08/01/2018 16:14 GMT+7

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhận 50 đơn thư mỗi ngày

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TTO - Bộ trưởng Lao động, thương bình và xã hội Đào Ngọc Dung chia sẻ tại cuộc họp của Ban Dân nguyện Quốc hội hôm nay 8-1 rằng trung bình ông đọc 50 đơn thư kiến nghị, khiếu nại mỗi ngày.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhận 50 đơn thư mỗi ngày - Ảnh 1.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung - Ảnh: Quochoi.vn

"Không phải việc nào giải quyết xong cũng vui"

Chia sẻ với những vất vả của Ban Dân nguyện - nơi mỗi năm tiếp nhận hàng vạn đơn từ, ý kiến của cử tri và nhân dân, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết ngành mình cũng quản lý nhiều lĩnh vực phức tạp.

"Chúng tôi quản lý 14 lĩnh vực, liên quan từ chuyện em bé còn nằm trong bụng mẹ đến người nằm trong lòng đất, nên có nhiều loại đơn thư. Trung bình mỗi ngày tôi nhận khoảng 50 đơn, thư gửi trực tiếp cho bộ trưởng. Dân gửi đích danh thì mình phải đọc, thấy bức xúc thì phải trực tiếp xử lý chứ không chuyển cơ quan này, cơ quan kia" - ông Dung nói.

Năm 2017, xác định trọng tâm là giải quyết những bức xúc còn tồn đọng trong lĩnh vực thương binh - liệt sĩ, đền ơn đáp nghĩa, trong đó có những vụ việc kéo dài 20 năm nay như 197 trường hợp ở Lâm Đồng, các tỉnh có nhiều đơn như Quảng Bình 1.328 đơn, Hà Tĩnh 1.744 đơn…, Bộ trưởng Dung khẳng định "cứ giải quyết dứt điểm được một vụ việc lại tạo thêm được lòng tin".

"Nhưng không phải vụ việc nào giải quyết xong cũng đem lại niềm vui" - bộ trưởng kể thêm. "Ví dụ, có những việc kéo dài đến 40-50 năm, gia đình mòn mỏi chờ đợi, đến khi giải quyết được chế độ thì những đối tượng được thụ hưởng chính đã không còn, rất ngậm ngùi. Hay có những người khiếu kiện rất căng thẳng, thậm chí đem cả xăng doạ đốt, doạ cắt chân cắt tay…".

Chính vì vậy, ông kiến nghị các cơ quan Quốc hội có quy định, cách thức giải quyết dứt điểm các vụ việc tồn đọng, tránh chồng chéo, đơn chuyển lòng vòng.

"Không ngại va chạm"

Tại cuộc họp của Ban Dân nguyện Quốc hội hôm nay, chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Quốc hội Lê Thị Nga chia sẻ nhận định của nhiều đại biểu đánh giá cao các báo cáo thẳng thắn mà Ban Dân nguyện trình ra Quốc hội năm 2017.

"Các báo cáo nêu các địa chỉ cụ thể, không né tránh. Tôi rất mong là các bộ, ngành, sau các bản báo cáo như vậy sẽ ít 'nợ' cử tri hơn", bà Nga nói.

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp kiến nghị lãnh đạo Ban Dân nguyện quan tâm hơn đến "hậu giám sát", đặc biệt là theo dõi, đôn đốc giải quyết đến cùng các kết luận, kiến nghị.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhận 50 đơn thư mỗi ngày - Ảnh 2.

Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ hoan nghênh Ban Dân nguyện ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri, tăng cường công khai, minh bạch - Ảnh: LÊ KIÊN

Làm sao để đơn thư không tồn đọng, giải quyết đúng pháp luật, có thứ tự ưu tiên, không chuyển đơn thư lòng vòng. Gắn việc giải quyết đơn thư với chất lượng giải quyết công việc của cán bộ, làm tiêu chí đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ và đánh giá năng lực các bộ.

Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ

Trưởng ban Dân nguyện Quốc hội Nguyễn Thanh Hải tâm sự: "Trong các báo cáo, chúng tôi đều nêu rõ địa chỉ, việc chưa làm được, việc còn nợ, đề nghị bộ, ngành cho thời gian giải quyết. Có thể khi chúng tôi nêu những vụ việc như vậy thì có đụng chạm, có những điều các bộ, ngành không hài lòng. Nhưng đây là giải quyết việc của dân, chúng tôi rất mong được thông cảm".

Phát biểu tại cuộc họp, phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ hoan nghênh nỗ lực của lãnh đạo Ban Dân nguyện trong ứng dụng công nghệ thông tin, đưa vào sử dụng chính thức phần mềm xử lý ý kiến, kiến nghị của cử tri từ năm 2018, khắc phục tình trạng trùng lắp, chồng chéo trong xử lý, đồng thời tăng cường công khai, minh bạch.

Ông lưu ý tầm quan trọng của công tác dân nguyện trong năm 2018 - năm giữa nhiệm kỳ, thời điểm Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm những người giữ các chức danh Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên