23/02/2024 10:44 GMT+7

Bí ẩn vợ vua phải làm bánh bán dạo - Kỳ cuối: Đám tang lạ lùng của bà hoàng

Những ngày cuối đời, đặc biệt là đám tang của bà Ân Phi thuộc dạng hiếm gặp trong đời.

Bà Ân Phi (thứ ba từ trái sang) thời còn trẻ sau khi vua Khải Định mới thăng hà - Ảnh tư liệu

Bà Ân Phi (thứ ba từ trái sang) thời còn trẻ sau khi vua Khải Định mới thăng hà - Ảnh tư liệu

Những ngày cuối cùng

Mộ phần của bà Ân Phi hiện nằm trên "Đồi thông hai mộ" ở xã Thủy Bằng, TP Huế. Cái tên "rất Đà Lạt" được gọi bởi hình ảnh đám thông già phủ bóng lên hai ngôi mộ lớn, của vợ chồng quan đại thần Hồ Đắc Trung.

Mộ của bà Ân Phi nằm tầng thấp hơn, cùng hàng với những anh em ruột: Hồ Đắc Điềm, Hồ Đắc Di, Hồ Đắc Liên... được đắp bằng đất, có thành bao quanh. Trên bia đề: "Tiền triều Khải Định đệ nhất Hoàng Ân Phi Hồ Thị Chỉ. Pháp danh Trừng Quán (*), sinh năm 1901, mất 19-1 Ất Sửu 1985. Em Hồ Thị Hạnh và gia quyến phụng lập 1988".

Đầu năm 1983, là năm thứ tám bà Ân Phi sống một mình trong căn phòng do Dòng Chúa Cứu Thế cấp (nay là số 2/83 Nguyễn Huệ, Huế). Hồi đó cảm thấy sức khỏe người chị già yếu bệnh tật khôn lường, sư bà Diệu Không cho đệ tử là sư bà Diệu Quang (nguyên trụ trì chùa Khải Ân) về vận động đưa bà lên chùa chăm sóc.

Bà Ân Phi đồng ý và được đưa về chùa Hồng Ân ở một thời gian ngắn. Sau đó bà được chuyển sang chùa Kiều Đàm. Song chuyện ăn uống, kinh kệ khó lòng như đã từng trước đó, bà đòi phải đưa về ở gần nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế cho bằng được.

Ông Nguyễn Cương, cựu phó chủ tịch thường trực UBND TP Huế, cháu gọi bà Ân Phi bằng bà dì, nhớ lại: Hồi đó khu nhà công sản trên đường Phan Chu Trinh, Huế gồm một biệt thự pháp cổ và một dãy nhà cấp 4 phía sau.

Chỗ này cách nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế con sông An Cựu, đi vòng khoảng 200m là tới.

Theo ông: "Cảm thương với số phận không may mắn của người em, ông Hồ Đắc Điềm đã đề nghị với lãnh đạo UBND tỉnh (Bình Trị Thiên) giải quyết cho bà và gia đình người cháu một căn hộ tập thể".

Tháng 3-1983, bà Ân Phi được chuyển về căn nhà, nay là số 8/252 Phan Chu Trinh. Vợ chồng ông Lê Hòa, cháu nội bà Hồ Thị Phương (chị ruột của bà Ân Phi, còn gọi là bà Tham Ngô), được gia đình chọn về sống cùng để coi sóc người bà sớm hôm.

"Bà làm việc không có quy tắc, quy luật chi hết. Đột nhiên bà nhớ cái chi đó là bà ra đường đi ngay, có cản cũng không được. Bà qua bên nhà dòng đi lễ bất kể giờ giấc. Bà theo Công giáo nhưng không thấy đọc kinh ở nhà hoặc treo tượng ảnh hay thánh giá", ông Lê Hòa kể.

Giai đoạn bà ở đây, cha xứ và các seur thuộc Công giáo cũng hay lui tới; một số người thân và các ni sư Phật giáo ở nhiều chùa cũng thường hay ghé lại thăm hỏi.

Bà Ân Phi đặc biệt thích món thịt gà kho. Ông Hòa còn nhớ dịp giáp Tết Ất Sửu - 1985, có người bên Công giáo sang biếu bà con gà sống. Trông bà tự cắt tiết, nhổ lông và làm lòng gà, ông Hòa thấy quá mất vệ sinh nên chen vào làm giúp.

Ông kể: "Thấy bà làm con gà không được, tui ra nhổ lông làm giùm. Bà nói nặng lời và đuổi tui nữa. Bà nói "mi hỗn hào". Tui sợ quá nên chạy về nhà kể với ba mạ tui.

Sau đó bà bị tiêu chảy". Đợt tiêu chảy cấp ấy kéo dài suốt ba tuần. Bà qua đời vào ngày 19-1 năm Ất Sửu, nhằm ngày 8-2-1985, thọ 84 tuổi.

Mộ bà Ân Phi hiện ở “đồi thông hai mộ”, phía sau là lăng mộ song thân của bà, Khánh Mỹ quận công Hồ Đắc Trung - Ảnh: THÁI LỘC

Mộ bà Ân Phi hiện ở “đồi thông hai mộ”, phía sau là lăng mộ song thân của bà, Khánh Mỹ quận công Hồ Đắc Trung - Ảnh: THÁI LỘC

Cuộc trở về

Giai đoạn trước khi bà Ân Phi qua đời, bản thân bà luôn thể hiện một lòng kính Chúa. Sư bà Diệu Trì, trụ trì chùa Phổ Hiền, Huế, kể: "Khi ở Kiều Đàm, tui nghe bà phi nói với sư cụ (tức sư bà Diệu Không), rằng: "Khi mô tui chết thì đưa tui về nhà thờ làm lễ, đưa tui qua nghĩa trang Thiên Chúa giáo mà chôn chứ không đưa lên Đồi thông hai mộ nghe chưa!".

Theo lời sư bà Diệu Đạt, trụ trì chùa Đông Thuyền: "Khi bà Ân già rồi thì sư bà Diệu Không có khuyên là "Thôi thì chị trở về với đạo của tổ tiên ông bà". Bà nói: "Không, tui theo Chúa thôi".

Sau đem bà về ở nhà dưới bờ sông An Cựu, sư bà cũng tiếp tục hỏi: "Chừ răng? Chừ chị trở về với đạo của ông bà hay là chị theo Chúa?". Bà nói: "Theo Chúa thôi". Nên (khi chết) sư bà mới đem qua gửi đức cha".

Tang lễ theo nghi thức Công giáo, thể theo nguyện vọng của bà Ân Phi. Dù vậy trước khi bà mất ít hôm, các ni sư về tụng niệm quanh bà. Sư bà Diệu Quang còn được cử về nhắc bà niệm "A Di Đà Phật".

Liền với đó, các seur cũng ghé đến bên bà đọc Thánh kinh. Ngày bà mất, ông Lê Hòa lên chùa Hồng Ân báo tin cho các ni sư và cũng sang nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế báo tin cho cha xứ. Sư bà Diệu Không và các ni sư về tụng kinh A Di Đà quanh thi hài. Tiếp đó là cha xứ và các seur tụng Thánh kinh.

Theo lời kể của seur Liên Để, đang tu ở dòng Phú Xuân (Kim Long): "Khi bà chết, bà được tẩn liệm theo nghi thức Công giáo. Sư bà Diệu Không lúc đó ngồi ở phòng trong.

Cha (Nguyễn Đình) Lành có vô mời bà ra nhìn mặt chị lần cuối, nhưng sư bà không ra, cứ ngồi trong phòng vậy. Sau khi tẩn liệm, quàn tại nhà này hơn một ngày đêm, mọi người cũng đến thăm và cầu nguyện.

Sau đó quan tài được đưa qua Dòng Chúa Cứu Thế". Sư bà Diệu Đạt kể thêm: "Quan tài của bà có thánh giá trước, thánh giá sau, nhà thờ làm lễ theo Công giáo. Còn bên ni thì mình cúng cơm theo kiểu nhà Phật".

Đám tang của bà Ân Phi thiệt lạ lùng và duy nhất trong đời mà tui từng dự. Khi người ta đưa quan tài vô nhà thờ, tui cùng các ni sư cùng vào. Phía trên thì cha xứ làm thánh lễ, cha và các seur đọc Kinh thánh; còn bên này thì các sư cô niệm Phật. Sau đó đưa bà vô nghĩa trang Thiên Chúa giáo.
Sư bà DIỆU ĐẠT (trụ trì chùa Đông Thuyền, Huế)

Ngày đưa tang

Ông Lê Hòa cùng một người em ruột của bà Ân Phi để tang cho bà. Ông kể ngày đưa tang, linh cữu được chuyển qua nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế, đoàn đưa tang xen lẫn cha xứ, các seur, giáo dân, đại diện gia đình và các ni sư nhà Phật. Linh cữu của bà được chuyển vào nhà thờ để đức cha làm thánh lễ.

Thời điểm đoàn đưa quan tài đến nghĩa trang Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp (cuối hẻm 46 Hồ Đắc Di), hai ni sư Diệu Quang và Diệu Đạt vào trước, đến huyệt mộ làm phép theo kiểu Phật giáo. Sau đó người ta đưa quan tài vào; cha xứ tiếp tục làm thánh lễ, đọc tiểu sử, hành trạng rồi chôn cất bà theo nghi thức Công giáo.

Đoàn Công giáo ra về. Hai ni sư Diệu Quang và Diệu Đạt còn ở lại, tiếp tục tụng niệm. Xong một người thì ôm di ảnh, một người ôm bát nhang đưa về chùa Trúc Lâm để thờ.

Theo họa sĩ Hồ Đắc Từ, cháu gọi bà Ân Phi là cô ruột: "Khi làm đám, sư bà Diệu Không có thỏa thuận bên Công giáo, rằng phía Công giáo làm lễ, xong chôn cất ở nghĩa trang nhà thờ, đúng ba năm thì cho gia đình cải táng. Khi cải táng, đào lên thấy xương cốt còn nguyên vẹn, đẹp lắm, đem về trên Đồi thông hai mộ, xong thì thấy êm xuôi".

(*) Có lẽ sư bà Diệu Không (tục danh Hồ Thị Hạnh) nhầm. Mộc bản kinh Lăng Nghiêm ở quốc tự Diệu Đế khắc năm 1922, thời Khải Định đề Trừng Ninh (Kim triều Ân phi Hồ Thị, pháp danh Trừng Ninh cúng ngân tam nguyên: Ân Phi Hồ Thị Chỉ, đương triều Khải Định, pháp danh Trừng Ninh cúng 3 đồng bạc).

Bí ẩn vợ vua phải làm bánh bán dạo - Kỳ 4: Mấy mươi năm Bí ẩn vợ vua phải làm bánh bán dạo - Kỳ 4: Mấy mươi năm 'đối thoại' với phu quân đã khuất

Suốt mấy mươi năm khi phu quân Khải Định 'cưỡi rồng về làm khách trời', bà Ân Phi thường xuyên đối thoại, trách cứ vua đến tận cùng. Các cuộc đối thoại diễn ra liên tục, cả ngày lẫn đêm.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên