05/04/2024 16:53 GMT+7

Cách sơ cứu người gặp nạn mà ai cũng cần biết

Trong cấp cứu, “thời gian là vàng nhưng an toàn là mạng sống”. Bởi vậy, khi sơ cứu cần phải nắm chắc những kỹ năng an toàn cho cả bản thân và nạn nhân.

Bác sĩ Ngô Đức Hùng hướng dẫn sơ cứu nạn nhân gặp nạn - Ảnh: DƯƠNG LIỄU

Bác sĩ Ngô Đức Hùng hướng dẫn sơ cứu nạn nhân gặp nạn - Ảnh: DƯƠNG LIỄU

Ngày 5-4, Bệnh viện Bạch Mai tổ chức hướng dẫn kỹ năng hồi sinh tim phổi cơ bản cộng đồng. 

Tại đây, bác sĩ Ngô Đức Hùng, Trung tâm cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai, đưa ra những ví dụ về việc nhiều nạn nhân tử vong, chấn thương do không đảm bảo an toàn khi sơ cứu.

Chú ý sai lầm thường mắc phải

Theo bác sĩ Hùng, không ít trường hợp sơ cứu ban đầu sai cách khiến tình trạng bệnh nhân nặng hơn. Điển hình sai lầm khi xử lý trẻ ngạt nước, đuối nước được giới bác sĩ liên tục cảnh báo khi phụ huynh bỏ nhiều thời gian cho việc xốc nước cho trẻ.

Hay trường hợp nạn nhân gặp tai nạn giao thông bị gãy đốt sống cổ nhưng do không có kỹ năng, nên người sơ cứu lập tức bế nạn nhân đến bệnh viện cấp cứu, khiến nạn nhân bị đứt tủy sống cổ, gây liệt người.

Cách đây vài năm, thấy con co giật, một ông bố ở Nam Định đã đưa tay vào miệng con với mục đích ngăn trẻ không cắn vào lưỡi. Thế nhưng, sau đó ông bố đã phải tháo khớp ngón tay do vết thương sâu, bị nhiễm khuẩn.

Từ những trường hợp trên, bác sĩ Hùng cho hay hành động cứu người là cần thiết, nhưng có thể trở thành gánh nặng cho chính bản thân và người khác nếu không làm đúng.

"Mục đích của sơ cấp cứu là nhằm giảm thiểu các trường hợp tử vong, hạn chế tổn thương thứ phát và tạo điều kiện cho nạn nhân hồi phục. Muốn làm được như vậy cần phải hiểu được nguyên lý an toàn khi tham gia sơ cấp cứu tại cộng đồng và thực hiện được các bước sơ cấp cứu tại cộng đồng", bác sĩ Hùng nói.

Sơ cứu an toàn thế nào?

Bác sĩ Hùng cho hay tai nạn xảy ra thường trong tình huống bất ngờ khiến người thân hay người chứng kiến rất bối rối. Trong tình huống đó phải hít thở thật sâu, bình tĩnh xử trí và tuân thủ nguyên tắc chung khi sơ cứu cấp cứu bao gồm:

1: An toàn.

2: Không di chuyển nạn nhân khi chưa đánh giá ban đầu.

3: Bình tĩnh và luôn cần sự trợ giúp.

4: Hành động thống nhất.

5: Đề phòng lây nhiễm như đeo găng tay hoặc sử dụng túi ni lông khi tiếp xúc với vết thương; rửa tay trước và sau khi sơ cứu; xử lý các vật dụng sau khi sơ cứu.

Khi sơ cứu cần kiểm tra chức năng thở của nạn nhân - Ảnh: DƯƠNG LIỄU

Khi sơ cứu cần kiểm tra chức năng thở của nạn nhân - Ảnh: DƯƠNG LIỄU

Sau đó, việc sơ cấp cứu được tiến hành theo các bước đánh giá hiện trường; đánh giá ban đầu về tình hình nạn nhân; gọi trợ giúp (113, 114, 115) rồi mới sơ cứu và vận chuyển.

Trong các vụ tai nạn lao động hay tai nạn giao thông, phải luôn chú ý tới cột sống cổ, để tránh trường hợp kể trên khiến bệnh nhân bị liệt hoàn toàn do sơ cứu sai cách.

"Với tất cả các nạn nhân bị tai nạn giao thông, cần đề phòng họ bị gãy đốt sống cổ. Nên giữ nạn nhân nằm yên và cố định cổ bằng vật cứng trước khi nhân viên y tế đến. Khi nạn nhân chảy máu, hãy tìm cách cầm máu cho nạn nhân trong khi chờ nhân viên y tế. 

Hãy bình tĩnh đánh giá tình trạng của nạn nhân để quyết định có đưa nạn nhân đến bệnh viện ngay, hay chờ nhân viên y tế đến. Người trợ giúp không nên quá gấp gáp khiến nạn nhân đối diện thêm nguy hiểm", bác sĩ Hùng khuyến cáo.

Khi nào cấp cứu hồi sinh tim phổi?

Một trong những kỹ năng cần thiết được trang bị trong cộng đồng là kỹ năng hồi sinh tim phổi cho nạn nhân ngừng tuần hoàn. Trước tiên nếu phát hiện nạn nhân mất ý thức, cần chú ý kiểm tra hơi thở (thở ngáp hoặc không thở), không sờ thấy mạch ở cổ và bẹn, nạn nhân tím tái...

Lúc này phải tiến hành cấp cứu ngừng tuần hoàn ngay lập tức. Hô hấp nhân tạo miệng - miệng, miệng - mũi hoặc bóp bóng qua mặt nạ (oxy 100% nếu có). Đồng thời, thực hiện ép tim ngoài lồng ngực

"Ép tim ngoài lồng ngực là kỹ năng hồi sức tim phổi cơ bản có thể thực hiện phổ biến tại cộng đồng. Tuy nhiên, tại Việt Nam kỹ năng này còn chưa được phổ cập. Bởi vậy cần được phổ biến rộng rãi để người dân có thể sơ cứu nạn nhân trong trường hợp cấp bách", bác sĩ Hùng cho hay.

Mạng lưới cấp cứu ngoài bệnh viện của TP.HCM đến năm 2030 sẽ có gì?Mạng lưới cấp cứu ngoài bệnh viện của TP.HCM đến năm 2030 sẽ có gì?

Bức tranh mạng lưới cấp cứu ngoài bệnh viện của TP.HCM dần lộ diện với ba cụm xương sống đặt ở trung tâm, Tân Kiên (Bình Chánh) và TP Thủ Đức. Đi cùng sẽ có trung tâm cấp cứu đường không và đường thủy.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên