04/12/2014 08:46 GMT+7

​“Bẫy” hàng giả giăng khắp nơi

LÊ SƠN ghi
LÊ SƠN ghi

TT - "Người tiêu dùng khi sử dụng hàng giả chỉ biết “nhờ ông trời” để đòi quyền lợi". Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Ngô Bách Phong, chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP.HCM, nói như vậy.

Quản lý thị trường TP.HCM kiểm tra kinh doanh mũ bảo hiểm trên địa bàn Q.Tân Bình - Ảnh: Lê Sơn

Hơn 20 năm hoạt động công tác bảo vệ người tiêu dùng, ông Phong cho rằng sự phá hoại của hàng giả vô cùng ghê gớm đối với nền kinh tế, làm tiêu tan sự nghiệp, sự sáng tạo của doanh nghiệp...

Còn người tiêu dùng khi sử dụng hàng giả chỉ biết “nhờ ông trời” để đòi quyền lợi. Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phong nói:

- Điều dễ dàng nhận thấy nhất: người tiêu dùng là lực lượng yếu thế nhất hiện nay, đặc biệt những người tiêu dùng khu vực nông thôn và người thu nhập thấp ở thành thị. Sự yếu thế thể hiện ở kiến thức tiêu dùng của họ còn hạn chế, với mức thu nhập không cao khiến họ không có nhiều sự lựa chọn cho các sản phẩm, dịch vụ mình muốn sử dụng.

Cụ thể, tại các khu chợ công nhân những chai mỹ phẩm, sữa tắm gắn thương hiệu ngoại có giá chỉ vài chục ngàn đồng thì rõ ràng ai cũng có thể hiểu là hàng giả, hàng kém chất lượng nhưng họ hầu như không có sự lựa chọn nào khác. Đây chỉ là một ví dụ nhỏ, còn rất nhiều sản phẩm tiêu dùng khác mà họ phải cân nhắc phù hợp với túi tiền eo hẹp của mình. Do đó, nguy cơ rủi ro tiếp cận hàng giả là điều khó tránh khỏi.

Khi tiếp nhận những khiếu nại về hàng giả, việc giải quyết khiếu nại hầu như không thể bởi ngay sau khi bán xong sản phẩm, đối tượng bán hàng giả đã “cao chạy xa bay” rồi. Đây là điểm thiệt thòi chung nhất cho những người sử dụng phải hàng giả. Ngoài việc không được sử dụng hàng hóa đúng chất lượng cũng như dịch vụ chăm sóc khách hàng như hàng thật thì việc giải quyết khiếu nại cũng hết sức khó khăn.

Người ta vẫn nói chỉ có người mua bị lừa, người bán thì không nhưng không ít tiểu thương phản ảnh họ cũng bị kẻ sản xuất hàng giả lừa. Họ chỉ biết mình bán hàng giả khi có phản hồi chất lượng từ khách hàng, sau đó xác minh lại phía công ty chính hãng. Điều này cũng cho thấy hàng giả hiện nay không chỉ giống kiểu dáng, mẫu mã mà còn rất tinh vi về cách thức phân phối, giao dịch.

* Theo ông, có những biện pháp nào để người tiêu dùng “né” được hàng giả?

- Khi những “bẫy” hàng giả giăng quá nhiều như hiện nay thì người tiêu dùng dù thông thái cũng rất khó có thể né tránh. Do đó, cần có những giải pháp tổng thể từ cơ quan chức năng nhà nước, doanh nghiệp và cả bản thân người tiêu dùng.

Hiện nay, cơ quan chức năng đã và đang triển khai nhiều hoạt động để giải quyết vấn nạn này. Thực tế hiệu quả không thể ngày một ngày hai đánh giá, tuy nhiên có thể thấy tính kết nối giữa cơ quan chức năng với người tiêu dùng trong vai trò báo tin còn khá chậm trễ, nhiều thủ tục. Nếu gọi điện báo tin cho các cơ quan chức năng mà được xử lý liền, nhanh gọn thì người dân gọi điện ầm ầm.

Đối với các doanh nghiệp, tâm lý e ngại không dám thông tin sản phẩm của đơn vị mình bị làm giả để cảnh báo người tiêu dùng là điều khó tránh khỏi bởi sau đó là bao hệ lụy doanh nghiệp gặp phải khi người tiêu dùng lo ngại dùng sản phẩm đó.

Do đó, các doanh nghiệp cần tổ chức hệ thống phân phối chặt chẽ để người tiêu dùng có điểm mua sắm tin tưởng cũng như giải quyết vấn đề phát sinh khi sử dụng sản phẩm. Các doanh nghiệp nhỏ không tự mở hệ thống đại lý cũng cần liên kết với nhau để có những điểm bày bán tập trung. Bản thân hội đánh giá rất cao những chương trình đưa hàng Việt về nông thôn hay những điểm bán hàng lưu động tại khu công nghiệp, chế xuất.

Người tiêu dùng cần thay đổi tư duy sử dụng sản phẩm giả, nhái với tâm lý “xài cũng được”, “rẻ mà, đâu chết ai!”. Chính tâm lý này tạo nên thế cung - cầu để hàng giả có thị trường sinh sôi, phát triển.

Ông Vũ Thành Hiệp (giám đốc kinh doanh Công ty cổ phần Giấy Sài Gòn):

Hàng giả công khai “cạnh tranh” với hàng thật

Công ty chúng tôi đã đầu tư hàng ngàn tỉ đồng xây dựng nhà máy với chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, nhưng hai năm gần đây công ty gần như bất lực trước tình trạng hàng loạt mặt hàng giấy chủ lực của công ty bị làm giả một cách công khai, trắng trợn. Những đơn vị làm giả chẳng cần đầu tư gì nhiều nhưng vẫn sống “phây phây” bởi lợi nhuận khủng mang lại từ nguồn lợi bất chính này.

Từ đầu năm 2014 đến nay cơ quan chức năng đã xử lý 23 vụ làm hàng giả có liên quan đến công ty. Các nơi phát hiện hàng giả hầu hết ở các tỉnh miền Tây, mạnh nhất là Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng. Ở khu vực miền Bắc, mặt hàng khăn y tế và khăn giấy rút giả thương hiệu của công ty được bán nhiều ở Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, Hà Nội, Vĩnh Phúc...

Riêng khu vực Tây nguyên, giấy vệ sinh SaigonInno bị giả nhiều nhất ở tỉnh Đắk Lắk. Thời gian đầu cách đây ba năm, các đối tượng sản xuất và kinh doanh còn lén lút nhưng bây giờ thì công khai “cạnh tranh” trực tiếp với hàng thật của công ty không một chút ngại ngùng.

Những người làm giả giấy vệ sinh SGP rất đơn giản: chỉ cần đặt làm bao bì giả và mua giấy cuộn chất lượng thấp, sau đó cho vào bao và hàn lại là xong.

Chỉ trong vài giờ, những cơ sở lậu này có thể “sản xuất” ra cả ngàn cuộn giấy vệ sinh, tung đi khắp các điểm bán. “Sản xuất” đơn giản nên giá bán của hàng giả vô cùng hấp dẫn: khoảng 1.400-1.600 đồng/cuộn cho loại SaigonInno, chừng 2.200 đồng/cuộn cho SaigonExtra, trong khi giá bán SaigonInno của SGP khi đến tay người tiêu dùng là 2.600 đồng/cuộn, của SaigonExtra là 2.900 đồng/cuộn.

Chính sự cạnh tranh không công bằng như thế nên thiệt hại thường rơi vào các doanh nghiệp đầu tư nghiêm túc. Tính đến hết tháng 11-2014, doanh số ở khu vực TP.HCM, Đồng Nai, miền Tây của SGP đã giảm 20-40% so với cùng kỳ năm ngoái.

Riêng thiệt hại về uy tín thì không cách gì tính nổi vì bao bì hàng giả làm giống hàng thật đến 99% nên người tiêu dùng rất khó nhận biết, cứ tưởng sản phẩm công ty kém chất lượng tung ra thị trường.

T.V.NGHI ghi

 

LÊ SƠN ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên