06/02/2024 16:10 GMT+7

Bộ Công an đánh giá giải pháp đưa ADN, giọng nói, mống mắt vào dữ liệu căn cước

Cục C06 - Bộ Công an đã tổ chức hội thảo đánh giá các giải pháp khoa học, công nghệ sinh trắc học ADN, giọng nói, mống mắt để triển khai Luật Căn cước mới.

Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc - Ảnh: GIA HÂN

Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc - Ảnh: GIA HÂN

Chiều 6-2, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06, Bộ Công an) đã tổ chức hội thảo quốc gia với chủ đề đánh giá các giải pháp khoa học, công nghệ sinh trắc học ADN, giọng nói, mống mắt phục vụ triển khai Luật Căn cước.

Sẽ báo cáo Chính phủ lựa chọn phương án tối ưu, hiệu quả nhất

Phát biểu khai mạc hội thảo, thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, thứ trưởng Bộ Công an, cho biết Luật Căn cước mới có hiệu lực từ ngày 1-7, trong đó có nội dung quy định bổ sung thêm thông tin sinh trắc học ADN, giọng nói và mống mắt.

Liên quan việc thu thập thông tin sinh trắc học trên, ông nêu rõ từ kinh nghiệm các nước trên thế giới có thể tạm thời phân ra làm 3 nhóm: nhóm nước đã đưa ra triển khai nhưng không thành công; nhóm nước triển khai nhưng hiệu quả chưa cao do sự nghi ngờ, ái ngại của người dân, người dân chưa ủng hộ, đồng thuận và nhóm nước đã triển khai rất thành công khi người dân hưởng ứng tham gia rất đông đảo và háo hức một cách tự nhiên.

"Những kết quả của nhóm nước thành công trong áp dụng công nghệ sinh trắc học ADN, giọng nói, mống mắt không chỉ phục vụ lợi ích của cá nhân người dân mà còn phục vụ sự phát triển của cả quốc gia, đất nước, đem lại giá trị lớn lao cho xã hội", ông Ngọc nói.

Ông đặt câu hỏi, từ kinh nghiệm triển khai của các quốc gia trên thế giới thì câu chuyện đặt ra, tới đây Việt Nam sẽ triển khai thực hiện như thế nào để thuận tiện nhất, đạt được hiệu quả cao nhất?

"Việc triển khai, ứng dụng phải đảm bảo đáp ứng cơ sở phù hợp với chính sách pháp luật của đất nước Việt Nam, thông lệ khu vực, quốc tế và tình hình thực tế của người dân", ông Ngọc nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ Công an khẳng định Bộ Công an rất cầu thị, lắng nghe, tiếp thu đầy đủ những ý kiến của các đại biểu, nhà khoa học, chuyên gia trong nước và quốc tế để bổ sung các nội dung liên quan.

Đồng thời báo cáo Chính phủ lựa chọn phương án tối ưu, hiệu quả nhất, tiết kiệm nhất, chống lãng phí phục vụ phát triển của đất nước trong giai đoạn mới.

Đại tá Vũ Văn Tấn - cục phó C06 - cho biết thêm theo quy định trong Luật Căn cước, thông tin trong cơ sở dữ liệu căn cước gồm thông tin sinh trắc học khuôn mặt, vân tay, mống mắt, ADN, giọng nói.

Trong đó, thông tin sinh trắc học về ADN và giọng nói được thu thập khi người dân tự nguyện cung cấp hoặc trong quá trình giải quyết vụ việc theo chức năng, nhiệm vụ được giao, cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan quản lý người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính có thực hiện trưng cầu giám định hoặc thu thập được thông tin sinh trắc học về ADN, giọng nói của người dân thì chia sẻ thông tin, dữ liệu đó cho cơ quan quản lý căn cước để cập nhật vào cơ sở dữ liệu căn cước.

Luật cũng quy định cơ quan tiến hành tố tụng hình sự, cơ quan quản lý người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính có thông tin sinh trắc học về ADN, giọng nói của người dân thì phải chuyển cho cơ quan quản lý căn cước để cập nhật, điều chỉnh.

Thêm vào đó, thông tin mã hóa, lưu trữ trong bộ phận lưu trữ trên căn cước gồm thông tin về ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt.

Quang cảnh hội thảo - Ảnh: GIA HÂN

Quang cảnh hội thảo - Ảnh: GIA HÂN

Ưu, nhược điểm của thu thập ADN, giọng nói, mống mắt

Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học đã tập trung thảo luận, đánh giá sâu về các giải pháp khoa học công nghệ sinh trắc học ADN, giọng nói, mống mắt.

GS Hồ Tú Bảo (Viện Nghiên cứu cao cấp về toán) cho hay với ADN được thu thập bằng cách trích xuất ADN từ mẫu sinh học, với giọng nói thu thập bằng ghi âm giọng nói cá nhân, còn với mống mắt được thu thập bằng chụp ảnh mống mắt phân giải cao.

Ông nhấn mạnh với ADN, ưu điểm độ chính xác cao, không thể giả mạo, lưu trữ lâu dài, tuy nhiên cũng có nhược điểm là chi phí cao, yêu cầu thiết bị phức tạp, gây xâm lấn.

Với mống mắt cũng có ưu điểm độ chính xác cao, không thể giả mạo, dễ dàng sử dụng. Song nhược điểm là chi phí trung bình, yêu cầu thiết bị tương đối phức tạp, gây xâm lấn.

Còn với giọng nói có ưu điểm chi phí thấp, dễ dàng sử dụng, thiết bị đơn giản, nhưng nhược điểm là môi trường và ngôn ngữ có thể ảnh hưởng độ chính xác. Có thể bị giả mạo.

Đối với sinh trắc giọng nói, mống mắt cũng được các đại biểu tập trung đánh giá những yếu tố tiêu chuẩn, các vấn đề công nghệ, quản lý, khai thác, ứng dụng, khung pháp lý có liên quan.

Đề xuất thông tuyến khám chữa bệnh trên phạm vi toàn quốc, bộ trưởng Bộ Y tế nói gì?Đề xuất thông tuyến khám chữa bệnh trên phạm vi toàn quốc, bộ trưởng Bộ Y tế nói gì?

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã có trả lời ý kiến cử tri kiến nghị đề xuất Chính phủ thông tuyến khám chữa bệnh trên phạm vi toàn quốc.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên