13/04/2018 16:08 GMT+7

Bệnh sốt xuất huyết Dengue

Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe TP. Hồ Chí Minh
Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe TP. Hồ Chí Minh

Sốt xuất huyết Dengue là bệnh truyền nhiễm do muỗi vằn truyền vi rút từ người bệnh sang người lành khi muỗi đốt.

Bệnh sốt xuất huyết Dengue - Ảnh 1.

Đường lây truyền bệnh sốt xuất huyết Dengue. Ảnh: Viện Pasteur TP.HCM

Ngày 09-4-2018, Thông tấn xã Việt Nam đưa tin: Theo thông tin từ Cục Y tế dự phòng, đến ngày 9/4, cả nước đã có hơn14.000 người mắc sốt xuất huyết, ghi nhận 3 trường hợp tử vong (1 trường hợp tại Cà Mau, 1 trường hợp tại Bình Dương, 1 trường hợp tại Bình Phước), tại các tỉnh phía Nam số người mắc bệnh tăng cao.

Như vậy, hiện nay phòng ngừa sốt xuất huyết là một vấn đề hết sức cấp thiết.

1. Sốt xuất huyết Dengue là gì và lây lan như thế nào?

- Sốt xuất huyết Dengue là bệnh truyền nhiễm do muỗi vằn truyền vi rút từ người bệnh sang người lành khi muỗi đốt.

- Bệnh nguy hiểm vì chưa có vắc-xin phòng bệnh.

- Tất cả mọi người đều có thể mắc bệnh, đặc biệt những người đang sống trong vùng dịch.

- Đa số người mắc bệnh sốt xuất huyết sẽ tự khỏi trong khoảng 10 ngày và có thể được điều trị, chăm sóc tại nhà để hạn chế lây nhiễm chéo trong bệnh viện trừ một số trường hợp có biến chứng cần được điều trị tại bệnh viện.

2. Dấu hiệu thường gặp của bệnh?

- Sốt cao đột ngột, liên tục 2 ngày trở lên và không giảm khi uống thuốc hạ nhiệt.

- Xuất huyết (từ ngày thứ 2, 3 trở đi): Có dạng chấm, mảng xuất huyết dưới da; chảy máu chân răng, mũi; nôn hoặc tiêu, tiểu ra máu, phụ nữ bị hành kinh sớm hoặc nhiều.

- Người mệt mỏi.

- Đau: Đầu, sau hốc mắt, bụng, cơ, khớp.

3. Bệnh sốt xuất huyết có những biến chứng nào?

- Sốc (trụy tim mạch).

- Tràn dịch bên trong nội tạng.

- Xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết não.

- Viêm gan, suy gan.

- Viêm não, viêm cơ tim.

4. Người bệnh cần nhập viện khi có những dấu hiệu nào?

- Người bệnh bứt rứt, vật vã, da lạnh, vã mồ hôi, tím tái.

- Chảy máu mũi, chân răng hoặc chảy máu đường tiêu hóa… bất thường.

- Ói nhiều, đau bụng nhiều.

5. Làm sao để phòng ngừa bệnh?

- Không cho muỗi ở: Dọn dẹp nhà cửa gọn gàng, thông thoáng.

- Không cho muỗi đẻ trứng: Đậy kín dụng cụ chứa nước; không để đọng nước ở máng xối, công trình xây dựng; tiêu hủy các vật phế thải đọng nước.

- Không có lăng quăng: Nuôi cá bảy màu trong các bể nước, lu vại; vệ sinh dụng cụ chứa nước; thay ly nước cúng, bình bông; bỏ muối vào chén nước ở chân chạn.

- Không cho muỗi đốt: Ngủ mùng, mặc quần áo dài tay, thoa kem chống muỗi.

- Không cho muỗi tồn tại: Phun thuốc, dùng nhang diệt muỗi; tẩm màn bằng hóa chất; vợt diệt muỗi...

6. Chăm sóc tại nhà và phòng lây bệnh cho cộng đồng như thế nào?

- Nằm nghỉ trong phòng thoáng mát từ 7-10 ngày. Ngủ màn.

- Theo dõi nhiệt độ thường xuyên, chườm mát cơ thể.

- Theo dõi sát người bệnh đặc biệt từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 6 để phát hiện dấu hiệu bệnh nặng.

- Uống nhiều nước (oresol, nước đun sôi để nguội, nước trái cây nhưng không dùng loại có màu đỏ, đen để theo dõi tránh nhầm với xuất huyết đường tiêu hóa, đường tiểu).

- Ăn đủ chất, ăn thức ăn lỏng dễ tiêu, ăn thành nhiều bữa.

- Thực hiện theo đơn thuốc và tái khám theo lời dặn của bác sĩ.

7. Nếu nhập viện cần làm gì để phòng lây nhiễm chéo?

- Người bệnh, người chăm sóc không đi qua các phòng bệnh khác.

- Thông thoáng phòng bệnh.

- Không sử dụng chung các vật dụng của những người bệnh khác.

- Người bệnh, người chăm sóc, người thăm bệnh cần đeo khẩu trang, rửa tay để tránh lây bệnh khác qua đường hô hấp hay chạm vào các dịch tiết của người bệnh khác.

Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe TP. Hồ Chí Minh
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên