20/11/2021 11:59 GMT+7

Biến phòng khám công thành phòng khám tư, cho bác sĩ thu tiền trực tiếp?

TIẾN THẮNG - ĐỖ NGỌC
TIẾN THẮNG - ĐỖ NGỌC

TTO - Hàng loạt phòng khám trực thuộc Bệnh viện Kiến An, Hải Phòng được thành lập để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và tăng nguồn thu cho bệnh viện, nhưng nguồn tiền thu được tại phòng khám này có dấu hiệu vào túi riêng của bác sĩ.

Biến phòng khám công thành phòng khám tư, cho bác sĩ thu tiền trực tiếp? - Ảnh 1.

Thay vì hướng dẫn bệnh nhân nộp tiền tại quầy thu ngân của bệnh viện, nhân viên y tế tại Phòng khám sản phụ khoa Thành Thủy lại thu tiền trực tiếp của bệnh nhân - Ảnh: ĐỖ NGỌC

Nhiều ngày ghi nhận tại các phòng khám mà lãnh đạo Bệnh viện Kiến An khẳng định là trực thuộc đơn vị này quản lý, chúng tôi thấy bệnh nhân khám chữa tại đây phải đưa tiền trực tiếp cho bác sĩ, không thực hiện quy trình đóng tiền tại quầy thu ngân của bệnh viện, lấy hóa đơn trước khi khám chữa như lời lãnh đạo bệnh viện thông tin.

Biến phòng khám công thành phòng khám tư?

Từ phản ảnh của bệnh nhân, nhóm phóng viên Tuổi Trẻ đã có nhiều ngày ghi nhận thực tế hoạt động của các "phòng khám yêu cầu" nằm ngay mặt đường Trần Tất Văn, quận Kiến An, Hải Phòng mang danh Bệnh viện Kiến An.

Các phòng khám này phía trên phần biển giới thiệu có đề dòng chữ nhỏ ghi "Bệnh viện Kiến An", nhưng phía dưới lại gắn trực tiếp với tên của các bác sĩ như: Phòng khám bác sĩ Thành Thủy; Phòng khám bác sĩ Giang;...

Trong vai bệnh nhân, chúng tôi có mặt tại phòng khám ghi biển hiệu "Bệnh viện Kiến An - Phòng khám sản phụ khoa Thành Thủy", thấy bác sĩ Phạm Văn Thành - trưởng khoa sản phụ khoa, Bệnh viện Kiến An - đang làm việc tại đây. 

Không cần nộp tiền tại quầy thu ngân của bệnh viện, chúng tôi vào thẳng phòng khám và được nhân viên y tế khẳng định chắc nịch đây là phòng khám tư. Sau đó, chỉ cần kể bệnh và nguyện vọng muốn khám về vấn đề gì, chúng tôi được nhân viên ghi vào sổ, sau đó đợi đến lượt khám.

Biến phòng khám công thành phòng khám tư, cho bác sĩ thu tiền trực tiếp? - Ảnh 2.

Hàng loạt phòng khám yêu cầu trực thuộc Bệnh viện Kiến An, Hải Phòng nằm ngay mặt đường Trần Tất Văn - Ảnh: TIẾN THẮNG

Trong lúc ngồi chờ, chúng tôi ghi nhận ngoài bệnh nhân ngoại trú còn có cả bệnh nhân nội trú mặc quần áo của bệnh viện ra, đều phải nộp tiền trực tiếp tại phòng khám mà không có biên lai, hóa đơn.

Bác sĩ Phạm Văn Thành là trưởng khoa và bác sĩ Bùi Thị Bích Thủy là phó khoa sản phụ khoa, Bệnh viện Kiến An.

Tại một phòng khám khác có đề biển hiệu "Bệnh viện Kiến An - Phòng khám sản, phụ khoa" do bác sĩ Lê Thị Giang phụ trách, chúng tôi được nhân viên hướng dẫn ra cổng bệnh viện khai báo y tế rồi quay lại phòng khám, không cần mua phiếu mà sẽ trả tiền thẳng ở phòng khám.

Sau khi khai báo y tế và quay lại phòng khám, nhân viên gọi điện cho bác sĩ báo "có bệnh nhân" và dặn chúng tôi ngồi chờ. Theo nhân viên này, đây là phòng khám riêng của bác sĩ Giang - trưởng khoa phụ khoa, Bệnh viện Kiến An.

"Nếu theo bác thì tốt nhất là đi vào buổi chiều, vì sáng bác ấy hay có ca mổ. Đây là phòng khám tư nên cũng không có hóa đơn để thanh toán bảo hiểm", nữ nhân viên tại phòng khám này cho hay.

Chờ khoảng 20 phút, bác sĩ Giang từ trong bệnh viện đi ra khám, tư vấn cho bệnh nhân. Chi phí một lần siêu âm là 120.000 đồng và bác sĩ Giang là người trực tiếp thu. Cùng lúc, có cả 2 bệnh nhân đang điều trị nội trú tại bệnh viện cũng được bác sĩ trực tiếp thăm khám và thu tiền. Tất cả đều không có phiếu thu, hóa đơn.

Kiểm tra hằng ngày nhưng chưa phát hiện vi phạm

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online về vấn đề các phòng khám trên thuộc bệnh viện quản lý hay của tư nhân, hoạt động theo cơ chế nào và quản lý thu chi ra sao, việc thu tiền mặt trực tiếp tại phòng khám không thông qua quầy thu ngân của bệnh viện là đúng hay sai, bà Nguyễn Thị Phương Mai - trưởng phòng tổ chức cán bộ Bệnh viện Kiến An - cho biết các phòng khám này tồn tại từ năm 2008 theo quyết định số 88/QĐ-BV ngày 8-8-2008 về việc thành lập khoa khám bệnh đa khoa quốc tế trung tâm y học kỹ thuật cao, trên cơ sở được sự đồng ý của Sở Y tế Hải Phòng.

Theo bà Mai, đây là các phòng khám có nhiệm vụ khám theo yêu cầu cho nhân dân trong khu vực, khám sức khỏe cho người lao động trong nước và đi nước ngoài... Trải qua nhiều thời kỳ và có sự thay đổi về nhân lực, nhưng hầu hết đều lấy các bác sĩ có năng lực chuyên môn cao là trưởng khoa, phó khoa có trình độ sau đại học để khám và điều trị.

Về quản lý thời gian làm việc, do đây là phòng khám của bệnh viện nên hoạt động linh hoạt nhưng có nguyên tắc. Các bác sĩ trưởng, phó khoa phải có trách nhiệm sắp xếp công tác chuyên môn để đảm bảo công việc trong khoa, khi nào có thời gian thì mới tham gia.

Biến phòng khám công thành phòng khám tư, cho bác sĩ thu tiền trực tiếp? - Ảnh 3.

Bác sĩ Lê Thị Giang - trưởng khoa phụ khoa, Bệnh viện Kiến An - trực tiếp thu tiền của bệnh nhân khám tại phòng khám trực thuộc bệnh viện - Ảnh: ĐỖ NGỌC

Bà Nguyễn Thị Xuân - trưởng phòng tài chính kế toán Bệnh viện Kiến An - cho biết thêm, những phòng khám này thuộc bệnh viện, hoạt động chung nên việc thu chi cũng đều phải tuân thủ theo quy định.

Cụ thể, hiện nay do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 nên tất cả bệnh nhân đến bệnh viện bắt buộc phải theo quy trình khai báo y tế, sau đó được cấp mã và nộp tiền tại bộ phận thu ngân của bệnh viện để được cấp phiếu xác nhận "đã nộp tiền" rồi mới ra những phòng khám yêu cầu của bệnh viện để khám.

Theo bà Xuân, bệnh nhân điều trị nội trú vẫn có thể khám siêu âm ở những phòng khám này nhưng phải đưa vào hồ sơ bệnh án để quyết toán.

"Bác sĩ và nhân viên y tế tại các phòng khám chỉ làm công tác chuyên môn, không liên quan đến tài chính và tuyệt đối không được thu tiền mặt của bệnh nhân. Nếu thu trực tiếp của người bệnh mà không thông qua bộ phận tài chính kế toán là vi phạm", bà Xuân nhấn mạnh.

Biến phòng khám công thành phòng khám tư, cho bác sĩ thu tiền trực tiếp? - Ảnh 4.

Là phòng khám trực thuộc bệnh viện quản lý nhưng lại hoạt động khám chữa và thu chi như phòng khám tư, phiếu trả kết quả tại phòng khám cũng không đề tên bệnh viện - Ảnh: TIẾN THẮNG

Theo bà Xuân, cuối mỗi ngày bệnh viện đều kiểm tra giữa sổ ghi chép tại phòng khám với hệ thống kế toán bệnh viện xem có "khớp" hay không, và khẳng định đến nay vẫn chưa phát hiện vi phạm nào.

"Bệnh viện có lắp hệ thống camera để giám sát hoạt động tại các phòng khám, nhưng do bộ phận khác quản lý. Chúng tôi không kiểm tra vì không thấy có bất thường gì trong sổ sách ghi chép hằng ngày", bà Xuân cho hay.

Khi chúng tôi đặt câu hỏi các phòng khám này trực thuộc bệnh viện nhưng phiếu trả kết quả khám bệnh lại chỉ ghi tên phòng khám liệu có đúng quy định, bà Xuân từ chối trả lời với lý do không nắm được việc này.

Bệnh viện Kiến An, Hải Phòng là bệnh viện công lập được thành lập từ năm 1955. Năm 2008, bệnh viện được UBND TP Hải Phòng công nhận là bệnh viện đa khoa hạng I và trở thành một trong những bệnh viện đa khoa lớn nhất Hải Phòng với quy mô 550 giường bệnh kế hoạch, 738 giường bệnh thực kê. Hằng ngày, bệnh viện này khám chữa và điều trị cho hàng trăm bệnh nhân trên địa bàn.

Ngưng phòng khám tư, chuyển sang khám công có thanh toán bảo hiểm? Ngưng phòng khám tư, chuyển sang khám công có thanh toán bảo hiểm?

TTO - Nhiều bạn đọc đã thắc mắc về quyền lợi của bệnh nhân đăng ký BHYT tại các phòng khám tư nhân sẽ được giải quyết ra sao trong thời gian phòng khám đóng cửa.

TIẾN THẮNG - ĐỖ NGỌC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên