01/11/2020 10:53 GMT+7

Ca ghép ruột thành công: Mang cơ hội sống cho người bệnh ruột ngắn

LAN ANH
LAN ANH

TTO - Hôm qua 31-10, vài ngày sau ca mổ ghép ruột đầu tiên và thứ 2 thực hiện trong nước, 2 bệnh nhân nam 26 và 42 tuổi đã nói được, dấu hiệu sinh tồn ổn, không có tình trạng thải ghép cấp.

Ca ghép ruột thành công: Mang cơ hội sống cho người bệnh ruột ngắn - Ảnh 1.

Các bác sĩ thăm bệnh nhân 3 ngày sau ca ghép ruột - Ảnh: ĐÌNH TÙNG

"Trong 6 tạng có thể ghép để cứu sống người bệnh khi tạng đó đã suy giảm, mất chức năng, ruột là tạng cuối cùng chúng ta chưa tiến hành ghép, ca mổ ghép mới đây là dấu mốc cho thấy Việt Nam đã chinh phục được kỹ thuật này" - ông Đỗ Quyết, giám đốc Học viện Quân y, chủ nhiệm dự án này, chia sẻ.

Cơ hội sống từ những bàn tay vàng

Học viện Quân y là đơn vị đầu ngành trong lĩnh vực ghép tạng luôn chinh phục những kỹ thuật ghép mới đầu tiên ở Việt Nam: năm 1992 ghép thận, 2004 ghép gan, 2010 ghép tim, 2014 ghép tụy thận, 2017 ghép phổi và mới đây là 2 ca ghép ruột đầu tiên. Tất cả đều được thực hiện tại Bệnh viện 103, Học viện Quân y.

"Như mọi ca ghép tạng khác, 2 ca ghép ruột này có sự tham gia của khoảng 100 y bác sĩ. Nhưng chúng tôi đã có sự chuẩn bị từ 2 năm trước và nhiều lần thực nghiệm trên lợn, cả ghép lấy ruột hiến tặng" - ông Quyết cho biết.

Và hơn một tháng qua là giai đoạn thực hiện thực tế, tối ưu những gì đã chuẩn bị trong 2 năm qua. 

Ngày 29-9, Bệnh viện 103 tiếp nhận bệnh nhân 26 tuổi bị viêm phúc mạc hoại tử gần toàn bộ ruột non, bệnh viện địa phương đã phẫu thuật cấp cứu cắt gần toàn bộ ruột non (từ chiều dài 5m cắt còn 20cm), khi tiếp nhận bệnh nhân đã bị suy mòn suy kiệt, trong một tháng qua bệnh nhân giảm tiếp 8kg.

Bệnh nhân thứ 2 có chỉ định ghép đã 5 lần phẫu thuật ổ bụng do thủng đại tràng, tắc ruột, đã phải phẫu thuật cắt một đoạn ruột lớn (hiện ruột non bệnh nhân chỉ còn dài 80cm), suy ruột không hồi phục.

"Với những bệnh nhân bị hội chứng ruột ngắn, suy ruột, phải nuôi dưỡng qua đường tĩnh mạch có nguy cơ biến chứng rất nhiều và nếu không được ghép ruột, cơ hội sống của bệnh nhân không nhiều" - ông Quyết cho biết.

Cả 2 ca ghép đã thực hiện với sự hỗ trợ của chuyên gia Nhật Bản là giáo sư Motoshi Wada ở Bệnh viện Đại học Tohoku, Nhật Bản. Sau 12 giờ thực hiện 2 ca ghép và hơn 3 ngày hồi sức, ông Quyết cho biết 2 bệnh nhân đã tỉnh, các dấu hiệu sinh tồn tốt, bệnh nhân nói được, không có dấu hiệu thải ghép cấp.

Và đặc biệt là sau 2 ca ghép này, ông Quyết tin rằng học viện và bệnh viện sẽ thực hiện tốt tiếp các ca ghép ruột tương tự do êkip bác sĩ Việt Nam thực hiện. 

Đặc biệt là bác sĩ chịu trách nhiệm nối mạch máu và ghép ruột đã được giáo sư Wada đánh giá hoàn toàn có thể tham gia các ca ghép trong nhóm của ông Wada ở nước ngoài.

Hạnh phúc vì cứu được bệnh nhân

Năm 2004, Học viện Quân y thực hiện ca ghép gan đầu tiên tại Việt Nam cho cô bé Nguyễn Thị Diệp, 9 tuổi, ở Nam Định, người hiến gan cho Diệp là bố của cô bé. 

Sau ca ghép, Diệp đã học xong phổ thông, trở lại học dược và được nhận vào làm việc ở Bệnh viện 103 Học viện Quân y, nơi cô đã được ghép gan năm xưa. 16 năm đã qua, giờ Diệp đã 25 tuổi và có thể sẽ phải trải qua một ca ghép nữa. Nhưng nếu không có ca ghép tiên phong 16 năm trước, có lẽ không có cái kết có hậu này.

Ghép tạng để cứu tính mạng con người, vì thế, nó là một kỹ thuật rất nhân văn. Ở 2 ca ghép ruột này, người hiến ruột là mẹ đẻ (bệnh nhân 26 tuổi) và em ruột (bệnh nhân 42 tuổi). 

Theo ông Quyết, các bác sĩ lấy đoạn ruột non dài khoảng 1m từ người hiến tặng để ghép vào người nhận. 

Với một đoạn ruột lấy đi dài chừng 1m, trong khi ruột non dài 5-9m, theo các bác sĩ là không ảnh hưởng gì nhiều đến sức khỏe người hiến, khoảng một tháng sau là sức khỏe của họ sẽ hoàn toàn bình thường. 

Nhưng với người được ghép, việc có một khối lượng kháng nguyên lớn được đưa vào cơ thể (1m ruột mới) thì nguy cơ nhiễm trùng rất cao, đòi hỏi trình độ chăm sóc hậu phẫu và hồi sức cho bệnh nhân để chống thải ghép. Với những ca ghép đầu tiên, yêu cầu này đã được thực hiện đảm bảo.

Nếu không được ghép ruột, những bệnh nhân ruột ngắn sẽ suy mòn dần vì không hấp thụ được dinh dưỡng. Họ cũng có thể được nuôi dưỡng bằng tĩnh mạch nhưng có nguy cơ gặp các biến chứng. Vì thế khi ghép ruột mới, bệnh nhân sau này sẽ ăn uống và hấp thu, sống bình thường được.

Theo ông Wada, thế giới đã có 61 trung tâm ở 19 quốc gia thực hiện được ghép ruột, trong đó Nhật Bản thực hiện ghép ruột từ năm 2003, Việt Nam có một cơ sở y tế mới ghi tên vào danh sách này. 

Sau ghép, chất lượng sống của bệnh nhân được cải thiện và thời gian sống cũng được kéo dài rất rõ. Đó là điều khiến êkip thực hiện ca phẫu thuật ghép hạnh phúc nhất.

Ai có chỉ định ghép ruột?

Đó là những người bị hội chứng ruột ngắn, bị cắt bớt ruột non do tai nạn, bệnh lý, bao gồm cả trẻ em và người lớn.

Ghép ruột non cho bệnh nhân chỉ còn 20cm ruột Ghép ruột non cho bệnh nhân chỉ còn 20cm ruột

TTO - 2 ca ghép ruột non cho 2 bệnh nhân bị hoại tử gần hết ruột non và hội chứng ruột ngắn, ruột non chỉ còn 20cm trong khi bình thường ruột non dài 5-9m vừa được thực hiện thành công tại Bệnh viện 103, Học vện Quân y.

LAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên