04/12/2018 18:29 GMT+7

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: 'Biến hạt tiêu Việt thành nước hoa'?

NGUYỄN TRÍ
NGUYỄN TRÍ

TTO - Đó là gợi ý của ông Nguyễn Xuân Cường - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT tại hội nghị Triển vọng ngành công nghiệp hồ tiêu Việt Nam 2018 ngày 4-12.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Biến hạt tiêu Việt thành nước hoa? - Ảnh 1.

Hội nghị Triển vọng ngành công nghiệp Hồ tiêu Việt Nam diễn ra tại TP.HCM với sự tham dự của đông đảo doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài nước - Ảnh: NGUYỄN TRÍ

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, hạt tiêu không chỉ làm gia vị mà còn có thể làm nguyên liệu cho sản xuất sản phẩm nước hoa, các sản phẩm chăm sóc sắc đẹp, thực phẩm chức năng… 

"Doanh nghiệp cần đầu tư các sản phẩm giá trị gia tăng, chế biến sâu để tăng đầu ra, chất lượng, thương hiệu cho hồ tiêu Việt Nam", Bộ trưởng nói.

Quyết liệt tái cấu trúc để nâng cao chất lượng

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, cần nhận dạng hồ tiêu là nông sản đặc biệt, gia vị nên nhu cầu ở mức nhất định, không thể sản xuất vô tôi vạ. 

Với diện tích chiếm 1/3, sản lượng chiếm 50% của thế giới với sản lượng hiện khoảng 230.000 tấn, hồ tiêu Việt Nam cần phải tái cấu trúc ngay với các hành động: quyết kéo diện tích giảm xuống, tập trung làm công tác về giống tiêu và làm công tác thị trường, khuyến khích doanh nghiệp tăng cường chế biến sâu. 

Ngoài ra, theo ông Cường, việc một ngành hàng có giá trị xuất khẩu hơn 1 tỉ USD nhưng đến nay vẫn chưa có cây giống nào được công nhận, chưa có quy trình canh tác tiêu chuẩn là không thể chấp nhận. "Từ nay, cây tiêu phải chạy theo chất lượng", ông Cường khẳng định.

Ông Đỗ Hà Nam - Tổng Giám đốc Intimex Group, cho biết hạt tiêu Việt Nam hiện nay gần 60.000 đồng/kg vẫn trên giá thành. Nhưng có tới 95% sản lượng hạt tiêu của Việt Nam làm ra được dùng để xuất khẩu, nên chất lượng là con đường mà ngành hồ tiêu phải đi. 

"Bình quân 5 năm chu kỳ giá lên và xuống đáy giá tiêu, nhưng Việt Nam duy trì 11 năm với giá gấp 5 lần giá thành. Nhưng tai họa khi cung vượt cầu quá nhiều. Việt Nam phải điều tiết thị trường với vị trí chủ chốt để giữ giá không xuống quá thấp", ông Nam nói.

Đồng quan điểm đó, theo ông Nguyễn Nam Hải - Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, với 100 tấn hồ tiêu nguyên liệu thì sản xuất được 8 tấn dầu thì giá trị gia tăng gấp 6 lần so với chế biến thô. Do đó, ngoài giải pháp tạo vùng nguyên liệu bền vững, hệ thống chế biến đồng bộ, hạn chế lạm dụng phân hóa học và thuốc trừ sâu, thì việc tăng cường chế biến sâu là điều cần thiết.

"Cứ nói bền vững, hữu cơ nhưng có cái gì để chứng minh và ai mua. Cần phải xây dựng được qui trình quản lí, tổ chức quốc tế xác nhận chất lượng hàng, xây dựng thị trường người mua chấp nhận sản phẩm. Nếu hữu cơ mà không biết bán cho ai là tai họa vì người dân mất niềm tin"

Ông Đỗ Hà Nam

Thêm qui định ngặt nghèo từ các thị trường lớn

Chia sẻ tại Hội nghị, ông Gerhard Weber - Đại diện hiệp hội Gia vị châu Âu, cho biết mức độ sử dụng dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong hồ tiêu của Việt Nam đang giảm đi nhiều, tuân thủ quy định nhiều hơn.

Tuy nhiên, hiện châu Âu áp thêm điều kiện kiểm tra với các chất trong hồ tiêu như clo - có thể phát hiện được trên thực phẩm hồ tiêu sau khi rửa, deet - thuốc chống côn trùng có thể phát hiện được trong thực phẩm, perchlorate - một chất tự nhiên trong phân bón có thể phát hiện, chất dị ứng… Do đó, nếu không khai báo trên nhãn, doanh nghiệp Việt Nam sẽ gặp khó khăn khi nhập tiêu vào châu Âu.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Biến hạt tiêu Việt thành nước hoa? - Ảnh 3.

Việc tăng nóng diện tích khiến tình hình dịch bệnh trên hồ tiêu diễn biến phức tạp. Trong ảnh: một nhà vườn tại Bình Phước bị dịch bệnh hoành hành

Trong khi đó, theo bà Laura Shumow - Giám đốc điều hành ASTA (Mỹ), Luật an toàn thực phẩm Mỹ đã chuyển từ thụ động sang phòng ngừa bằng cách thực hiện các qui định như: yêu cầu xây dựng kế hoạch an toàn thực phẩm bao gồm phân tích nguy cơ và kiểm soát phòng ngừa các công ty xuất nhập khẩu; chương trình xác minh nhà cung cấp hồ tiêu nước ngoài đáp ứng được tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, kiểm tra toàn bộ chuỗi cung ứng nhà sản xuất.

"Chính phủ Mỹ sẽ thanh kiểm tra các cơ sở đóng gói, chế biến ở nước ngoài toàn diện hơn. Theo đó, trước đây chỉ kiểm tra 1-2 ngày, nhưng có thể tăng thời gian kiểm tra 4-5 ngày với hàng trăm cơ sở nước ngoài, trong đó có hồ tiêu", bà Laura thông tin.

Ngoài ra, các chất gây dị ứng trên nông sản được đại diện châu Âu cho biết sẽ bị kiểm tra gắt gao. Do đó, để tránh nhiễm chéo, từ sản xuất đến lưu kho các doanh nghiệp hồ tiêu phải ngăn cách với các nông sản khách để tránh nhiễm chéo.

2019 Việt Nam sẽ có sàn giao dịch hồ tiêu

Theo bà Nguyễn Mai Oanh - PCT Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam, Sàn giao dịch Hàng hóa Việt Nam dự kiến triển khai hoạt động năm 2019 với nhiều mặt hàng, trong đó có hồ tiêu. Theo đó, hoạt động theo cách thức giá tham chiếu sẽ giảm rủi ro cho nông dân và xuất khẩu, tăng giá trị cho ngành hồ tiêu Việt Nam.

Bên cạnh đó, Việt Nam cần dựng vùng trồng, truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lí... khu vực thế mạnh như Chư Sê (Gia Lai), Lộc Ninh (Bình Phước)... Từ đó, quảng bá nhiều hơn, tiếp nối từng bước xây dựng thương hiệu quốc gia để tăng giá trị hồ tiêu.

Theo Bộ NN&PTNT, khối lượng xuất khẩu tiêu 10 tháng đầu năm 2018 ước đạt 207.000 tấn và 678 triệu USD, tăng 8% về khối lượng nhưng giảm 33% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Giá tiêu xuất khẩu bình quân chín tháng đầu năm 2018 đạt 3.290 USD/tấn, giảm 38% so với cùng kỳ năm 2017.

Theo nhận định chung, giá hồ tiêu thời gian tới vẫn ở mức thấp do nguồn cung thế giới tăng bình ở mức 5%/năm với sản lượng hiện ước đạt 530.000 tấn, nhưng nhu cầu chỉ tăng khoảng 2%.

Cần 'kế hoạch hành động' cho cây hồ tiêu Cần "kế hoạch hành động" cho cây hồ tiêu

TTCT - Cho tới thời điểm này, việc giá hồ tiêu vẫn tiếp tục giảm có lẽ đã đủ để khiến những ai cho rằng giá của “gia vị vua” này giảm là nhất thời,  do có thêm Brazil thu hoạch trùng với Việt Nam, Ấn Độ và Campuchia... phải suy nghĩ lại.

NGUYỄN TRÍ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên