04/03/2024 11:14 GMT+7

Cao điểm xâm nhập mặn, 80.000ha lúa, cây ăn trái có nguy cơ bị ảnh hưởng

Dự báo nguồn nước về Đồng bằng sông Cửu Long trong tháng 3-2024 ở mức thấp, kéo theo xâm nhập mặn từ nay đến giữa tháng 3 ở mức cao, có khả năng ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt.

Hiện tại đang vào giai đoạn giữa mùa khô 2023-2024, cao điểm của nắng nóng và xâm nhập mặn - Ảnh: C.QUỐC

Hiện tại đang vào giai đoạn giữa mùa khô 2023-2024, cao điểm của nắng nóng và xâm nhập mặn - Ảnh: C.QUỐC

Thông tin này được Cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết trong bản tin tình hình nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp tháng 2, nhận định tình hình tháng 3-2024.

Theo Cục Thủy lợi, hiện tại đang vào giai đoạn giữa mùa khô 2023-2024, cao điểm của nắng nóng và xâm nhập mặn.

Dự báo nguồn nước về Đồng bằng sông Cửu Long trong tháng 3-2024 vẫn ở mức thấp kéo theo xâm nhập mặn từ nay đến giữa tháng 3 vẫn ở mức cao, có khả năng ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt.

Dự báo xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long trong tháng 3-2024, ở vùng các cửa sông Cửu Long có ranh mặn 4g/l có khả năng xâm nhập từ 45-65km (tùy từng cửa sông), so với năm 2023 cao hơn từ 4-9km, so với năm 2020 thấp hơn từ 8-13km; so với năm 2016 thấp hơn từ 3-8km.

Xâm nhập mặn ảnh hưởng đến việc lấy nước của các công trình thủy lợi cách biển 50-60km trong các kỳ triều cường.

Trên sông Vàm Cỏ, ranh mặn 4g/l lớn nhất trên sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây ở mức 80-85km, so với năm 2023 cao hơn từ 13-15km, so với năm 2020 thấp hơn từ 12-29km, so với năm 2016 thấp hơn từ 7-21km. 

Xâm nhập mặn ảnh hưởng đến khả năng lấy nước của các công trình thủy lợi cách biển từ 75km trở xuống vào các ngày triều cường.

Trên sông Cái Lớn, hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé vận hành bảo đảm kiểm soát xâm nhập mặn.

"Triều cường, gió chướng có thể làm ranh mặn xâm nhập sâu thêm từ 3-6km. Xâm nhập mặn có nguy cơ ảnh hưởng đến gần 40.000ha lúa (Tiền Giang 1.400ha, Bến Tre 7.500ha, Trà Vinh 13.000ha và Cà Mau 15.000ha) và khoảng 43.300ha vùng chuyên canh cây ăn trái (Long An 3.100ha, Tiền Giang 21.800ha, Bến Tre 16.000ha, Sóc Trăng 3.400ha)" - Cục Thủy lợi cảnh báo.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long trong mùa khô năm 2023-2024 ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, nhưng không gay gắt như mùa khô năm 2015-2016 và năm 2019-2020.

Các đợt xâm nhập mặn tăng cao ở cửa sông Cửu Long khả năng tập trung trong tháng 3-2024 (từ 7 đến 13-3, từ 24 đến 28-3). Các sông Vàm Cỏ, Cái Lớn vào tháng 3 và 4-2024 (từ 7 đến 13-3, từ 24 đến 28-3, từ 7 đến 12-4 và từ 22 đến 28-4).

Tình hình xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long phụ thuộc vào nguồn nước từ thượng nguồn sông Mekong, triều cường và còn biến động trong thời gian tới.

Các địa phương ở miền Tây cần cập nhật kịp thời các thông tin dự báo khí tượng thủy văn và có các biện pháp chủ động phòng chống xâm nhập mặn.

Xâm nhập mặn chưa gây thiệt hại sản xuất nông nghiệp

Theo Cục Thủy lợi, trong tháng 2-2024, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long tăng cao nhất từ đầu mùa khô đến nay.

Trong dịp Tết, xâm nhập mặn (ranh mặn 4g/l) vùng cửa sông Cửu Long từ 41-50km, so với trung bình nhiều năm cao hơn 7-12km, so với năm 2023 cao hơn từ 9-15km, so với năm 2016 thấp hơn từ 5-10km, so với năm 2020 thấp hơn từ 8-12km.

Ranh mặn 4g/l vùng 2 sông Vàm Cỏ từ 60-64km, so với trung bình nhiều năm cao hơn từ 2-5km, so với năm 2023 cao hơn từ 2-8km, so với năm 2016 thấp hơn từ 15-18km, so với năm 2020 thấp hơn từ 12-15km.

Một số khu vực tại Đồng bằng sông Cửu Long đã bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn, tuy nhiên chưa bị thiệt hại về sản xuất nông nghiệp.

Cống ngăn mặn lớn thứ 2 miền Tây đóng sớm hơn kế hoạch do mặn xâm nhập nhanhCống ngăn mặn lớn thứ 2 miền Tây đóng sớm hơn kế hoạch do mặn xâm nhập nhanh

Cống ngăn mặn Nguyễn Tấn Thành là cống lớn thứ 2 tại khu vực ĐBSCL dự kiến sẽ đóng từ ngày 7-3, tuy nhiên do mặn xâm nhập nhanh nên đã phải đóng trong ngày 1-3, sớm hơn dự kiến ban đầu.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên