10/03/2024 09:05 GMT+7

Bóng đá Việt cần nghiêm khắc với bạo lực

Tiền đạo Phạm Tuấn Hải đã may mắn không gãy chân sau pha vào bóng bằng gầm giày của trung vệ Nguyễn Tăng Tiến ở vòng 13 V-League 2023-2024. Nhưng bóng đá Việt Nam không thể cứ mãi tồn tại kiểu thi đấu bạo lực như thế!

Tuấn Hải (giữa) trong trận đấu với CLB Quảng Nam - Ảnh: VPF

Tuấn Hải (giữa) trong trận đấu với CLB Quảng Nam - Ảnh: VPF

Hơn chục năm qua, V-League lẫn Giải hạng nhất đã chứng kiến rất nhiều pha bóng thô bạo làm gãy chân cầu thủ. Có thể kể ra hàng loạt cái tên như Đỗ Hùng Dũng (CLB Hà Nội), Trần Anh Khoa (SHB Đà Nẵng), Nguyễn Hải Huy (Than Quảng Ninh), Nguyễn Anh Hùng (An Giang), Dương Văn Hào (Viettel), Tạ Thái Học (Hoàng Anh Gia Lai)...

Trọng tài cần mạnh tay hơn bạo lực

Pha vào bóng bằng gầm giày của Tăng Tiến (Quảng Nam) với Tuấn Hải (CLB Hà Nội) ban đầu chỉ bị trọng tài Nguyễn Đình Thái rút thẻ vàng. Chỉ sau khi VAR can thiệp, trọng tài Nguyễn Đình Thái ra xem VAR đã thay bằng thẻ đỏ.

Nếu không có VAR, hoặc sau đó án phạt nguội không được đưa ra sau khi ban trọng tài xem lại băng hình, pha vào bóng thô bạo đó rồi sẽ trôi qua như bao pha bóng nguy hiểm khác.

Cách xử lý cho hành vi bạo lực của trọng tài Nguyễn Đình Thái cũng gần giống như cách trọng tài Vũ Nguyên Vũ xử lý khi Hoàng Thịnh (TP.HCM) vào bóng thô bạo với Hùng Dũng (Hà Nội) ở V-League 2021.

Ban đầu, trọng tài chính Vũ Nguyên Vũ chỉ cầm thẻ vàng. Chỉ khi thấy Hùng Dũng bị gãy chân, ông mới đổi sang rút thẻ đỏ. 

Hai tình huống trên cho thấy năng lực của trọng tài ở V-League có hạn chế. Không nhìn ra pha bóng bạo lực, hoặc cách đánh giá của trọng tài dường như có vấn đề với những hành vi bạo lực: nếu cầu thủ bị phạm lỗi không gặp chấn thương thì... thẻ vàng là đủ cho người phạm lỗi.

Có trọng tài cũng không đủ bản lĩnh để rút thẻ cho cầu thủ chơi bóng thô bạo vì ngại những nhân vật VIP ngồi trên khán đài. Cách xử lý nhẹ tay này đã góp phần làm cho các cầu thủ vẫn giữ thói quen vào bóng nguy hiểm.

Trong số này không ít tuyển thủ quốc gia, để rồi khi ra sân chơi quốc tế là nhận thẻ đỏ khiến đội tuyển Việt Nam thiệt quân, nhận 11m và thất bại.

Khi các cầu thủ vào bóng nguy hiểm, trọng tài cần phải xử lý nghiêm khắc hơn. Nhưng theo tôi, cầu thủ vẫn là quan trọng nhất. Họ phải rút kinh nghiệm sau những pha bóng thô bạo của chính mình hoặc đồng nghiệp. Các cầu thủ phải kiểm soát được bản thân khi thi đấu bởi va chạm trên sân sẽ làm cho họ nóng lên và chỉ chực chờ bột phát.
Cựu tuyển thủ TRẦN CÔNG MINH

Loại bỏ tư duy chơi bóng bạo lực

Nhưng trọng tài chỉ là nguyên nhân thứ yếu. Cái chính vẫn là thái độ thi đấu của cầu thủ. V-League 2018, Tăng Tiến khi còn khoác áo CLB Hoàng Anh Gia Lai đã vào bóng thô bạo với Duy Mạnh (Hà Nội) phải nhận thẻ đỏ.

Anh bị ban kỷ luật VFF cấm thi đấu 5 trận và nộp phạt 25 triệu đồng. Bầu Đức còn cấm Tăng Tiến thi đấu suốt lượt đi. Nhưng bản án đó vẫn không làm thay đổi nhận thức chơi bóng của Tăng Tiến sau pha vào bóng thô bạo với Tuấn Hải ở V-League 2023-2024.

Chơi quyết liệt, thậm chí chơi rắn để dằn mặt đối thủ là chuyện không mới của nhiều cầu thủ Việt. Ngay cả khi có nhiều tấm gương nhãn tiền cầu thủ bị án phạt chịu hết tiền chữa trị chấn thương cho cầu thủ (Quế Ngọc Hải làm gãy chân Anh Khoa), bị cấm thi đấu dài hạn, những cầu thủ chơi bạo lực vẫn không biết sợ.

Những trường hợp vào bóng thô bạo nói trên là ví dụ rõ nét. Ngoài hạn chế về năng lực hoặc tư duy chơi bóng, việc không thể kiểm soát tốt cảm xúc của mình là nguyên nhân lớn nhất. Khi bị đẩy vào hoàn cảnh ức chế, bị khiêu khích hoặc đội nhà đang thua, họ có thể bùng nổ bằng một khoảnh khắc vào bóng thô bạo.

Bùi Hoàng Việt Anh (CLB Công An Hà Nội, bìa phải), bị rách môi phải nhập viện tại vòng 13 V-League - Ảnh: HOÀNG TÙNG

Bùi Hoàng Việt Anh (CLB Công An Hà Nội, bìa phải), bị rách môi phải nhập viện tại vòng 13 V-League - Ảnh: HOÀNG TÙNG

Tổn thất lớn cho tuyển Việt Nam

Chấn thương phải nghỉ tối thiểu một tháng của Tuấn Hải khiến anh bỏ lỡ hai trận đấu của tuyển Việt Nam với Indonesia ở vòng loại thứ 2 World Cup 2026. Đây là tin sét đánh với HLV Philippe Troussier trước khi công bố danh sách đội tuyển Việt Nam tập trung vào hôm nay (10-3).

Ngoài chuyện luôn là chân sút số 1 của ông Troussier, ba trận gần nhất ở V-League 2023-2024, Tuấn Hải đã ghi 2 bàn. Phong độ tốt của Tuấn Hải giúp HLV Troussier thêm vững tin vào việc "đòi nợ" Indonesia sau khi thua 0-1 ở Asian Cup 2023. Nhưng khi Tuấn Hải phải rời sân bằng cáng ở cuối trận đấu với Quảng Nam, ông Troussier như chết lặng trên khán đài sân Hàng Đẫy.

Không có Tuấn Hải, hàng công tuyển Việt Nam càng thêm đáng lo trong hai trận gặp Indonesia. Điều này do Tiến Linh chơi mờ nhạt trong màu áo CLB B.Bình Dương. Còn chân sút trẻ Đình Bắc trở lại sau án phạt nội bộ ở CLB Quảng Nam cũng không có gì đặc sắc.

Văn Toàn chơi ổn nhưng lại không được đánh giá cao ở tuyển Việt Nam. Công Phượng không được thi đấu nhiều ở CLB Yokohama FC (Nhật Bản).

Trong khi đó, Indonesia hứa hẹn còn mạnh hơn với 10 cầu thủ nhập tịch trong đội hình. Nhất là phần lớn cầu thủ nhập tịch đều nằm ở hàng phòng ngự. Nên nếu không có hàng công đủ sắc, mọi thứ càng thêm khó khăn cho đội tuyển Việt Nam.

Ngoài hàng công, tuyến giữa lẫn hàng thủ cũng gặp tổn thất về lực lượng do chấn thương lẫn phong độ. Cho đến giờ, Hùng Dũng, Tuấn Anh chỉ mới tập trở lại sau chấn thương. "Quả bóng vàng Việt Nam 2023" Hoàng Đức cũng sa sút cùng CLB Thể Công Viettel.

Trung vệ Quế Ngọc Hải khó có khả năng hồi phục chấn thương, còn các trung vệ Bùi Tiến Dũng, Thanh Bình, Phan Tuấn Tài không có phong độ tốt ở CLB Thể Công Viettel.

Có thể nói HLV Troussier đang trĩu nặng lo âu!

Cú đạp của Tăng Tiến và nỗi lo cho tuyển Việt NamCú đạp của Tăng Tiến và nỗi lo cho tuyển Việt Nam

Chiếc thẻ đỏ của trung vệ Nguyễn Tăng Tiến (CLB Quảng Nam) vì đạp vào ống quyển của tiền đạo Phạm Tuấn Hải (Hà Nội) tối 8-3 ở vòng 13 V-League cho thấy bạo lực vẫn là nỗi ám ảnh với bóng đá Việt Nam.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên