07/07/2023 10:20 GMT+7

Bảo hiểm nhân thọ, sau thanh tra rồi còn gì nữa?

Năm 2022 Quốc hội thông qua Luật Kinh doanh bảo hiểm, cũng là năm phong trào bán bảo hiểm nhân thọ qua ngân hàng (bancassurane) cực thịnh, Tuổi Trẻ đã vào cuộc điều tra và phơi bày mặt tối.

Sau đó, Bộ Tài chính dù mới thanh tra bốn doanh nghiệp đã lộ ra sự thật nhức nhối, người dân chịu mất tiền mua bảo hiểm nhân thọ để được vay vốn. Vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa bị thanh tra và mới nhất Quốc hội đã yêu cầu thanh tra toàn diện thị trường bảo hiểm nhân thọ.

Theo tinh thần "vào cuộc thanh tra" của Quốc hội và Bộ Tài chính, chỉ khi có đầy đủ kết quả thanh tra, xã hội mới biết hết ưu, khuyết thị trường bảo hiểm nhân thọ.

Các cuộc thanh tra là đợt tổng rà soát, từ đó đưa ra những quy định vừa nâng chất công tác quản lý nhà nước, hướng doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ hoạt động lành mạnh, bảo vệ quyền lợi người dân. Nhưng tiếc rằng, Luật Kinh doanh bảo hiểm đã được sửa từ năm 2022 và có hiệu lực từ 2023.

Vì thế nhiều người ước rằng nếu luật này được sửa sau khi có kết quả thanh tra thị trường bảo hiểm nhân thọ, chắc chắn các ý kiến đóng góp của đại biểu Quốc hội sẽ sôi nổi, sát sườn, đưa nhiều giải pháp nặng ký, được cụ thể hóa ngay trong luật để bảo vệ người mua bảo hiểm, để thị trường bảo hiểm nhân thọ phát triển lành mạnh, người vay vốn cảm nhận "bảo hiểm là nhân văn" chứ không phải "bảo hiểm là ác mộng".

Cũng có ý kiến lạc quan: biết đâu Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 đã lường và bao quát hết các vấn đề phức tạp, đủ sức tạo ra hành lang pháp lý cho hoạt động bảo hiểm nhân thọ lành mạnh.

Nhưng nhiều người mong muốn và cũng là đòi hỏi của xã hội đó là khi có kết quả thanh tra toàn diện hoạt động bảo hiểm nhân thọ, cái gì chưa ổn phải sửa ngay, dứt khoát không để hành lang pháp lý "chông chênh", bất lợi cho người dân khi mua bảo hiểm nhân thọ, nhất là những người vay vốn ngân hàng.

Cần thiết, với vấn đề quá phức tạp, mang tính đặc thù như bán bảo hiểm qua ngân hàng (người vay vốn luôn ở thế yếu dễ bị ép buộc), có thể quy định hẳn trong Luật Kinh doanh bảo hiểm.

Nếu để Bộ Tài chính sửa thông tư "nửa vời", không khéo lại nhẹ tay cho doanh nghiệp bảo hiểm. Như mới đây Bộ Tài chính nói sẽ sửa thông tư theo hướng cấm bán bảo hiểm liên kết đầu tư trong lúc làm thủ tục vay và ba tháng kể từ ngày giải ngân vốn ngân hàng. Tuy nhiên, bảo hiểm nhân thọ có đến bảy loại, sao chỉ ràng buộc có loại liên kết đầu tư?

Dù góc nhìn khác nhau về thời điểm Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022, nhưng các ý kiến đều thống nhất là luật này đã được thông qua trong khi dữ liệu rúng động về bán bảo hiểm qua ngân hàng gần đây mới hé lộ.

Cần lưu ý, ngoài bốn doanh nghiệp đã có kết quả thanh tra (Sun Life, Prudential, MB Ageas Life và BIDV Metlife), còn nhiều gương mặt khác cũng hợp tác ngân hàng để bán bảo hiểm như Manulife, AIA, FWD, Generali, Shinhan Life, Dai-ichi Life, Chubb Life, Prévoir, Cathay, Hanwha…

Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 được sửa đổi sau khi lấy ý kiến từ nhiều cá nhân, tổ chức như doanh nghiệp bảo hiểm và Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam - "ngôi nhà chung của các doanh nghiệp, tổ chức bảo hiểm hoạt động tại Việt Nam", trong khi hoạt động bảo vệ người mua bảo hiểm trước sóng gió lại quá yếu ớt.

Trước thực tế đáng lo ngại, kết quả thanh tra toàn diện thị trường bảo hiểm nhân thọ mới là chất liệu sống động, đầy đủ nhất để hoàn chỉnh Luật Kinh doanh bảo hiểm đủ sức bảo vệ người mua bảo hiểm. Vì vậy, người dân đang chờ xem, sau thanh tra thị trường bảo hiểm nhân thọ rồi còn gì nữa!?

Bộ Công an đặt nhiều vấn đề vụ gửi tiết kiệm bị "hô biến" thành bảo hiểm nhân thọBộ Công an đặt nhiều vấn đề vụ gửi tiết kiệm bị 'hô biến' thành bảo hiểm nhân thọ

Lãnh đạo Cục C03 cho hay cơ quan chức năng đang xác minh việc có hay không lãnh đạo SCB chỉ đạo nhân viên tuyên truyền cho khách hàng chuyển từ tiền gửi tiết kiệm sang gói bảo hiểm của Manulife.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên