31/07/2013 05:42 GMT+7

Cán bộ góp tiền xây nhà cho dân

YẾN TRINH
YẾN TRINH

TT - Sau một năm rưỡi phát động tiết kiệm mỗi ngày 1.000 đồng/người, cán bộ công chức huyện Cư M’Gar, tỉnh Đắk Lắk đã góp hơn 1,3 tỉ đồng giúp xây 33 căn nhà cho gia đình chính sách và hộ nghèo trên địa bàn huyện.

ZjqtokPl.jpgPhóng to
Một căn nhà được xây từ tiền hỗ trợ của chính quyền huyện Cư M’Gar - Ảnh: Yến Trinh

Đến Cư M’Gar những ngày này, mưa dầm nhão nhoẹt và trên con đường đất cạnh những căn nhà được xây từ một phần tiền “nhà nước”, người ta râm ran bàn nhau tiến độ xây dựng, nói những chuyện vui và mong ngày càng nhiều những ngôi nhà được xây lên như thế. Cán bộ huyện cũng đồng lòng góp tiền tới chừng nào Cư M’Gar hết nhà tạm bợ, nhà dột nát mới thôi.

Tích tiểu thành đại

Gần 5.000 cán bộ, công chức tham gia

Với gần 5.000 cán bộ viên chức tham gia đóng góp, tổng số tiền huyện Cư M’Gar vận động từ tháng 6-2012 đến nay là 1,32 tỉ đồng. Hiện nay, 23 nhà đã được bàn giao và 10 nhà đang xây dựng. “Trong đợt tổng kết để trích quỹ giúp dân sắp tới, chúng tôi định sẽ nâng mức hỗ trợ lên 40 triệu đồng/hộ vì xét thấy vật liệu xây dựng đắt quá, ráng thêm cho dân một ít để họ có cái nhà vững chãi hơn” - ông Danh nói.

“Nghe nó điện về bảo tôi vào phụ nó làm nhà, tôi cứ tưởng nó đùa. Rồi tôi hỏi tiền đâu mà xây, nó nói tiền người ta cho. Vào tới đây thấy vật liệu để đầy sân, tôi mới tin chứ con mình nghèo rớt mồng tơi mà” - ông Võ Trọng Điệt, 62 tuổi, cười hề hề.

Con trai ông là Võ Trọng Nam, từ Thanh Hóa vào Đắk Lắk năm 2011, làm công nhân cho Công ty TNHH MTV cà phê 15 - Bộ Quốc phòng. Lương 2 triệu đồng/tháng, con 2 tuổi phải gửi nhà trẻ, còn vợ anh đi làm thuê làm mướn đắp đổi qua ngày.

Anh nói: “Chuyện xây nhà trước đây tôi chưa từng nghĩ tới. Hai vợ chồng sống trong khu nhà tập thể của công ty hai năm nay. Giờ được huyện xã hỗ trợ, tôi làm liều vay mượn chòm xóm họ hàng thêm ít nữa để có cái nhà mà ở”.

Huyện Cư M’Gar hỗ trợ anh Nam 30 triệu đồng, quỹ “Vì người nghèo” của xã Cư Đliê M’nông nơi anh ở giúp thêm 10 triệu nữa. Căn nhà xây từ đầu tháng 6 đến nay đã được non nửa vách. Ban ngày anh đi làm, khi nào được nghỉ chút lại chạy về phụ mấy người thợ chuyển gạch, dọn dẹp.

“Tôi cứ nôn tới ngày nhà xây xong đàng hoàng vững chắc, có chỗ chui ra chui vào mà làm chủ cuộc sống của mình. Lập nghiệp nơi đất khách quê người, tôi không ngờ mình được giúp đỡ chân tình như vậy, còn mong gì hơn” - anh Nam chia sẻ.

Cách đó một con đường sình lầy qua thôn Đăk Hà Đông, xã Cư Đliê M’nông, nhà anh Lương Văn Tuấn, người Thái từ phía Bắc vào, cũng vừa xây xong đầu tháng 7 này.

Căn nhà bề ngang 7m, dài 8m, đơn sơ không kiểu cọ nhưng là mơ ước của cả nhà anh Tuấn. Lúc chúng tôi ghé, cha mẹ, vợ chồng anh cùng hai đứa con nhỏ đang quây quần ăn cơm trưa. Họ bàn nhau chuyện dành tiền mua bò nuôi và trả nợ dần vì giờ đã có nhà. Anh Tuấn lại nhận làm khoán mấy sào cà phê cho Công ty 15 nên chắc kinh tế gia đình sẽ đỡ hơn trước.

Căn nhà này anh được hỗ trợ tất cả 40 triệu, thêm tiền vay mượn người quen 55 triệu đồng nữa. Anh chỉ nền ximăng loang lổ trước sân nói: “Đó, trước đây cả nhà tui ở trong căn nhà gỗ ván ọp ẹp nhỏ xíu, mấy chục năm chịu đủ mưa dột, gió lùa mà đâu dư ra đồng nào để xây cất. Vợ tui đi làm rẫy mướn mà ốm đau suốt, thành ra nhà có mỗi mình tui làm ra tiền. Mỗi năm tui đều phải đắp thêm lớp bạt trên mái nhà cho đỡ nước mưa, khổ không kể xiết. Nay có nhà chắc chắn rồi, tui mừng lắm”.

Cứ như vậy, 33 căn nhà đã và đang được xây lên trên huyện miền núi vào loại khó khăn bậc nhất tỉnh Đắk Lắk này.

Nối dài tình người

Huyện Cư M’Gar nằm phía bắc tỉnh Đắk Lắk, tuy gần đây đời sống người dân có khấm khá hơn nhờ chuyên canh cây cà phê, cao su, trồng tỉa ngô đậu, buôn bán... nhưng vẫn còn nhiều hộ nghèo, 46% dân cư là đồng bào dân tộc thiểu số thiếu thốn trăm bề. Cái ăn cái mặc còn chưa có, lấy đâu ra tiền mà xây nhà xây cửa?

Hiện nay trên địa bàn huyện còn hơn 700 căn nhà xây cất tạm bợ, dột nát. Cán bộ lãnh đạo huyện mỗi lần xuống cơ sở thăm nhà dân, nhìn cảnh dân khổ thì rầu lòng lắm.

Ông Nguyễn Văn Danh, chủ tịch Mặt trận Tổ quốc huyện Cư M’Gar, nói: “Mình là cán bộ sướng khổ gì không bàn nhưng dù sao cũng có cái nhà tươm tất để ở rồi. Trong khi dân mình nhiều khi nằm ngủ còn sợ nhà dột, sợ mưa gió mái tôn bay mất thì làm sao chịu được. Mình phải tiết kiệm để giúp dân chứ”.

Vậy là từ tháng 6-2012, quỹ “Tiết kiệm 1.000 đồng/người/ngày” ra đời, vận động cán bộ viên chức trên toàn địa bàn huyện tham gia.

Khi chúng tôi hỏi vì sao là 1.000 đồng chứ không phải 2.000-3.000 đồng/người, ông Danh đáp: “Thiệt tình đời sống cán bộ công chức trên huyện miền núi này cũng thiếu thốn lắm, với lại số tiền 1.000 đồng/ngày thấy ít nhưng nếu nhân rộng và tính theo tháng, theo quý cũng không nhỏ. Nhiều người tình nguyện góp thêm, thay vì mỗi tháng 30.000 đồng thì góp 50.000 đồng, 100.000 đồng. Ai khó khăn quá thì không phải góp nhưng cũng giúp sức, giúp lòng”.

Không chỉ phong trào góp 1.000 đồng/ngày, nhiều xã, trường học trong huyện cũng hăng hái vận động góp cho quỹ “Vì người nghèo” của xã để phụ thêm cho dân xây nhà, rồi đi khảo sát xem nhà ai quá khó khăn cần xây cất trước, nhà ai để đợt sau. Ai cũng khổ nhưng người khổ ít nhường nhà cho người khổ nhiều. Rồi bà con chòm xóm cũng góp công giúp trông coi vật liệu, cho người được xây nhà vay tiền không tính lãi. Ông A Ma Cảnh, người dân xã Ea Kiết, nơi có hai hộ được hỗ trợ xây nhà, hào hứng: “Tui mong rồi đây xã mình mọc lên toàn nhà gạch, không còn cảnh sống tạm bợ”.

“Gắn với địa chỉ nhân đạo”

Không riêng quỹ “Tiết kiệm 1.000 đồng/người/ngày”, huyện Cư M’Gar còn có nhiều phong trào giúp dân như nuôi heo đất, góp gạo, mua bò... Trong đó có thể kể đến chương trình “Mỗi tập thể, cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” - mỗi cán bộ lãnh đạo huyện, xã, ban ngành đoàn thể sẽ giúp một hộ trong địa phương mình thoát nghèo bền vững bằng những việc cụ thể: vận động tiền mua bò, mua xe đạp cho trẻ tới trường, xin cho con em các hộ này vào học miễn phí...

YẾN TRINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên