17/07/2023 17:59 GMT+7

Ca sốt xuất huyết tại Hà Nội gia tăng, dự báo dịch bùng phát và diễn biến phức tạp

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, tuần qua thành phố có gần 300 ca mắc sốt xuất huyết mới, tăng gần 2 lần so với tuần trước đó, đồng thời xuất hiện thêm 22 ổ dịch mới.

Bệnh nhân điều trị sốt xuất huyết tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương - Ảnh: NGUYÊN BẢO

Bệnh nhân điều trị sốt xuất huyết tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương - Ảnh: NGUYÊN BẢO

CDC Hà Nội nhận định số ca mắc sốt xuất huyết tiếp tục có xu hướng tăng trong thời gian tới. Hiện đã xác định một số ổ dịch có nhiều bệnh nhân, diễn biến kéo dài.

Cụ thể, trong tuần từ ngày 7 đến 14-7, toàn thành phố ghi nhận 291 ca mắc sốt xuất huyết mới tại 29 quận, huyện. Trong đó, một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân như Thạch Thất, Hoàng Mai, Bắc Từ Liêm, Thanh Trì...

Tuần qua thành phố cũng ghi nhận 22 ổ dịch sốt xuất huyết tại 10 quận, huyện, trong đó đứng đầu là Hoàng Mai với 8 ổ dịch.

Cộng dồn từ đầu năm 2023 đến nay, Hà Nội đã có tổng số 1.114 ca mắc sốt xuất huyết, không có ca tử vong, số mắc tăng 3,5 lần so với cùng kỳ năm 2022, ca bệnh phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã.

Theo CDC Hà Nội, kết quả kiểm tra giám sát tại các ổ dịch cho thấy một số tồn tại như xử lý ổ dịch muộn, chưa triệt để, chỉ số côn trùng sau xử lý cao vượt ngưỡng nguy cơ, tỉ lệ phun hóa chất chưa đạt yêu cầu.

CDC Hà Nội cũng dự báo thời gian tới, số ca mắc mới sốt xuất huyết có thể tiếp tục gia tăng và xuất hiện thêm các ổ dịch, đặc biệt tại các khu vực ổ dịch cũ, các xã, phường có diễn biến dịch các năm phức tạp.

TS Nguyễn Văn Dũng, trưởng khoa côn trùng, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng trung ương, nhận định khả năng cao bùng phát dịch tại miền Bắc.

"Thời tiết năm nay nắng mưa rất thất thường, miền Bắc có nhiệt độ trung bình cao làm môi trường sống của muỗi gây sốt xuất huyết phát triển. Trên nền nhiệt cao, vòng đời của muỗi ngắn lại khiến muỗi sinh sản nhiều hơn, từ trứng đến trưởng thành chỉ mất một tuần", TS Dũng nói.

TS Dũng cũng nhận định chu kỳ trước đây là 4-5 năm lặp lại dịch sốt xuất huyết nhưng với sự biến động của thời tiết, quy luật này đã phá vỡ. Trước đó, năm 2017 số ca mắc và tử vong vì sốt xuất huyết rất cao, đến 2019 và 2022 cũng có số ca mắc rất cao. Đây đều không phải là các chu kỳ 4 năm.

Chung cư cao tầng không chủ quan

TS Dũng khuyến cáo người ở chung cư cao tầng cũng hoàn toàn có thể bị muỗi sốt xuất huyết đốt. Muỗi không bay cao, nhưng có một số con đường như thang máy có thể phát tán muỗi.

Nhà cao tầng nên sử dụng các biện pháp cơ học như vợt muỗi, không nhất thiết phải sử dụng hóa chất. Hóa chất diệt côn trùng ở góc độ nào đó cũng ảnh hưởng đến sức khỏe nên hạn chế sử dụng.

Các chuyên gia khuyến cáo không có lăng quăng, bọ gậy thì không có sốt xuất huyết. Để phòng bệnh, hãy vệ sinh môi trường trong nhà và xung quanh nhà. Những dụng cụ nào không cần thiết thì tuyệt đối không được chứa nước.

Hai dấu hiệu phân biệt bệnh sốt xuất huyết và bệnh tay chân miệngHai dấu hiệu phân biệt bệnh sốt xuất huyết và bệnh tay chân miệng

Hiện nay, nguy cơ dịch chồng dịch sốt xuất huyết và tay chân miệng khiến bà con dễ nhầm lẫn bệnh. Cả hai bệnh nhiễm vi rút, có thể gây ra các triệu chứng giống nhau, nhưng nếu để ý một chút, hai bệnh có một số điểm khác biệt.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên