19/10/2023 10:31 GMT+7

Cải cách tiền lương: Không thể lỡ hẹn thêm

Dự kiến tại kỳ họp thứ 6 khai mạc đầu tuần tới, Quốc hội sẽ xem xét và cho ý kiến về lộ trình cải cách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.

Cán bộ UBND quận 1 (TP.HCM) giải quyết hồ sơ cho người dân - Ảnh: T.T.D.

Cán bộ UBND quận 1 (TP.HCM) giải quyết hồ sơ cho người dân - Ảnh: T.T.D.

Theo đề xuất của Chính phủ, lộ trình cải cách tiền lương sẽ được thực hiện từ 1-7-2024. Đồng thời, Chính phủ sẽ triển khai đồng bộ các nội dung của chế độ tiền lương mới theo nghị quyết 27.

Chi thêm tiền lương khoảng 500.000 tỉ

Theo Bộ Nội vụ, căn cứ nội dung cải cách chính sách tiền lương tại nghị quyết số 27 của Trung ương, chế độ tiền lương mới đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang gồm sáu nội dung.

Trong đó, hệ thống bảng lương mới được xây dựng theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo thay thế hệ thống bảng lương hiện hành. Cụ thể gồm năm bảng lương:

Một là bảng lương chức vụ, áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo (bầu cử và bổ nhiệm) trong hệ thống chính trị (bao gồm cả các đơn vị sự nghiệp công lập) từ trung ương đến cấp xã.

Hai là bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với công chức, viên chức không giữ chức danh lãnh đạo. Ba là bảng lương đối với lực lượng vũ trang.

Đồng thời sắp xếp lại các chế độ phụ cấp hiện hành, bảo đảm cơ cấu tiền lương mới gồm: lương cơ bản chiếm khoảng 70% và các khoản phụ cấp chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương; bổ sung thêm quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm (không bao gồm phụ cấp).

Cùng với đó là việc hoàn thiện chế độ nâng lương đồng bộ với ban hành bảng lương mới. Việc cải cách cũng hướng đến mục tiêu đảm bảo nguồn kinh phí thực hiện chế độ tiền lương mới, quản lý tiền lương và thu nhập.

Ngoài ra, giai đoạn năm 2024 tiếp tục điều chỉnh tăng lương trong các bảng lương tăng thêm bình quân khoảng 7%/năm để bù trượt giá và có phần cải thiện theo mức tăng trưởng GDP cho đến khi mức lương thấp nhất đạt bằng hoặc cao hơn mức lương thấp nhất của vùng 1 (vùng cao nhất) của khu vực doanh nghiệp như mục tiêu đã đề ra tại nghị quyết số 27. Hiện mức lương tối thiểu vùng 1 là 4,68 triệu đồng/tháng.

Để thực hiện các nội dung theo chế độ tiền lương mới, ước tính của Bộ Tài chính, kinh phí ngân sách phải chi tăng thêm cho cải cách tiền lương khu vực công rất lớn. Dự kiến tổng nhu cầu kinh phí tăng thêm từ ngân sách trong giai đoạn 2024 - 2026 gần 500.000 tỉ đồng.

Cán bộ UBND phường 2, quận Phú Nhuận, TP.HCM tiếp dân - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Cán bộ UBND phường 2, quận Phú Nhuận, TP.HCM tiếp dân - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Mong mỏi của hàng triệu công chức, viên chức

Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại biểu Quốc hội Tạ Thị Yên (phó trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội) cho hay việc thực hiện cải cách tiền lương mới cho cán bộ, công chức, viên chức dự kiến từ 1-7-2024 thể hiện sự nỗ lực rất lớn của Chính phủ.

Bà cho hay ở Việt Nam đã trải qua bốn lần cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức vào các năm 1960, 1985, 1993 và 2003.

Vấn đề cải cách tiền lương tiếp tục được đặt ra tại nhiều hội nghị trung ương và được Trung ương nhiều khóa quan tâm kết luận. Nhờ đó tiền lương trong khu vực công của cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang đã từng bước được cải thiện.

Song đến nay bà Yên chỉ rõ chính sách tiền lương vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Chính sách tiền lương trong khu vực công còn phức tạp, thiết kế hệ thống bảng lương chưa phù hợp với vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo.

Bên cạnh đó còn mang nặng tính bình quân, không bảo đảm được cuộc sống, chưa phát huy được nhân tài, chưa tạo được động lực để nâng cao chất lượng và hiệu quả làm việc của cán bộ, công chức, viên chức.

Hơn thế, bà Yên phân tích hiện nay công thức tính lương theo mức lương cơ sở nhân với hệ số không thể hiện rõ giá trị thực của tiền lương. Trong khi lại có quá nhiều loại phụ cấp, nhiều khoản thu nhập ngoài lương làm phát sinh những bất hợp lý...

Việc điều chỉnh tăng lương qua các năm chưa phản ánh đầy đủ tình hình biến động của giá cả hàng hóa và dịch vụ thiết yếu và chưa phản ánh được xu thế, mong muốn không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, cán bộ, công chức, viên chức.

Do đó, theo bà Yên, tại nghị quyết 27 của Trung ương về cải cách tiền lương xác định "tiền lương phải thực sự là nguồn thu nhập chính bảo đảm đời sống người lao động và gia đình người hưởng lương".

Đây cũng chính là mong mỏi của hàng triệu cán bộ, công chức, viên chức trong khối hành chính công.

Đồ họa: Tuấn Anh

Đồ họa: Tuấn Anh

Thời điểm chín muồi, phù hợp

Bà Yên cũng cho rằng do nhiều yếu tố khác nhau, nhất là tình hình đại dịch COVID-19 nên phải lùi thời gian cải cách tiền lương ít nhất hai lần kể từ năm 2020.

Vì vậy đến thời điểm này không thể lỡ hẹn thêm, nhất là trong lúc đang có nhiều vấn đề tồn tại, hạn chế liên quan đến tiền lương, thu nhập cán bộ, công chức đặt ra.

Cùng với đó, trong bối cảnh vẫn còn tình trạng nhiều cán bộ, công chức, viên chức có năng lực chuyển việc từ khu vực công sang khu vực tư thì việc cải cách tiền lương sẽ tạo động lực để giữ chân họ, đồng thời thúc đẩy tăng năng suất lao động, gắn bó với khu vực nhà nước, hạn chế tình trạng "chân trong, chân ngoài".

Cùng trao đổi về vấn đề trên, TS Bùi Sĩ Lợi - nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội - cũng chỉ rõ lương của công chức, viên chức liên tục được điều chỉnh qua các năm và từ 1-7-2023 tiếp tục tăng 20,8% là nằm trong lộ trình thực hiện cải cách tiền lương. Việc tăng tiền lương qua các năm đã bổ sung thêm nguồn thu nhập cho người lao động.

Tuy nhiên, theo ông Lợi, xét một cách tổng thể thì việc tăng lương thời gian qua chưa mang lại sự thay đổi lớn về tiền lương của 1,7 triệu người hưởng lương từ ngân sách.

Bên cạnh đó, dù được điều chỉnh nhiều lần nhưng tiền lương hiện vẫn chưa thể hiện đúng bản chất, giá trị sức lao động và chưa tạo được động lực làm việc cho cán bộ, công chức, viên chức.

Từ đó việc trông đợi mức tiền lương đủ sống không có, không đáp ứng được tương quan quan hệ lao động - tiền lương với chi phí sinh hoạt.

Do vậy, ông Lợi chỉ rõ việc cải cách tiền lương theo nghị quyết 27 của Trung ương dự kiến từ ngày 1-7-2024 là thời điểm phù hợp, chín muồi vì đã lùi thời gian cải cách ít nhất hai lần kể từ năm 2020.

Điều quan trọng, theo ông Lợi, là chúng ta đã thực hiện được một bước giảm nhẹ về biên chế, sắp xếp tổ chức, chuẩn bị nguồn lực, từ đó việc cải cách tiền lương trong thời gian tới là thích hợp.

Đại biểu Quốc hội NGUYỄN THỊ VIỆT NGA (ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục):

Tạo động lực cống hiến cho người tài

Việc thực hiện cải cách tiền lương theo nghị quyết 27 là điều mà rất nhiều cán bộ, công chức, viên chức trong bộ máy đang chờ đợi. Điểm nổi bật trong định hướng cải cách tiền lương theo tinh thần nghị quyết này là trả lương theo vị trí việc làm.

Theo đó, mỗi ngành sẽ có một số vị trí việc làm, mỗi vị trí việc làm có mức lương riêng, cụ thể theo mức độ phức tạp của công việc. Từ đó, sẽ không còn chuyện "cào bằng" giữa mọi ngành, mọi cán bộ công chức như hiện nay.

Việc trả lương theo vị trí việc làm, người dù mới được tuyển dụng, bổ nhiệm nếu đáp ứng được yêu cầu công việc tại vị trí việc làm cao sẽ được hưởng lương tương xứng với công sức và kết quả làm việc.

Đồng thời tạo động lực cống hiến cho những người thật sự có tài cũng như khuyến khích, thu hút được những người giỏi về công tác tại các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập.

Bên cạnh tiền lương còn có quỹ 10% tiền thưởng để người đứng đầu cơ quan sử dụng cho việc khen thưởng, khuyến khích cán bộ. Hoạt động khen thưởng như thế không chỉ bằng lời nói nữa mà bằng tiền cụ thể.

Có đủ 500.000 tỉ đồng cho cải cách tiền lương?

Phát biểu tại phiên họp Chính phủ tháng 9-2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ ngân sách nhà nước đã tiết kiệm được 500.000 tỉ đồng để chuẩn bị cải cách tiền lương trong ba năm tới (2024 - 2026).

Và theo Thủ tướng, để có được số tiền tiết kiệm trên "là nỗ lực rất lớn" của Chính phủ. Bởi những năm qua, Việt Nam vừa phải phòng chống, khắc phục hậu quả COVID-19 vừa đảm bảo an sinh xã hội. Thủ tướng giao Bộ Nội vụ rà soát, xây dựng cơ chế, chính sách thực hiện phương án cải cách tiền lương khi được Trung ương thông qua.

Còn tại cuộc tiếp xúc cử tri Hải Phòng trước kỳ họp thứ 6, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định việc cải cách chính sách tiền lương là vấn đề đại sự.

Lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã nhiều lần khẳng định quan điểm "không chờ đến khi kinh tế đạt tới trình độ phát triển cao rồi mới thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, càng không "hy sinh" tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần". Do đó cải cách tiền lương chính là một trong những nội dung thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội.

Về nguồn lực, ông Huệ thông tin đến nay chúng ta đã chuẩn bị được khoảng 500.000 tỉ đồng cho công tác cải cách chính sách tiền lương.

Từ nay cho đến thời điểm dự kiến thực hiện (ngày 1-7-2024), các cơ quan chức năng sẽ tập trung hoàn thiện vị trí việc làm, chức danh, chức vụ công tác làm cơ sở cho việc cải cách tiền lương.

Dự kiến sau năm 2024, mỗi năm mức lương sẽ tăng 5-7% để tiến tới trong thời gian ngắn lương khu vực công ngang bằng với mức lương ở khu vực sản xuất.

Cần tiếp tục tinh giản biên chế

Song song với việc cải cách tiền lương, nhiều ý kiến cho rằng công tác tinh giản biên chế, sắp xếp lại các đơn vị hành chính cũng cần tiếp tục quyết liệt thực hiện.

Theo đại biểu Quốc hội Tạ Thị Yên, một trong những điều quan trọng để cải cách tiền lương đạt hiệu quả là cần tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy, sắp xếp các đơn vị hành chính để giúp tiết kiệm nguồn lực cho Nhà nước, giảm số người hưởng lương trong bộ máy hành chính công.

Nhận xét về công tác tinh giản biên chế, bà Yên thấy rằng Chính phủ, các bộ ngành, địa phương đang thực hiện rất quyết liệt và đây là tiền đề quan trọng để cải cách tiền lương thành công.

Hơn nữa, bà Yên nêu quá trình chuyển đổi số quốc gia, xây dựng chính phủ số, kinh tế số, xã hội số đặt ra yêu cầu rất cao về chất lượng bộ máy công quyền, đội ngũ cán bộ công chức, viên chức "vừa hồng, vừa chuyên", quá trình số hóa trong công việc cũng tạo tiền đề cho việc giảm biên chế thuận lợi hơn.

Ở một góc độ khác, TS Bùi Sĩ Lợi nhấn mạnh yêu cầu cho quá trình cải cách tiền lương phải xem xét đặc thù của các đơn vị sự nghiệp công nhằm mục tiêu bảo đảm tiền lương được phân phối theo đúng năng lực công tác, quá trình đào tạo, khả năng cống hiến. Kèm theo đó phải bảo đảm đúng nguyên tắc phân phối theo lao động và xếp lương theo vị trí việc làm.

Chính vì vậy, mục tiêu cải cách tiền lương là bảo đảm cho người lao động đủ sống bằng lương. Đặc biệt phải xem xét quy định các loại phụ cấp đặc thù cho các ngành lĩnh vực đặc thù.

Những việc trên là để giữ chân người lao động đang làm việc tại các lĩnh vực đó hoặc thu hút nhân tài có năng lực chuyên môn vào khu vực công.

Từ đó cũng khắc phục tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức dịch chuyển từ khu vực công sang khu vực tư (như hai ngành y tế và giáo dục sau hai năm đại dịch COVID-19).

Một vấn đề quan trọng hơn, theo ông Lợi, khi thực hiện quá trình cải cách chính sách tiền lương, tổng lượng tiền lưu thông sẽ nhiều hơn, dẫn đến chỉ số giá sinh hoạt tăng.

Vì vậy nếu Chính phủ không có các giải pháp để kiềm chế lạm phát, ổn định giá cả thị trường thì việc cải cách tiền lương hay tăng thêm thu nhập cho người lao động sẽ không còn ý nghĩa.

Còn TS Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên thứ trưởng Bộ Nội vụ, cũng khẳng định việc cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức theo nghị quyết 27 của Trung ương hiện nay rất cấp bách.

Theo ông Dĩnh, cải cách tiền lương lần này đối với cán bộ, công chức, viên chức được thực hiện theo vị trí việc làm và chức danh lãnh đạo, quản lý. Do đó đòi hỏi phải xác định rất chuẩn vị trí việc làm, đồng thời xây dựng được đề án cải cách tiền lương.

"Lần cải cách tiền lương này sẽ bỏ lương cơ sở, hệ số nên hiện tiền đã có nhưng phải xác định thật chuẩn vị trí việc làm và mức lương đi theo.

Đồng thời phải đảm bảo lương cơ bản chiếm khoảng 70% và các khoản phụ cấp chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương; bổ sung thêm quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm (không bao gồm phụ cấp).

Một loạt vấn đề này sẽ giúp tạo ra đột phá mới, giúp lương thực sự là động lực, đánh giá đúng sức lao động của cán bộ, công chức, viên chức.

Từ đó nâng cao hiệu quả, năng suất lao động trong khu vực công" - ông Dĩnh nói và cho rằng thời gian tới phải tiếp tục thực hiện mạnh hơn nữa sắp xếp, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế.

Bởi bộ máy hiện vẫn cồng kềnh và chi phí hành chính, nguồn ngân sách chi trả cho trả lương hiện nay rất lớn. Vì vậy, làm tốt việc sắp xếp, tinh gọn sẽ giúp nâng cao hiệu lực, chất lượng và cải thiện thu nhập cho cán bộ, công chức.

Tại sao không cải cách tiền lương từ 1-1-2024?

Trả lời vấn đề trên, TS Nguyễn Tiến Dĩnh cho rằng việc thực hiện cải cách tiền lương dự kiến từ 1-7-2024 bởi cần phải có thời gian để chuẩn bị một loạt vấn đề, trong đó cần chuẩn bị đầy đủ về nguồn lực.

Đồng thời, hiện nay việc xây dựng các đề án về vị trí việc làm đã được triển khai nhưng cần rà soát lại một lần nữa.

Thêm vào đó, nghị quyết 27 đưa ra các chủ trương, định hướng lớn như vậy nhưng khi áp vào cụ thể của vị trí việc làm, chức danh lãnh đạo, quản lý của từng ngành, từng địa phương không hề đơn giản.

"Nhưng với việc Hội nghị Trung ương 8 đã bàn thảo vừa qua và sự quyết tâm của Chính phủ, các cơ quan, chúng ta có thể tin tưởng kỳ họp thứ 6 này sẽ thông qua nội dung cụ thể để có thể thực hiện cải cách tiền lương từ 1-7-2024", ông Dĩnh nói thêm.

Phó chủ tịch Quốc hội nói về cải cách tiền lương mới, sáp nhập huyện, xã 2024Phó chủ tịch Quốc hội nói về cải cách tiền lương mới, sáp nhập huyện, xã 2024

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ cùng với cải cách tiền lương mới cần phải tiến hành rà soát, sắp xếp lại cán bộ, công chức.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên