25/09/2020 06:26 GMT+7

Bảo vệ cây xanh trước gió bão

MINH TỰ - NHẬT LINH - PHƯỚC TUẦN
MINH TỰ - NHẬT LINH - PHƯỚC TUẦN

TTO - Hàng ngàn cây xanh TP Huế đã gãy đổ sau bão số 5 là một thiệt hại quá nặng nề. Nhiều câu hỏi cấp bách đã đặt ra, không chỉ cho Huế mà cho nhiều đô thị ở miền Trung, khi mùa mưa bão tới.

Bảo vệ cây xanh trước gió bão - Ảnh 1.

Cây lớn ngã đổ trên đường Phan Bội Châu, TP Huế - Ảnh: MINH TỰ

Vì sao bão số 5 với sức gió chỉ cấp 8-9 và quét qua TP Huế chỉ 30 phút mà cây xanh lại bị tàn phá nặng nề như vậy? Quy hoạch cây xanh đô thị đã tính toán đến khả năng thích nghi với thời tiết khắc nghiệt, chống chịu được gió bão ra sao? Việc chọn cây, trồng cây, chăm sóc, bảo vệ, nhất là bảo vệ cây trước mùa mưa bão đã được thực hiện như thế nào?... 

Đó là những vấn đề đặt ra hiện nay.

Nếu có điều kiện thuận lợi, được chăm sóc tốt thì dù là loại cây yếu cũng không đến nỗi gãy đổ chỉ sau 30 phút gió bão.

ThS PHẠM CƯỜNG (giám đốc Trung tâm thực hành và nghiên cứu lâm nghiệp, Trường ĐH Nông lâm Huế)

Cây "già, trẻ" gì cũng bật gốc

Ngay sau khi bão số 5 đi qua TP Huế, chúng tôi ra đường và thấy nhà cửa không bị hư hại gì nhiều, nhưng cây xanh thì gãy đổ la liệt, từ cây trên các đường phố cho đến cây trong công viên. Loại cây bị gãy nhiều nhất là phượng vàng (lim xẹt) và bằng lăng. 

Có đến hàng trăm cây phượng vàng gãy đổ, nhiều nhất là các tuyến đường Ngô Quyền, Phan Bội Châu, 23 Tháng 8, Lê Huân, Nguyễn Trãi, công viên hai bờ sông Hương. Thiệt hại nặng nhất là tuyến đường Tôn Đức Thắng, toàn bộ cây bằng lăng ở đây bị gãy ngang thân, chỉ còn trơ trụi gốc.

Cây bị trốc gốc, ngã đổ xuống đường gồm hai loại: cây cổ thụ thân to lớn (chủ yếu là cây lâm vồ, tức đa đề) và cây mới trồng trên hè đường có tán lá xanh tốt. Ngoài ra có một số cây trốc, ngã đổ do gốc cây bị bọng (rỗng), chủ yếu là phượng vĩ. 

Cây không lớn nhưng đổ ngã hàng loạt, đó là hàng cây muồng ngủ (me tây) mới trồng khoảng 6 năm trên đường Đống Đa, hàng cây lát hoa mới trồng khoảng 5 năm trên đường Điện Biên Phủ và hàng cây đỗ mai mới trồng khoảng 3 năm ở công viên đường Tố Hữu. Hàng loạt cây xanh mới trồng này có tán lá xanh dày, khi bật ngã thì trơ gốc, rất ít rễ, không có rễ cọc.

Cùng trong một khu vực, chịu chung một luồng gió bão (như khu vực đường 23 Tháng 8 - Đoàn Thị Điểm - Đinh Tiên Hoàng - Lâm Mộng Quang) mà cây phượng vàng thì gãy và đổ hàng loạt, trong khi cạnh đó là những hàng cây muối (nhội), nhãn, mù u thì hầu như không hề hấn gì. Ngoài ra, các loài cây si, đa, sanh, bàng... cũng ít gãy đổ. 

Đây là những loài đã được xem là cây bản địa của Huế. Những cây nhãn cổ thụ ở đầu đường Đinh Tiên Hoàng vẫn đứng yên, trong khi những cây phượng vàng gần đó thì gãy ngã ngổn ngang.

Bài học cây xanh của Huế

Ông Đặng Ngọc Quý - phó giám đốc Trung tâm Công viên cây xanh TP Huế - cho biết sau cơn bão số 5, đơn vị đã rút ra những bài học cho việc quản lý cây xanh. Thứ nhất, đó là việc chọn lựa cây trồng mới chưa hợp lý, phần nhiều có tuổi thọ ngắn, bộ rễ bằng. 

Thứ hai, do việc lựa chọn kích cỡ cây quá lớn nên khi trồng lại ở vị trí mới, buộc phải cắt bớt rễ, cộng thêm thời tiết khắc nghiệt của xứ Huế, khiến khả năng phục hồi của cây chậm, rễ bị hư, suy kiệt, dễ bị gãy đổ. Ông Quý cũng cho biết trung tâm đã đề xuất khi đưa cây xanh vào trồng mới, cần chọn cây có đường kính từ 10-12cm và cao từ 3,5-4m để hạn chế việc cắt rễ cố định cây, cho cây có thời gian phát triển bộ rễ. 

Bài học thứ ba và là quan trọng nhất, theo ông Quý, đó là việc đánh giá, lựa chọn và đề xuất trồng loại cây xanh gì trong đô thị.

Ông Quý cho biết trung tâm sẽ lấy ý kiến của các phòng chuyên môn để lập danh sách các loài cây chống chịu bão, vừa có bóng mát đô thị, để thay thế các loài cây được trồng lâu năm bị bật gốc do gió bão số 5 hoặc trên các tuyến đường mới. Sau khi có danh sách này, Trung tâm Công viên cây xanh Huế sẽ đề xuất lên UBND TP Huế trồng lại cây cho phù hợp với mục đính và tình hình phát triển sau này của TP. 

"Những loài cây có sức chống chịu tốt, rễ chùm, có bóng mát mà lại mang đặc trưng xứ Huế, theo tôi, có thể là cây nhạc ngựa, cây long não, cây nhội... Kết hợp trồng xen kẽ thêm một số cây du nhập có hoa thơm, dáng đẹp như hoàng yến, chuông vàng... để làm đa dạng thêm hệ thống cây xanh Huế" - ông Quý nói.

Bảo vệ cây xanh trước gió bão - Ảnh 3.

Huế phải mất một tháng mới dọn xong đống cây gãy đổ - Ảnh: NHẬT LINH

Trồng cây gì và chăm sóc ra sao?

ThS Phạm Cường - giám đốc Trung tâm thực hành và nghiên cứu lâm nghiệp, Trường ĐH Nông lâm Huế - cho rằng tại các vùng bão lũ thì phải chọn cây cho phù hợp. ThS Cường nhận xét thêm: Sau trận bão số 5 cho thấy những gốc cây bị đánh bật khỏi vỉa hè do quá ít rễ cọc, trong khi phía trên là cành tán xum xuê. Những cây bị gãy thân hoặc cành là do chiều cao, kích thước tán quá lớn. 

Sau nhiều năm không đón bão lớn, cây xanh ở Huế đã phát triển rất tốt, ngọn cây vươn cao hơn 10m. Tuy nhiên, việc cắt tỉa bớt chiều cao, chiều rộng cành lá lại chưa được làm kịp thời. Với những cây bị bật gốc, đường kính gốc cây nhỏ, bộ rễ không phát triển thêm nhiều so với khi được trồng. 

Ngoài tác động của gió mạnh, nhiều cây cổ thụ gãy đổ do bị mối mọt. Những cây bị bệnh này cần phải đốn bỏ, nhưng đơn vị chức năng chưa có kinh phí hoặc tâm lý sợ áp lực dư luận nên vẫn để lại.

"Theo tôi, ở vùng bão lũ thì việc chọn lựa loại cây phù hợp để trồng rất quan trọng, nhất là các đô thị thường xuyên có mưa bão như Huế. Trận bão vừa qua cho thấy nhội là loài cây bền vững nhất trong gió lớn. Cây này có hệ rễ phát triển, thân dẻo dai. Tuy nhiên, đô thị cũng cần đa dạng loại cây, không thể chỉ trồng cây dẻo dai và loại bỏ hết cây yếu mà có giá trị thẩm mỹ cao. Nếu có điều kiện thuận lợi, được chăm sóc tốt thì dù là loại cây yếu cũng không đến nỗi gãy đổ chỉ sau 30 phút gió bão" - ông Cường nói.

Cùng quan điểm, ông Đỗ Xuân Cẩm - chuyên gia cây xanh đô thị, nguyên giảng viên Trường ĐH Nông lâm Huế - cho rằng không nên nôn nóng trồng cây quá lớn tại các khu đô thị, nhất là đô thị gần biển. Ông Cẩm đề xuất một số giải pháp nhằm tăng tính bền vững cho hệ thống cây xanh, chống chịu tốt với thiên tai, không riêng gì với Huế mà cả với nhiều tỉnh thành khác.

Về giải pháp kỹ thuật, đừng nôn nóng trồng cây quá lớn, đồng thời phải giữ được hệ rễ cọc. Hố trồng phải được mở rộng, đào sâu để thay đất giàu dinh dưỡng vào, trước khi đặt cây xuống. Không trồng quá cạn nhằm giúp hệ rễ thứ cấp ăn chéo xuống, không ăn nổi. Cắt tỉa tạo tán, hạ độ cao vào mùa cây sinh trưởng, không đợi đến mùa mưa bão để cắt đối phó. 

Khi cắt tỉa phải tạo vết cắt nghiêng, các vết cắt cần được trám bít bằng chất chuyên dụng. Thường xuyên thăm khám để phát hiện các tác hại của sâu bệnh hại, thực vật bì sinh đeo bám, các tổn thương thối gốc, bộng thân, bộp cành... để kịp thời xử lý đúng kỹ thuật.

Bảo vệ cây xanh trước gió bão - Ảnh 4.

Hàng cây muồng ngủ mới trồng 5 năm ở đường Đống Đa (Huế) ngã đổ hàng loạt - Ảnh: MINH TỰ

Trung tâm Công viên cây xanh Huế cho biết số cây xanh bị thiệt hại trong bão số 5 là 10.000 cây, không phải là 15.000 cây như thống kê ban đầu. Loại cây bị gãy đổ nhiều nhất là: phượng vàng, phượng đỏ, bằng lăng, so đo cam... Tổng số cây xanh của TP Huế hiện có hơn 65.200 cây, trong đó có hơn 600 cây cổ thụ giá trị cao, cần bảo tồn.

Bà NGUYỄN THỊ HỒNG SÂM (giám đốc Ban quản lý dịch vụ công ích TP Nha Trang): Quy định các loại cây được trồng trên các tuyến phố

Để chủ động bảo vệ an toàn cây xanh và tạo sự an tâm cho người dân trong mùa mưa bão, Ban quản lý dịch vụ công ích và Công ty Môi trường đô thị đã lên danh sách khoanh vùng các cây sâu bệnh, sạm thân, bộng gốc, có dấu hiệu gãy đổ để đốn hạ, thay thế cây mới, nhất là ở các tuyến đường ven biển, trường học, nơi tập trung đông dân cư.

Đồng thời, thực hiện thu gọn tán, lấy nhánh khô, cắt tỉa nhánh trong mùa ra trái, hạ thấp chiều cao đối với cây có rễ ăn ngang, cành nhánh giòn, dễ bật gốc... TP đang lên đề án quy hoạch và quy định các loại cây được phép trồng tại các tuyến đường vừa tạo tính thẩm mỹ vừa đảm bảo an toàn.

Ông Ngô Khắc Thinh - phó trưởng Phòng quản lý đô thị TP Nha Trang - cho biết thêm ở những tuyến đường có hè phố rộng, nhiều biệt thự, TP sẽ chọn cây đại mộc, tán rộng, rễ chắc, chịu được gió mạnh như: dầu rái, sao đen, gõ mật, giáng hương, me tây, lim xẹt... Đối với tuyến đường ven biển sẽ trồng dừa hoặc cây bàng.

Với đường có lề hẹp hơn, sẽ chọn cây trung mộc, có dáng tán lá đẹp như: mun, bằng lăng kiểng, bò cạp nước... Ở những khu vực không thể trồng cây bóng mát, có thể trồng tiểu mộc như: muồng hoa vàng, hoa giấy... hoặc đặt chậu hoa, trồng cây dây leo.

Cũng theo ông Thinh, hiện nay tại các khu đô thị mới, việc trồng cây xanh khá lộn xộn, không tuân thủ theo yêu cầu. Các chủ đầu tư tự trồng theo ý đồ riêng, thiếu sự giám sát của cơ quan chức năng. Điều này sẽ gây khó khăn cho TP sau này trong công tác quản lý và phát triển cây xanh.

MINH CHIẾN

249 cay xanh 1(read-only)

Cây xanh ven biển đường Trần Phú, Nha Trang được cắt gọn tán, chằng chống cẩn thận - Ảnh: MINH CHIẾN

Kỹ sư LÊ HUY HOÀNG (phó trưởng phòng kỹ thuật Công ty Công viên cây xanh Đà Nẵng): Đà Nẵng cắt tỉa cây trước mỗi cơn bão

Để tăng sức chống chịu cây xanh đô thị, Đà Nẵng đã xây dựng thành bộ quy chuẩn kỹ thuật bài bản, lớp lang để quản lý cây xanh. Chúng ta đều biết hạ tầng đô thị sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển của cây xanh nên nếu chọn loại cây không đúng, loại rễ không phù hợp thì cây còi cọc, nguy cơ ngã đổ rất cao trong điều kiện bình thường chứ chưa nói gió bão.

Do vậy việc quy hoạch, khuyến cáo các loại cây được trồng theo từng tuyến đường để vừa tạo bóng mát, cảnh quan, vừa không ảnh hưởng đến đời sống của người dân, vừa hạn chế thiệt hại trong gió bão là điều mà các địa phương phải chuẩn hóa. Chúng tôi chọn các loại cây xanh chủ lực để trồng là muồng tím, lim xẹt, bằng lăng, giáng hương... do có nhiều đặc điểm phù hợp với đô thị.

Bên cạnh việc chăm sóc cây thường kỳ thì tôi cho rằng việc cắt tỉa cây trước mỗi mùa mưa bão là điều kiện tiên quyết để chống ngã đổ. So với các địa phương khác, tại Đà Nẵng ngoài kế hoạch cắt tỉa hằng năm thì TP còn yêu cầu xây dựng phương án cắt tỉa cây phòng chống trước mỗi cơn bão.

Lấy ví dụ như trong điều kiện bình thường trước tháng 8 hằng năm phải thực hiện cắt tỉa thường ở mức độ 25% tán cây theo bộ quy chuẩn, thì khi có gió bão trong vòng 3 ngày chúng tôi có thể cắt thêm 50 - 75% tán cây để tăng sức chống chịu khi bão đến.

Đà Nẵng tiến hành cắt tỉa nhanh trước bão là do hiện nay việc quản lý cây xanh ở tuyến đường dưới 7,5m được giao về cho quận huyện. Riêng tại các tuyến đường lớn do Công ty Công viên cây xanh Đà Nẵng quản lý để tăng năng lực xử lý trong các điều kiện đặc biệt.

TRƯỜNG TRUNG ghi

Ông NGUYỄN QUANG TUẤN (giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng TP Tam Kỳ, Quảng Nam): Không để tán cây cao, rộng

Tại TP Tam Kỳ, một đô thị lớn ở tỉnh Quảng Nam, việc bảo vệ cây xanh trước mùa mưa bão luôn được thực hiện khá sớm, có kế hoạch, lộ trình hợp lý. Việc cắt tỉa cây xanh ở đô thị này được thực hiện thường xuyên. Hằng năm đều có kế hoạch, đặc biệt là tới mùa mưa bão thì ban chỉ đạo các đơn vị tăng cường việc cắt tỉa cành, tán lá của cây xanh sớm để đối phó với bão.

Ngoài ra, tại Quảng Nam do điều kiện thời tiết khắc nghiệt, thường hay có mưa bão nên cây xanh ở đây không để tán quá cao. Với kinh nghiệm nhiều năm, tôi thấy bão sẽ đến cỡ cuối tháng 9, tháng 10 dương lịch thì việc chống bão, cắt tỉa cây xanh cần được ưu tiên thực hiện ở những cây có nguy cơ ngã đổ trước. Và việc này cần phải hoàn thành trong tháng 9, cây còn lại thì vào tháng 10 cắt tỉa dần dần.

LÊ TRUNG

Cây bật gốc đổ ngang đường Nguyễn Tri Phương làm 1 người bị thương, ngập và kẹt xe nhiều nơi Cây bật gốc đổ ngang đường Nguyễn Tri Phương làm 1 người bị thương, ngập và kẹt xe nhiều nơi

TTO - Trong cơn mưa lớn chiều 24-9, một cây xanh lớn trên đường Nguyễn Tri Phương, phường 5, quận 10 đã bị bật gốc, ngã xuống đường. Mưa cũng gây ngập và kẹt xe nhiều nơi.

MINH TỰ - NHẬT LINH - PHƯỚC TUẦN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên