08/06/2023 18:40 GMT+7

Ca bệnh tay chân miệng ở TP.HCM tăng 133% trong 1 tuần

Từ ngày 29-5 đến 4-6, TP.HCM ghi nhận 287 ca mắc bệnh tay chân miệng, tăng 133,3% so với trung bình 4 tuần trước (123 ca).

Ngày 8-6, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) báo cáo số ca mắc bệnh tay chân miệng từ ngày 29-5 đến 4-6 tăng 133,3% so với trung bình 4 tuần trước. Theo đó trong tuần 22 ghi nhận 287 ca, còn trung bình 4 tuần trước là 123 ca.

Số ca bệnh tăng ở cả các trường hợp nhập viện điều trị nội trú và các trường hợp khám ngoại trú so với trung bình 4 tuần trước. Số mắc bệnh tay chân miệng tích lũy đến ngày 4-6 là 1.972 ca.

Thông qua hệ thống giám sát dịch bệnh của thành phố, có 6 mẫu bệnh phẩm của các bệnh nhi mắc bệnh tay chân miệng có triệu chứng nặng đang điều trị được phát hiện vi rút Enterovirus 71 (EV 71), và đều có kiểu gene B5.

EV 71 chính là tác nhân gây dịch lớn năm 2011 và 2018. Với số ca bệnh nặng kèm sự xuất hiện của EV 71, tình hình dịch bệnh tay chân miệng được dự báo diễn biến phức tạp trong thời gian sắp tới.

Cùng ngày, bác sĩ CKII Nguyễn Minh Tiến - phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng thành phố (TP.HCM) - cho biết tuần qua bệnh viện đã tiếp nhận 4 trẻ bệnh tay chân miệng nặng (3 trẻ ở tỉnh chuyển đến và 1 trẻ tại TP.HCM).

Tất cả 4 trường hợp đều có xét nghiệm PCR phết họng trực tràng cho kết quả nhiễm EV 71 với đặc tính lây lan nhanh, dễ gây bệnh nặng. Hiện các bé đều đã vượt qua nguy kịch, tiếp tục được điều trị tích cực.

Về bệnh sốt xuất huyết, số ca mắc trong tuần 22 là 154 trường hợp, giảm 3,3% so với trung bình 4 tuần trước. Tuy nhiên qua giám sát, HCDC đã phát hiện có 10/23 điểm nguy cơ có lăng quăng tại quận 4, 5, 10, Tân Phú và Gò Vấp. 

Các điểm nguy cơ trên đã được Sở Y tế TP.HCM thông tin cho UBND quận, huyện biết để chỉ đạo xử lý.

Chủ động phòng bệnh

Phụ huynh cần nhớ cho trẻ rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy và thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ trẻ tiếp xúc hằng ngày.

Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.

TP.HCM chỉ đạo khẩn tăng cường phòng chống bệnh tay chân miệngTP.HCM chỉ đạo khẩn tăng cường phòng chống bệnh tay chân miệng

UBND TP.HCM vừa ban hành văn bản khẩn về việc tăng cường phòng chống bệnh tay chân miệng trên địa bàn TP.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên