12/08/2023 20:29 GMT+7

Các cường quốc chạy đua lên Mặt trăng, sẽ có tranh chấp?

Nga phóng tàu vũ trụ lên Mặt trăng vào ngày 11-8, trong bối cảnh Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ đã lên và đang tiếp tục khám phá thêm về hành tinh đã tiến hóa này.

Tàu vũ trụ Luna-25 được phóng lên Mặt trăng sáng 11-8 - Ảnh: ROSCOSMOS

Tàu vũ trụ Luna-25 được phóng lên Mặt trăng sáng 11-8 - Ảnh: ROSCOSMOS

Mặt trăng cách hành tinh của chúng ta 384.400km. Nó giúp điều chỉnh sự dao động của Trái đất trên trục, đảm bảo khí hậu ổn định hơn. Nó cũng tạo ra thủy triều trong các đại dương trên thế giới.

"Mỏ vàng" kim loại hiếm trên Mặt trăng

Theo các nhà khoa học, Mặt trăng được hình thành khi một vật thể khổng lồ va chạm với Trái đất khoảng 4,5 tỉ năm trước. Các mảnh vụn từ vụ va chạm đã tập hợp lại với nhau để tạo thành Mặt trăng.

Thông qua sứ mệnh Chandrayaan-1 của Ấn Độ, các nhà khoa học phát hiện ra các phân tử hydroxyl (bao gồm hydro và oxy) trải rộng trên bề mặt Mặt trăng và tập trung ở các cực. Chúng không chỉ quan trọng đối với sự sống của con người mà còn có thể được sử dụng làm nhiên liệu tên lửa.

Ngoài ra, trên Mặt trăng còn có helium-3. Đây là một đồng vị của helium rất hiếm trên Trái đất. Cơ quan Hàng không và vũ trụ Mỹ (NASA) ước tính có khoảng 1 triệu tấn helium-3 trên Mặt trăng.

Theo Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA), đồng vị này có thể cung cấp năng lượng hạt nhân trong lò phản ứng nhiệt hạch, và vì nó không phóng xạ nên sẽ không tạo ra chất thải nguy hiểm.

Nghiên cứu của Tập đoàn Boeing cho biết các kim loại đất hiếm - được sử dụng trong điện thoại thông minh, máy tính và công nghệ tiên tiến - hiện có trên Mặt trăng, bao gồm scandium, yttrium và lanthanides.

Các cường quốc "ngó lơ" với luật

Nếu đơn giản là chỉ muốn khai thác "mỏ vàng" kim loại hiếm như đã nêu ở trên, các cường quốc cần phải thiết lập một số cơ sở hạ tầng trên Mặt trăng.

Các điều kiện hiện nay của Mặt trăng có nghĩa là robot sẽ phải làm hầu hết các công việc nặng nhọc, mặc dù nước trên Mặt trăng sẽ cho phép con người hiện diện lâu dài.

Trong cuộc chạy đua này của các cường quốc, cũng cần có luật để tránh xảy ra cuộc "chiến tranh giữa các vì sao".

Tuy nhiên, luật không gian hiện có không rõ ràng và đầy lỗ hổng.

Hiệp ước ngoài không gian năm 1966 của Liên Hiệp Quốc nói không quốc gia nào có thể tuyên bố chủ quyền đối với Mặt trăng - hoặc các thiên thể khác - và việc khám phá không gian nên được thực hiện vì lợi ích của tất cả các quốc gia.

Nhưng các luật sư nói rằng không rõ liệu "một thực thể tư nhân" có thể tuyên bố chủ quyền đối với một phần của Mặt trăng hay không? Vì luật của Liên Hiệp Quốc chỉ đề cập đến "quốc gia".

Thỏa thuận Mặt trăng năm 1979 tuyên bố rõ hơn: Không một phần nào của Mặt trăng "sẽ trở thành tài sản của bất kỳ quốc gia, tổ chức quốc tế liên chính phủ hoặc phi chính phủ, tổ chức quốc gia hoặc tổ chức phi chính phủ nào hoặc của bất kỳ thể nhân nào".

Tuy nhiên, thỏa thuận này chưa được bất kỳ cường quốc không gian lớn nào phê chuẩn.

Mỹ vào năm 2020 đã công bố Hiệp định Artemis, được đặt tên theo chương trình Mặt trăng Artemis của NASA. 

Hiệp định Artemis nhằm tìm cách xây dựng dựa trên luật không gian quốc tế hiện hành bằng cách thiết lập “các vùng an toàn” trên Mặt trăng. Nhưng Nga và Trung Quốc đã không tham gia hiệp định này.

Nga phóng tàu thám hiểm Mặt trăng đầu tiên sau 47 nămNga phóng tàu thám hiểm Mặt trăng đầu tiên sau 47 năm

Nga đã phóng tàu vũ trụ thám hiểm Mặt trăng đầu tiên sau 47 năm, trong nỗ lực trở thành cường quốc đầu tiên hạ cánh xuống cực nam của Mặt trăng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên