13/12/2023 08:02 GMT+7

Cảnh sạt lở, bùn đất nham nhở trên tuyến đường vành đai của Đà Nẵng

Được ra “tối hậu thư” cuối tháng 12-2023 phải thông tuyến chính, vậy nhưng đường vành đai phía tây Đà Nẵng đang sạt lở nghiêm trọng.

Đoạn đường vành đai bị sạt đất - Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG

Đoạn đường vành đai bị sạt đất - Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG

Đường vành đai phía tây Đà Nẵng đoạn từ quốc lộ 14B đến đường Hồ Chí Minh (giai đoạn 1) đang xảy ra tình trạng sạt lở nghiêm trọng, với chiều dài hàng trăm mét.

Trong đó nặng nhất là đoạn km5+500 - km6+780 qua xã Hòa Phú (huyện Hòa Vang, Đà Nẵng).

Ghi nhận tại hiện trường qua thôn Hòa Thọ (xã Hòa Phú), các khu vực tiếp giáp với quả đồi kéo dài mấy trăm mét, đất đá từ trên ập xuống đã bao phủ toàn bộ phía bên phải của đường. 

Hiện nước ngầm vẫn rỉ ra và bùn đất nhão nhoẹt, nham nhở.

Còn tại một vị trí qua xã Hòa Khương (huyện Hòa Vang) hiện đang đọng các hố nước lớn, đất đá vẫn ngổn ngang…

Những hố nước trên tuyến đường - Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG

Những hố nước trên tuyến đường - Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG

Chủ đầu tư dự án cho biết chiều dài khu vực bị ảnh hưởng sạt trượt là gần 1km.

Nguyên nhân là do đợt mưa vừa qua khiến đất bị ngậm nước lâu ngày, đồi núi đất bị mất liên kết… Hiện chưa thể thi công đoạn này vì mùa mưa sẽ rất nguy hiểm.

"Chúng tôi đã cho khảo sát lại mực nước ngầm, kiểm tra địa hình để báo cáo phương án với thành phố. Hiện nay, nhà thầu đang tập trung thi công để đảm bảo thông tuyến một bên (bên trái)" - đại diện chủ đầu tư cho biết.

Liên quan dự án này, lãnh đạo thành phố vừa đi kiểm tra và yêu cầu cuối tháng 12-2023 phải thông tuyến chính.

Tuyến đường vành đai phía tây Đà Nẵng có chiều dài gần 19,2km, điểm đầu giao với đường quốc lộ 14B, điểm cuối nối tiếp vào trục đường chính Khu công nghệ thông tin tập trung.

Dự án có tổng mức đầu tư gần 1.500 tỉ đồng do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Đà Nẵng làm chủ đầu tư.

Thời gian thực hiện dự án từ năm 2017 - 2020, trong đó giai đoạn 1 từ năm 2017 - 2020.

Vậy nhưng đến nay vẫn chưa thể về đích.

Ngoài nguyên nhân khách quan thì năng lực nhà thầu thi công (Cienco 1) không đáp ứng.

Giá bỏ thầu của nhà thầu thấp (giảm 31% giá gói thầu), tình hình biến động giá cả vật tư, nhiên liệu khiến nhà thầu khó khăn trong việc huy động vốn, không đủ giải ngân cho các đơn vị cung ứng vật tư, vật liệu, nhân công, dẫn đến chậm trễ trong huy động nguồn lực thi công.

Để công trình tiếp tục "chạy", chủ đầu tư phải chuyển giao công việc của nhà thầu Cienco 1 cho đơn vị khác thi công.

Đất cát từ trên đồi đổ xuống - Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG

Đất cát từ trên đồi đổ xuống - Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG

Nhiều đoạn nham nhở bùn đất - Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG

Nhiều đoạn nham nhở bùn đất - Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG

Do sạt lở khiến việc thi công đoạn này gặp nhiều khó khăn - Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG

Do sạt lở khiến việc thi công đoạn này gặp nhiều khó khăn - Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG

Cảnh sình lầy ở đoạn qua xã Hòa Phú - Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG

Cảnh sình lầy ở đoạn qua xã Hòa Phú - Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG

Công trình được chốt thời điểm thông tuyến chính vào cuối tháng 12-2023 - Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG

Công trình được chốt thời điểm thông tuyến chính vào cuối tháng 12-2023 - Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG

Công trình dây dưa, chủ tịch Đà Nẵng hứa xử cán bộ nếu làm không xongCông trình dây dưa, chủ tịch Đà Nẵng hứa xử cán bộ nếu làm không xong

Công trình cải tạo đường ĐT601 và dự án đường vành đai phía tây 2 thi công kéo dài nhiều năm nay. Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho biết sẽ xử lý cán bộ liên quan nếu đến cuối năm nay không hoàn thành.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên