21/06/2019 08:02 GMT+7

Các 'nhà leo núi' Olympia ôn thi ra sao?

P.V.
P.V.

TTO - Nhà vô địch Đường lên đỉnh Olympia 2018 cùng các đối thủ trong trận chung kết của mình cũng đang nghiêm túc ôn tập cho kỳ thi THPT quốc gia sắp đến như bao bạn bè cùng lứa.

Các nhà leo núi Olympia ôn thi ra sao? - Ảnh 1.

Từ phải sang: Á quân Lê Thanh Tân Nhật, quán quân Nguyễn Hoàng Cường và giải ba Nguyễn Hữu Quang Nhật - Ảnh: QUỲNH TRANG

Mỗi người đều sở hữu những thế mạnh riêng và có những phương pháp học khác nhau để đạt kết quả tốt nhất.

Nhà vô địch mê tiếng Pháp

Giành vòng nguyệt quế chung cuộc thuyết phục, Nguyễn Hoàng Cường, học sinh Trường THPT Hòn Gai (Quảng Ninh), đang chuẩn bị hoàn thành kỳ thi THPT quốc gia trước khi nghĩ đến phần thưởng học bổng du học 35.000 USD.

Điều đặc biệt của chàng trai này là thay vì theo tiếng Anh như số đông, Cường lại học tiếng Pháp từ nhỏ. "Mình học tiếng Pháp cũng khá tình cờ. Bố mẹ đăng ký cho mình vào lớp 1 nhầm với 1 bạn khác cùng họ tên vào lớp tiếng Pháp" - Cường cười nói.

Theo Cường, mặc dù có khá nhiều điểm giống tiếng Anh, nhất là từ vựng, nhưng cũng có không ít khác biệt nằm ở việc phân biệt giống đực - cái, có nhiều giới từ và đại từ quan hệ hơn, ngoài ra ngữ pháp phức tạp hơn.

"Dẫu vậy, tụi mình được các cô tạo điều kiện để được nghe, nói tiếng Pháp thường xuyên, nhất là trong dịp hè khi mà các sinh viên Pháp sang Việt Nam giao lưu và giảng dạy" - Cường nói và chia sẻ thêm mình luôn trau dồi khả năng tiếng Pháp bằng cách đọc sách, báo, nghe đài của Pháp.

Chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia, Cường chủ yếu ôn thi ở trên lớp, tăng cường xem từ điển và một số sách tham khảo. Đồng thời, Cường cùng một vài học sinh trong lớp lập thành nhóm ôn thi chung để trao đổi kiến thức với nhau.

"Sau khi hoàn thành chương trình du học ở Úc, mình có kế hoạch sẽ sang Pháp học tiếp" - Cường nói.

Nhớ từng chi tiết nhỏ môn vật lý

Đó là chia sẻ của á quân Đường lên đỉnh Olympia 2018 Lê Thanh Tân Nhật, Trường THPT Thị xã Quảng Trị (Quảng Trị), về bí quyết ôn tập cho kỳ thi THPT quốc gia của mình.

Tân Nhật cho biết môn lý có rất nhiều công thức quan trọng nên cần làm nhiều bài tập và duy trì thói quen ôn bài theo từng mảng như quang, điện, cơ của môn học để có thể nhuần nhuyễn công thức. Từng mảng có những dạng bài tập khó dễ khác nhau, do đó cần phân phối thời gian ôn tập trong tuần cho phù hợp để luôn bao quát được bài học.

"Khi giải đề lý cần nhớ những chi tiết nhỏ, chẳng hạn như đơn vị hay ký hiệu của từng loại vì trong phòng thi do áp lực bạn rất có thể sai sót những chỗ không đáng có ấy, làm mất điểm và thời gian" - Tân Nhật chia sẻ.

Ngoài vật lý, Tân Nhật còn mạnh toán học, đặc biệt là các bài toán hình. Khi chuyển từ thi tự luận sang trắc nghiệm, cách học và ôn tập hình học cũng có nhiều thay đổi. Nếu như trước đây học sinh phải hiểu rõ vấn đề, chứng minh từng bước để đi đến điều cần chứng minh thì giờ đây, theo Tân Nhật, các bạn cần làm quen với việc đi tắt một vài bước không cần thiết để ra đáp án.

"Với những bài toán đơn giản, mình cũng không nhất thiết phải vẽ hình và tiết kiệm được không ít thời gian" - Tân Nhật chia sẻ.

Khai thác tối đa atlas

Vào chung kết năm Olympia 2018 với tư cách thí sinh nhất quý 1, Nguyễn Hữu Quang Nhật - học sinh Trường THPT Phan Chu Trinh (Đà Nẵng) - chia sẻ thế mạnh của mình nằm ở các môn xã hội bao gồm lịch sử, địa lý và ngữ văn.

Với môn lịch sử, Quang Nhật cho biết bí quyết của mình nằm ở việc nghe thật kỹ cô giảng bài, đặc biệt ở các phần nguyên nhân - kết quả để có thể liên kết và tư duy, từ đó có thể nắm vững kiến thức và nhớ lâu hơn.

"Khi học nhiều sự kiện liên quan, chẳng hạn các cuộc khởi nghĩa, các chiến dịch, mình thích ngồi thống kê lại kiến thức bằng cách lập bảng, ví dụ như theo trình tự thời gian. Hết mỗi chương, mình đều hệ thống lại bài vở đã học" - Quang Nhật bật mí.

Để chinh phục môn địa lý, Quang Nhật luôn chủ động "hightlight" những kiến thức quan trọng trong sách, vở, từ đó dễ nắm trọng tâm khi làm trắc nghiệm. Nhật cũng cho rằng muốn tiết kiệm thời gian khi giải đề thi môn địa, học sinh cần thuần thục kỹ năng đọc atlas và có thể khai thác nhiều thông tin nhất có thể.

"Khi ôn tập, qua nhiều lần đọc atlas để trả lời câu hỏi thì mình có thêm nhiều kỹ năng mới trong việc đọc bản đồ, biểu đồ, rồi tiết kiệm thời gian hơn nhiều cho những lần sau. Khi tìm các địa danh như dãy núi, con sông, cao nguyên mà không phải là địa danh lớn, nếu biết tìm ở đâu thì sẽ rút ngắn thời gian", Quang Nhật nói.

Với môn ngữ văn, Quang Nhật tự tin ở phần nghị luận xã hội vì đây là phần cần nhiều hiểu biết cũng như cần cập nhật tin tức thời sự. Thế mạnh ở khả năng tư duy logic và khả năng tranh luận, trình bày ý kiến giúp Quang Nhật có thể làm tốt phần nghị luận xã hội trong mỗi đề thi.

"Theo mình, để học tốt môn văn cần rèn luyện kỹ năng trình bày sao cho trôi chảy và tạo cảm giác lôi cuốn cho người đọc, cũng như duy trì niềm hứng thú với văn học vì học văn mà không có sự vui thích thì khó mà học tốt.

Ngoài ra, cần có một nền tảng kiến thức xã hội cơ bản và biết áp dụng nó vào bài làm của mình và tránh học vẹt, học mặt chữ vì như thế sẽ khó tiếp thu bài và tạo sự chán nản, không muốn học" - Quang Nhật nói.

Chọn sách ôn thi THPT quốc gia 2019 cần lưu ý gì? Chọn sách ôn thi THPT quốc gia 2019 cần lưu ý gì?

TTO - Đi qua đi lại quanh khu vực sách tham khảo, sách ôn thi THPT quốc gia 2019 tại một nhà sách lớn ở Q.3 (TP.HCM), lựa hết cuốn này đến cuốn khác hơn một giờ đồng hồ, Trần Trung Hiếu - một thí sinh tự do - vẫn ra về tay không.

P.V.
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên