09/03/2022 09:58 GMT+7

Cấm vận dầu mỏ, khí đốt Nga: Thế khó của ông Biden

Đại sứ HOÀNG ANH TUẤN Nguyên phó tổng thư ký ASEAN phụ trách chính trị, an ninh (giai đoạn 2018 - 2021)
Đại sứ HOÀNG ANH TUẤN Nguyên phó tổng thư ký ASEAN phụ trách chính trị, an ninh (giai đoạn 2018 - 2021)

TTO - Bên cạnh chiến sự ác liệt tại Ukraine, một cuộc chiến khác nóng bỏng không kém cũng đang diễn ra, đó là cuộc chiến năng lượng.

Cấm vận dầu mỏ, khí đốt Nga: Thế khó của ông Biden - Ảnh 1.

Giá xăng tăng cao lên mức gần 7 USD/gallon (1 gallon = 3,785 lít) tại một cây xăng ở TP Los Angeles, bang California (Mỹ) hôm 7-3 - Ảnh: AFP

Kể từ khi chiến sự bùng nổ, giá dầu và khí đốt đã tăng phi mã và liên tiếp phá kỷ lục. Trước chiến tranh, giá khí đốt tại EU "mới chỉ" khoảng 2.000 USD/1.000m3. Vậy mà chỉ 2 tuần sau cuộc chiến, giá khí đốt đã tăng gần gấp đôi, lên 3.600 USD/1.000m3, cao nhất mọi thời.

Giá dầu thô Brent cũng như "ngựa bất kham" khi có lúc vọt lên gần 140 USD/thùng, mức cao nhất kể từ năm 2008. Một số công ty và nhà môi giới chuyên nghiệp dự báo giá dầu có thể lên 200 USD/thùng ngay trong tháng 3, và có thể lên tới 300 USD vào tháng 6 nếu chiến sự tiếp tục leo thang.

Vì sao dầu tăng phi mã?

Dầu và khí đốt là những hàng hóa thiết yếu cho cỗ máy kinh tế và tiêu dùng của người dân toàn cầu và đặc biệt nhạy cảm trước các biến động địa-chính trị, địa-kinh tế toàn cầu. Sơ bộ có thể thấy ít nhất 4 nguyên nhân khiến giá dầu và khí đốt tăng mạnh những ngày qua:

Một là, các cuộc đàm phán hạt nhân của nhóm P5+1 với Iran đang bị chậm lại. Trước đây, có tin nói các bên sẽ kết thúc đàm phán và ký thỏa thuận mới trước cuối tháng 2. Là một bên tham gia đàm phán, Nga chắc chưa sẵn sàng bật đèn xanh cho việc ký thỏa thuận lúc này vì muốn tiếp tục dùng năng lượng để mặc cả với phương Tây. Điều này cũng có nghĩa chưa biết khi nào Iran mới được dỡ bỏ lệnh cấm vận và giải nhiệt cho cơn khát dầu thế giới.

Hai là, các nghị sĩ Mỹ đang bàn thảo một dự luật và sẽ sớm đệ trình Tổng thống Biden ký về việc cấm nhập khẩu dầu và khí đốt từ Nga. Đây là một trong số ít các dự luật nhận được sự đồng thuận của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa.

Ba là, chiến sự Nga - Ukraine vẫn tiếp diễn căng thẳng, chưa biết khi nào kết thúc. Hai bên vừa đàm phán xong vòng ba hôm 7-3 nhưng không đạt kết quả nào. Trong hai vòng trước, các bên chỉ đàm phán được chuyện mở hành lang nhân đạo, sơ tán dân thường.

Bốn là, Nga có thể chủ động gián đoạn nguồn cung dầu lửa và khí đốt sang EU và Thổ Nhĩ Kỳ bất cứ lúc nào. Con bài Nga đang nắm là sự phụ thuộc của EU vào 40% lượng khí đốt và 25% lượng dầu lửa nhập từ Nga. Hiện Nga chưa dùng đến vũ khí này vì nguồn thu từ dầu lửa và khí đốt đang là nguồn tài chính quan trọng để Nga đối phó với lệnh cấm vận khắc nghiệt từ phương Tây và trang trải cho cuộc chiến hiện nay.

Hành động "tự bắn vào chân" của Mỹ

Chuyện cấm dầu lửa và khí đốt Nga của Mỹ có nhiều điểm đáng chú ý. Một trong những chủ đề tranh cử trước đây của ông Biden là thúc đẩy "chương trình nghị sự xanh", tăng cường năng lượng tái tạo và giảm nhiên liệu hóa thạch.

Sau khi đắc cử, ông Biden và Đảng Dân chủ lập tức đảo ngược chính sách độc lập năng lượng của người tiền nhiệm Donald Trump. Trong 4 năm cầm quyền, ông Trump đã đưa nước Mỹ từ nước nhập khẩu ròng năng lượng thành nước độc lập, rồi xuất khẩu năng lượng hàng đầu thế giới. Chính quyền ông Trump cho rằng nước Mỹ không thể có một chính sách an ninh và đối ngoại độc lập nếu còn phụ thuộc vào năng lượng từ Nga và các nước khác.

Với cách tiếp cận khác, chỉ trong vòng một năm dưới thời ông Biden, Mỹ quay lại vạch xuất phát 5 năm trước đó, trở thành nước nhập khẩu dầu lửa và khí đốt ròng. Trong đó, chỉ riêng nhập khẩu năng lượng từ Nga chiếm xấp xỉ 10%.

Mặc dù quyết tâm thi hành chính sách cứng rắn, nhất là cấm vận kinh tế - tài chính với Nga, nhưng chính quyền ông Biden lại "chừa ra" năng lượng, vì nếu cấm vận thì chẳng khác nào "rút súng tự bắn vào chân mình".

Cái khó với Washington hiện nay là nếu cấm vận Nga thêm nữa trong khi Mỹ chưa tìm được ngay nguồn cung thay thế sẽ làm cho thị trường dầu lửa vốn đã khó khăn lại càng khó khăn hơn.

Việc tiếp tục mua dầu của Nga đang bị phe Cộng hòa, thậm chí cả Dân chủ, chỉ trích là Mỹ vẫn tiếp tục bơm tiền cho Nga. Hơn nữa, việc cấm vận Nga cũng đồng nghĩa với việc phải tăng khai thác dầu nội địa, một điều mà phe Cộng hòa luôn "cổ xúy" lâu nay nhưng bị chính quyền của ông Biden và phe Dân chủ phản đối.

Nhưng nếu không ủng hộ cấm vận năng lượng Nga thì sẽ là sự tự sát về chính trị mà cả đảng Dân chủ lẫn Cộng hòa đều không dám mạo hiểm. Về trung và dài hạn, ông Biden sẽ không có nhiều lựa chọn ngoài việc cân nhắc tiếp tục thi hành chính sách độc lập năng lượng như thời ông Trump.

Dự kiến ông Biden sẽ ký luật cấm nhập khẩu năng lượng Nga trong thời gian sớm nhất. Giải tỏa được vấn đề chính trị thì lại phát sinh vấn đề kinh tế. Nếu không có biện pháp tháo gỡ khẩn cấp, giá dầu có thể không chỉ dừng lại ở 130 USD/một thùng mà sẽ hướng tới mốc 200 USD, thậm chí cao hơn.

Và khi đó giá vật tư, hàng hóa sẽ tăng vọt. Như vậy, mốc lạm phát 7,5% ghi nhận tháng 12-2021, mức cao nhất trong 40 năm và là nhân tố quan trọng khiến ông Biden trở thành tổng thống có mức ủng hộ thấp nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai tính đến trước khi có chiến sự tại Ukraine, có lẽ sẽ không chỉ dừng lại ở con số 7,5% nữa.

Cấm vận năng lượng Nga: Mỹ muốn nhanh, EU nói "từ từ"

Giá dầu thế giới đã liên tục biến động những ngày qua khi lãnh đạo Mỹ và EU bày tỏ ý định sẽ hành động quyết liệt trong trừng phạt Nga vì chiến dịch quân sự tại Ukraine, cụ thể ở lĩnh vực năng lượng.

Châu Âu chủ ý không trừng phạt mảng xuất khẩu năng lượng của Nga. Hiện tại không có cách nào khác để đảm bảo nguồn cung năng lượng của châu Âu cho sưởi ấm, đi lại, máy móc và công nghiệp.

Báo Telegraph ngày 7-3 dẫn lời ông Olaf Scholz.

Giá dầu tăng cao, có lúc đạt 139 USD/thùng khi Tổng thống Mỹ Joe Biden hé lộ khả năng dừng nhập khẩu dầu từ Nga. Trong khi đó, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã từ chối tẩy chay dầu và khí đốt Nga vì dầu, khí đốt là mặt hàng thiết yếu với đời sống và kinh tế châu Âu.

Điều này thật dễ hiểu. Trong các năm qua Mỹ có xu hướng nhập dầu thô nhiều hơn từ Nga nhưng chưa bao giờ chiếm một tỉ trọng lớn trong nguồn cung dầu của Mỹ. Trong khi Nga đang cung cấp tới 40% khí đốt cho châu Âu. Thủ tướng Đức Olaf Scholz có lý do để không thể hưởng ứng lời kêu gọi trừng phạt của Mỹ và Anh với Nga bởi Nga chiếm 38% lượng nhập khẩu khí đốt cho Đức.

Lãnh đạo các nước châu Âu như Đức, Anh, Hà Lan đầu tuần này thừa nhận châu Âu đang quá phụ thuộc vào năng lượng Nga. Dù họ đồng tình trừng phạt Nga, rằng xóa bỏ thế phụ thuộc năng lượng Nga là "điều đúng đắn phải làm", song họ vẫn nói đó là một quá trình từng bước chứ không thể "ngay lập tức" như Mỹ mong muốn.

Hãng tin Reuters ngày 7-3 dẫn hai nguồn tin riêng cho biết Mỹ có thể đơn phương ra quyết định cấm nhập khẩu dầu của Nga mà không cần EU tham gia. Mỹ cũng đã có những bước đi khác như đàm phán với Venezuela trong tuần này về khả năng nới lỏng trừng phạt liên quan đến dầu mỏ, theo Reuters, và tiếp tục thúc đẩy tiến trình khôi phục thỏa thuận hạt nhân với Iran.

Phó thủ tướng Nga Alexander Novak ngày 7-3 cảnh báo nếu Mỹ và EU "từ chối" dầu và khí đốt của Nga, giá dầu có thể tăng lên 300 USD/thùng nếu không muốn nói là cao hơn. Theo ước tính của ông Novak, châu Âu sẽ phải mất hơn một năm để tìm nguồn thay thế Nga và trong lúc đó, họ sẽ phải mua các nguồn dầu khác không phải từ Nga với giá đắt đỏ hơn nhiều.

ĐỖ DƯƠNG

Mỹ chính thức cấm nhập khẩu năng lượng từ Nga Mỹ chính thức cấm nhập khẩu năng lượng từ Nga

TTO - Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố sẽ cấm nhập khẩu dầu và các sản phẩm năng lượng khác từ Nga, đánh dấu một bước đi mạnh mẽ mới của Mỹ trong bối cảnh các đồng minh châu Âu vẫn chần chừ vì sự phụ thuộc vào Nga.

Đại sứ HOÀNG ANH TUẤN Nguyên phó tổng thư ký ASEAN phụ trách chính trị, an ninh (giai đoạn 2018 - 2021)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên