29/09/2023 13:10 GMT+7

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Việt Nam có đủ điều kiện xây hệ sinh thái bán dẫn

Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam ngày 29-9 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định Việt Nam có đủ điều kiện xây dựng hệ sinh thái bán dẫn trong nước.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam 2023 ngày 29-9 - Ảnh: DUY LINH

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam 2023 ngày 29-9 - Ảnh: DUY LINH

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, có 5 lý do cũng là ưu thế của Việt Nam để hiện thực hóa việc xây dựng hệ sinh thái bán dẫn nội địa.

Việt Nam có đủ điều kiện nội lực

Thứ nhất, Việt Nam có hệ thống chính trị ổn định, vị trí địa lý thuận lợi. Chính phủ và Thủ tướng rất quan tâm việc đẩy mạnh hợp tác đầu tư, phát triển ngành bán dẫn ở Việt Nam.

Theo đó, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Thông tin và Truyền thông, các bộ ngành xây dựng kế hoạch hành động và chiến lược để phát triển ngành bán dẫn ở Việt Nam. Việt Nam cũng đang xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực với mục tiêu hình thành đội ngũ 50.000 kỹ sư, chuyên gia cho ngành công nghiệp bán dẫn vào năm 2030.

Thứ hai, Việt Nam có một lực lượng lao động dồi dào trong lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ phù hợp với ngành bán dẫn.

Việt Nam cũng có những đơn vị nghiên cứu, đào tạo uy tín trong lĩnh vực bán dẫn như Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP.HCM, Đại học Bách khoa Hà Nội, các doanh nghiệp lớn có nguồn lực và sẵn sàng hợp tác phát triển ngành bán dẫn như Viettel, VNPT, FPT, CMC...

Thứ ba, Việt Nam đã và đang thu hút ngày càng nhiều tập đoàn lớn trong ngành bán dẫn của Mỹ, Hàn Quốc hay vùng lãnh thổ Đài Loan...

Đặc biệt, Việt Nam - Mỹ đã nâng cấp mối quan hệ hai nước lên tầm chiến lược toàn diện. Đồng thời, tuyên bố chung của hai nước đã xác định một trong các nội dung hợp tác chiến lược là đổi mới sáng tạo, trong đó có phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.

Thứ tư, Việt Nam đã và đang xây dựng nhiều cơ chế ưu đãi đầu tư hấp dẫn cho các công ty, tập đoàn ngành bán dẫn. Theo đó, các dự án đầu tư ngành bán dẫn thuộc lĩnh vực công nghệ cao, được áp dụng những ưu đãi cao nhất.

Thứ năm, Việt Nam đã thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) và 3 khu công nghệ cao tại TP.HCM, Hòa Lạc (Hà Nội) và Đà Nẵng, sẵn sàng đón các nhà đầu tư ngành bán dẫn với cơ chế ưu đãi cao.

Việt Nam đang trở thành trung tâm chú ý trong ngành bán dẫn

Bà Linda Tan, chủ tịch Hiệp hội SEMI SEA, phát biểu tại hội nghị - Ảnh: DUY LINH

Bà Linda Tan, chủ tịch Hiệp hội SEMI SEA, phát biểu tại hội nghị - Ảnh: DUY LINH

Tại hội nghị, bà Linda Tan, chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Đông Nam Á (SEMI SEA), khẳng định sự phát triển của ngành bán dẫn ở Việt Nam sẽ đóng góp vào sự tăng trưởng của ngành bán dẫn ở khu vực Đông Nam Á.

Đánh giá về tiềm năng phát triển ngành bán dẫn của các nước trong khu vực, ông Nguyễn Huy Dũng - thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông - cho rằng Việt Nam có ưu thế về mặt nhân lực, Thái Lan và Singapore có ưu thế về cơ sở hạ tầng và công nghệ.

Vì vậy Việt Nam mong muốn phát triển nguồn nhân lực đông đảo, không chỉ phục vụ cho đất nước mà còn cho khu vực.

"Nhưng để làm được điều đó không chỉ cần vai trò của Chính phủ mà còn của doanh nghiệp và các trường đại học", ông Dũng cho biết thêm.

Còn theo ông Nguyễn Thiện Nghĩa - phó cục trưởng phụ trách Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin và Truyền thông, Bộ Thông tin và truyền thông, ngành công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) của Việt Nam ngày càng tăng về giá trị. Đến năm 2022 ước tính đạt 148 tỉ USD, trong đó Việt Nam đứng số 2 về xuất khẩu điện thoại, số 6 về xuất khẩu linh kiện máy tính, số 6 về gia công ngành công nghệ thông tin (IT).

Cũng theo ông Nghĩa, Việt Nam có khoảng 300.000 kỹ sư, 1,6 triệu lao động, 42.000 công ty trong lĩnh vực công nghệ và kỹ thuật. Bên cạnh đó, Việt Nam có nhiều công ty thiết kế, lắp ráp và thử nghiệm chip, nhưng chưa có công ty nào trong khâu đúc chip.

Ông Clark Tseng, giám đốc cấp cao của SEMI SEA, nhận định Việt Nam đang nhanh chóng trở thành trung tâm cho các hoạt động liên quan ngành bán dẫn. Cạnh tranh địa chính trị dẫn tới việc đa dạng hóa cơ sở sản xuất tới các nước như Việt Nam.

Các hoạt động như lắp ráp và thử nghiệm bán dẫn ngày càng sôi động ở Việt Nam, với những tập đoàn hàng đầu thế giới như Intel, Samsung và Amkor.

Hiện đầu tư vào Việt Nam đã mở rộng sang ngành thiết kế chip nhờ có lực lượng lao động trẻ và được đào tạo. Đây sẽ là nguồn tài nguyên quý cho ngành công nghiệp bán dẫn.

Chính phủ Việt Nam thể hiện sự ủng hộ ngành công nghiệp bán dẫn, đã và đang có nhiều chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư. Do đó theo ông Clark Tseng, tương lai ngành bán dẫn ở Việt Nam rất xán lạn.

Cựu giám đốc chiến lược toàn cầu của Samsung làm cố vấn về bán dẫn cho Việt NamCựu giám đốc chiến lược toàn cầu của Samsung làm cố vấn về bán dẫn cho Việt Nam

Ông Cường Đỗ, cựu giám đốc chiến lược toàn cầu của Tập đoàn Samsung và cũng là một thành viên của Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam tại Mỹ, đã nhận lời làm cố vấn chiến lược cho Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) về bán dẫn và y tế.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên