13/11/2023 11:29 GMT+7

Cà phê sẻ chia

Việc anh Nguyễn Văn Thanh (bí thư Đoàn phường Trương Quang Trọng, TP Quảng Ngãi) tỉ tê người này người kia, những tổ chức và cá nhân có điều kiện kinh tế kể câu chuyện của những phận người và nhận sự sẻ chia không lạ với nhiều người.

Anh Thanh cùng nhiều đoàn viên thanh niên phát cơm miễn phí cho người nghèo, công việc này mỗi tháng một lần và đã duy trì nhiều năm - Ảnh: TRẦN MAI

Anh Thanh cùng nhiều đoàn viên thanh niên phát cơm miễn phí cho người nghèo, công việc này mỗi tháng một lần và đã duy trì nhiều năm - Ảnh: TRẦN MAI

Nhưng anh đặt câu hỏi "tại sao không làm một việc gì đó để có nguồn quỹ ổn định hơn?".

Tạo nguồn quỹ ổn định

Câu hỏi đặt ra phải tìm cách giải quyết, nhưng một thời gian dài bài toán "việc gì đó" cứ bế tắc. Mãi đến năm 2020, anh Thanh gặp được những đoàn viên có tấm lòng sẻ chia và có ý chí lập thân khởi nghiệp ở phường, họ tìm thấy nhau và chung chí hướng. 

Bãi đất trống nằm trên đường Nguyễn Văn Linh (phường Trương Quang Trọng) lâu nay nhếch nhác và bị lấn chiếm, khó khăn trong công tác quản lý. Bà con liên tục phản ảnh giải quyết điểm đen môi trường này. 

Anh Thanh xin phép được mở quán cà phê, ẩm thực ở đây để tạo công ăn việc làm cho người trẻ, tạo nguồn quỹ hoạt động thiện nguyện và đó cũng là cách xử lý triệt để ô nhiễm. Chính quyền, người dân đồng tình ủng hộ.

Năm 2021, quán được mở bởi những thanh niên có tinh thần khởi nghiệp, sẻ chia lấy tên là "Đoàn Viên". Anh Thanh bảo đoàn viên có hai ý nghĩa - một là đoàn tụ, sum vầy; hai là quán của những đoàn viên thanh niên lập ra.

Quán giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 20 người trẻ. Điều ấy khiến anh Thanh hạnh phúc. 

"Từ khi bắt đầu, điều tôi hy vọng nhất là tạo được công ăn việc làm cho nhiều người trẻ, từ đó kết nối phong trào Đoàn đã thành sự thật. Nhiều bạn học sinh, sinh viên khó khăn vừa đi học vừa làm thêm tại đây đã tự nuôi sống bản thân, thay vì phiền hà đến cha mẹ", anh Thanh nói.

Bạn Đỗ Đình Nhất (xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh) có cuộc sống khó khăn, ba mẹ làm nông, quần quật ruộng đồng vẫn không đủ trang trải. Hơn một năm qua, Nhất được tạo điều kiện hết mức để thuận tiện cho việc học và làm. 

"Em không còn xin tiền cha mẹ nữa, chi phí học tập và sinh hoạt em đều tự lo. Anh Thanh tạo điều kiện cho em rất nhiều, giờ học không cố định nên buổi nào đi học thì em đến trường, buổi nào không học thì em đi làm. Ở đây em còn học được sự yêu thương, sẻ chia từ các anh chị nữa", Nhất tâm tình.

Quán cà phê Đoàn Viên cũng là điểm đến của những lao động nghèo khổ mỗi sáng. Ở đó, người nghèo sẽ được phục vụ đồ ăn sáng và thức uống miễn phí. 

Đổi lại, những buổi sáng ấy cũng có những nhà hảo tâm tìm đến uống cà phê và ủng hộ để những bữa sáng 0 đồng được duy trì. Cứ thế, quán trở thành điểm sẻ chia của nhiều người.

Những việc nhân văn

Từ quán Đoàn Viên, phong trào Đoàn lan tỏa, nhiều thanh niên có thế mạnh sở trường riêng chung sức làm những việc tử tế. Phong trào thể dục thể thao ở phường mỗi lúc một phát triển. 

Anh Thanh cùng Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam phường tổ chức các lớp dạy bơi, bóng đá, cầu lông, lớp võ… để trang bị các kỹ năng cần thiết cho thanh thiếu nhi. Người đứng lớp dạy là tình nguyện viên tốt nghiệp ngành thể dục thể thao nhưng chưa có việc làm ổn định. 

"Anh em có thêm thu nhập, và hỗ trợ mở lớp dạy bơi miễn phí cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Nhờ có đội ngũ giáo viên có chuyên môn mà việc phổ cập bơi lội, kỹ năng sinh tồn dưới nước trẻ em ở phường được học bài bản. Chúng tôi đang cố gắng phổ cập bơi lội cho trẻ em cả phường từ những lớp dạy bơi miễn phí này", anh Thanh nói.

Chàng bí thư Đoàn nhiệt huyết này rất vui khi mức thu nhập của người lao động từ những mô hình khởi nghiệp lập thân ngày một tăng cao (từ 2,5 - 10 triệu đồng/tháng). 

Năng lượng tích cực là điều dễ thấy nơi người trẻ ở quán. Ngoài công tác Đoàn, anh Thanh còn tâm huyết với hoạt động an sinh xã hội, thiện nguyện. 

Mỗi tháng anh lại trích một phần kinh phí từ quán vào quỹ Vì đàn em thân yêu để sẻ chia với những học sinh khó khăn, khuyết tật.

Bây giờ, kinh phí thiện nguyện đã chủ động hơn trước khiến anh Thanh hạnh phúc. Nghe ở phường có hoàn cảnh nào khó khăn anh lập tức đến hỗ trợ. 

Nhiều gia đình trong khốn khó nhận được sự giúp đỡ đã ví đó như chiếc phao dành cho người đuối nước.

Chị Phạm Thị Sương (tổ dân phố Trường Thọ Tây B, phường Trương Quang Trọng) có con gái 5 tuổi bị bệnh động kinh. Nhà đông người, nhưng chị phải ở nhà chăm con, thu nhập phụ thuộc vào đồng lương ít ỏi của chồng. 

Biết được hoàn cảnh gia đình chị, anh Thanh và lực lượng đoàn viên, thanh niên của phường thường xuyên đến thăm hỏi, động viên và tặng quà. 

"Tôi biết ơn sự giúp đỡ của anh em quán Đoàn Viên dành cho gia đình. Để có khoản tiền hỗ trợ cho tôi, các bạn đã bưng bê cà phê, thức khuya dậy sớm mỗi ngày", chị Sương nói.

Hơn 30 lần hiến máu

Bao nhiêu năm gắn bó công tác Đoàn, chừng ấy năm anh Thanh tham gia hiến máu cứu người. Tính đến nay, anh có hơn 30 lần hiến máu tình nguyện, khi hiến định kỳ, nhiều lần hiến đột xuất để cấp cứu cho người bệnh.

Từ người thủ lĩnh hiến máu này mà phong trào hiến máu tại phường Trương Quang Trọng luôn phát triển.

"Tôi còn trẻ, làm được gì sẽ cố gắng làm. Tôi mong mọi người cũng vậy, chúng ta có sức khỏe hãy cho đi bởi mỗi giọt máu hiến chúng ta đã chung sức cùng bác sĩ cứu một sinh mệnh", anh Thanh nói.

Nhân viên quán cà phê có bao giờ nói "yêu bạn" chưa?Nhân viên quán cà phê có bao giờ nói 'yêu bạn' chưa?

Gia đình hay bạn bè có thể nói họ yêu bạn nhưng nhân viên quán cà phê có bao giờ nói câu này sau khi bạn vừa gọi nước không? Có một nơi đang làm điều đó.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên