay chúng ta chưa có hệ thống đào tạo các chuyên gia GDHN cũng như chưa thiết lập được các trung tâm nghiên cứu khoa học một cách hệ thống về vấn đề này. Ông Nhung cũng đánh giá không chỉ thiếu về nhân lực, công tác hướng nghiệp trong nhà trường các cấp ở VN hiện nay còn thiếu và yếu về công nghệ, phương pháp tổ chức, chính sách, thông tin...

Theo ông Nguyễn Hùng, giám đốc Trung tâm Lao động - hướng nghiệp (Bộ GD-ĐT), một trong những vấn đề cần giải quyết ngay để thực hiện tốt công tác hướng nghiệp, nhất là cho HS phổ thông, là phải bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, phương pháp hướng nghiệp cho đội ngũ GV các môn học để lồng ghép ngay trong quá trình dạy học.

Kế đến là đào tạo đội ngũ GV chuyên trách tư vấn, GDHN một cách bài bản. Tối thiểu mỗi trường phổ thông cần một chuyên gia hướng nghiệp. Riêng hệ thống 300 trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp trong cả nước cần được đầu tư một phòng tư vấn hướng nghiệp với trang thiết bị theo đúng tiêu chuẩn và có ít nhất 2-3 chuyên gia...

Có thể coi là nhạy bén trước nhu cầu đào tạo cán bộ tư vấn, GDHN, khoa sư phạm (ĐHQG Hà Nội) đang nghiên cứu xây dựng chương trình và kế hoạch đào tạo những chuyên gia trong lĩnh vực GDHN học đường. PGS.TS Nguyễn Thị Mỹ Lộc, chủ nhiệm khoa, khẳng định: thực tế đòi hỏi đã đến lúc phải xây dựng chuyên ngành GDHN với tư cách là một chuyên ngành đào tạo ĐH, sau ĐH, nghiên cứu và chuyển giao trong hệ thống giáo dục ĐH VN.

Bà Lộc cho biết khoa sư phạm đã và đang hợp tác với Viện Nghiên cứu quốc gia về lao động và hướng nghiệp, Học viện Quốc gia nghệ thuật và nghề nghiệp (Pháp) trong một dự án nghiên cứu và đào tạo đội ngũ cán bộ tư vấn hướng nghiệp. Trong đó, hai bên dự kiến sẽ xây dựng một trường đào tạo các nhà giáo dục và tư vấn hướng nghiệp, các nhà tâm lý học hướng nghiệp... Nhưng từ ý tưởng đến hiện thực vẫn còn phải... chờ. Và như vậy, bao giờ mới có thể lấp đầy khoảng trống hướng nghiệp cho HS?

Kỳ sau: Quận nghèo làm việc khó

THANH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên