05/07/2023 12:56 GMT+7

BlackPink và định kiến 'đu idol'

"Đu idol" là thuật ngữ mới, chỉ việc người hâm mộ dành tình cảm, thời gian và công sức cho thần tượng qua việc mua vé xem concert, cày view hay mua đĩa nhạc, thẻ bo góc hoặc các sản phẩm do nghệ sĩ đại diện thương hiệu.

Hình ảnh quảng bá album Born Pink của BlackPink - Ảnh: YG

Hình ảnh quảng bá album Born Pink của BlackPink - Ảnh: YG

Khi có tin tức concert Born Pink của BlackPink sẽ được tổ chức tại Hà Nội vào tháng 7 tới, cộng đồng hâm mộ nhóm nhạc nữ này nói riêng và K-pop nói chung bị săm soi, chỉ trích khi trên mạng mọc lên nhiều hội nhóm săn vé tiền triệu.

Cần nhìn nhận rằng, không phải đến bây giờ việc "đu idol" mới gặp phải những định kiến đến từ xã hội. Trong khoảng 10 năm qua, cộng đồng hâm mộ K-pop gặp không ít chỉ trích.

Trong mỗi gia đình, khoảng cách thế hệ ngày càng bị kéo xa khi bố mẹ cấm đoán, không muốn con dành nhiều thời gian cho thần tượng.

Thế nhưng, những người trẻ lại có góc nhìn khác. Hãy thử lắng nghe người trẻ nói.

Đừng dành toàn bộ số tiền mình có được cho các đêm nhạc, cho nghệ sĩ để rồi những ngày sau đó phải sống trong áp lực kinh tế.

Khán giả ĐÀO NGỌC, người từng dự concert của BlackPink ở Thái Lan đầu năm nay.

"Không phải mối quan hệ một chiều"

Với nhiều người trẻ, việc hâm mộ thần tượng không phải mối quan hệ một chiều, bởi những gì mà họ nhận lại là tương xứng.

Vừa tham dự concert của BlackPink ở Bangkok, Thái Lan đầu năm nay, cũng là lần đầu tiên "đu idol" ở nước ngoài, bạn Đào Ngọc (26 tuổi, Hà Nội) cho biết: "Trước đây, mình là một người khá khép kín và không có nhiều thú vui.

Nhưng khi biết đến âm nhạc của BlackPink và nhất là những câu chuyện truyền cảm hứng của các bạn từ lúc còn là thực tập sinh cho đến khi trở thành thần tượng, mình đã học được rất nhiều thứ hơn cả âm nhạc của họ".

Những người được thần tượng ít nhất đều có tài năng, nhân cách hoặc làm được những điều đặc biệt trong cuộc sống. Vậy nên, việc hâm mộ họ cũng là cách để người hâm mộ xây dựng ý niệm rõ ràng về hình mẫu cho bản thân.

"Khi mình còn là học sinh, vòng tròn xã hội còn nhỏ, việc tiếp xúc với thần tượng dù chỉ qua màn ảnh nhỏ cũng đủ để mở ra một thế giới khác ngoài gia đình và trường học, giúp mình khám phá thêm về thế giới bên ngoài. Một thần tượng xuất chúng với tư cách tốt đẹp sẽ là tấm gương để mình noi theo" - khán giả Phương Linh chia sẻ.

ThS Nguyễn Dung Thu (chuyên viên tâm lý) cũng khẳng định việc thần tượng một người nào đó sẽ mang lại không ít lợi ích cho hành trình sống của một người: "Ở bất cứ độ tuổi nào, khi bạn hâm mộ thần tượng đúng mực, họ sẽ là động lực để bạn phát triển, sẽ là cảm hứng giúp bạn vững chắc, và sẽ là tấm gương để bạn noi theo".

Tiêu tiền cho thần tượng: đúng hay sai?

Jisoo sẽ không diễn ca khúc gây sốt Flower tại Việt Nam - Ảnh: Kpopping

Jisoo sẽ không diễn ca khúc gây sốt Flower tại Việt Nam - Ảnh: Kpopping

Hôm 4-7, ban tổ chức concert Born Pink của BlackPink ở Hà Nội công bố giá vé khá cao. Vé VIP có giá 9,8 triệu đồng.

Các hạng vé tầm trung cũng từ 5,8 đến 6,8 triệu đồng. Khi biết mức giá này, nhiều cư dân mạng bày tỏ sự băn khoăn.

Có người khẳng định vẫn tham gia, có người nói sẽ cân nhắc tiêu số tiền vào mục đích hợp lý hơn.

Lâu nay, khi bắt gặp người trẻ dành một số tiền lớn để tham dự concert của một thần tượng K-pop, nhiều người phê phán đây là hành vi vô bổ và lãng phí, có thể khiến họ rơi vào nợ nần.

Trên thực tế, hiện nay một người trẻ trong độ tuổi 20, 30 hoàn toàn có thể tự kiếm đủ tiền để chi cho các khoản này.

Huyền Hương (29 tuổi, Hà Nội) tâm sự: "Mình tự tin với thú vui này, vì tầm tuổi của mình đã đủ độc lập tài chính, có thể lo cho bản thân, đóng góp cho gia đình và đủ khả năng thỏa mãn nhu cầu cho sở thích cá nhân.

Nói đơn giản là mình không biến sở thích của bản thân thành gánh nặng cho bố mẹ hay xã hội. Tháng 8 tới, mình sẽ đi fancom của NetJames tại Thái Lan và mời mẹ đi cùng chuyến này, như món quà sinh nhật cho mẹ mình".

Theo Yến Linh (30 tuổi, Hà Nội), việc đi xem concert của nhóm nhạc INTO1 (Trung Quốc) cũng giúp cô quen biết một người bạn tự học tiếng Trung và có công việc thu nhập cao nhờ thành thạo ngoại ngữ. Chính việc hâm mộ thần tượng đã cho người bạn động lực học tập.

Công ty BlackPink nói đêm nhạc tại Hà Nội sẽ có 21-24 bài hát

"Đu idol" sao cho lành mạnh?

Tuy nhiên, việc "đu idol" có thể trở nên thái quá và đẩy người hâm mộ vào những tình huống rắc rối. Họ cũng nên tránh chi tiêu quá đà.

"Đu idol" cũng giống như đầu tư để mua niềm vui cho bản thân.

Thế nên, cũng như những khoản đầu tư khác, đừng nên "chơi tất tay", dành toàn bộ số tiền mình có được cho các đêm nhạc, cho nghệ sĩ để rồi những ngày sau đó phải sống trong áp lực kinh tế.

Với những bạn trẻ chưa thể tự chủ về tài chính, không nên làm đủ mọi cách để bố mẹ chấp nhận chi tiền cho bạn thỏa mãn lòng hâm mộ thần tượng. Như thế, cuộc đầu tư cho niềm vui này sẽ chẳng còn vui vẻ nữa - bạn Đào Ngọc khẳng định.

Bên cạnh đó, sự thái quá còn thể hiện ở việc dành hầu hết thời gian cho thần tượng mà sao nhãng những khía cạnh khác của cuộc sống.

Có những "fan cuồng" còn thần thánh hóa các nghệ sĩ mà không hiểu rằng họ cũng là con người với những khuyết điểm cá nhân. Vì thế, họ kỳ vọng quá cao ở thần tượng và dễ thất vọng.

Công ty BlackPink nói gì về tin đêm nhạc Hà Nội chỉ có 13 bài hát?Công ty BlackPink nói gì về tin đêm nhạc Hà Nội chỉ có 13 bài hát?

Trên báo Hàn Quốc, đại diện Công ty YG cho biết đêm nhạc BlackPink ở Việt Nam sẽ có số bài hát như các đêm khác trong chuyến lưu diễn Born Pink.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên