11/10/2023 19:55 GMT+7

Cát để làm cao tốc ở miền Tây còn nhưng không lấy được do vướng thủ tục

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường yêu cầu không được làm ẩu, hợp thức hóa sai phạm trong việc giải quyết thủ tục nhanh cung cấp cát san lấp cho các cao tốc. Lãnh đạo một số đơn vị thì cho hay cát còn nhưng không lấy được do vướng thủ tục.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường khảo sát việc cung cấp cát san lấp cho các cao tốc - Ảnh: M.L.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường khảo sát việc cung cấp cát san lấp cho các cao tốc - Ảnh: M.L.

Không cứng nhắc trong việc phân bổ cát làm cao tốc

Ngày 11-10, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cùng Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Duy Lâm có buổi khảo sát việc khai thác cát trên địa bàn tỉnh An Giang.

Tại buổi làm việc, ông Khánh yêu cầu không được làm ẩu trong thủ tục cung cấp cát cho một số tuyến cao tốc trọng điểm.

Đoàn đã đi khảo sát một số mỏ, dự án cao tốc. Sau khảo sát, ông Khánh cho biết việc thực hiện các dự án giao thông trọng điểm quốc gia là trách nhiệm chung của cả nước. 

An Giang là một trong những địa phương đang có nhiệm vụ cung cấp cát cho dự án cao tốc trục ngang và trục dọc.

"Phải có sự linh động, điều phối cát như thế nào, không nên cứng nhắc trong việc phân bổ. Nếu các mỏ của cao tốc trục dọc chưa xong thủ tục thì có thể điều phối cát từ các mỏ cấp cho trục ngang. Không thể để lãng phí máy móc, nhân lực của các nhà thầu trên công trường để nằm chờ cát", ông Khánh nói.

An Giang cho biết chỉ còn 4 khu mỏ có giấy phép khai thác có hiệu lực với tổng diện tích 155,98ha, công suất khai thác 2,37 triệu m3/năm. Dự kiến phân bổ cho cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, đoạn qua tỉnh An Giang khối lượng 1 triệu m3 và cao tốc Cần Thơ - Cà Mau hơn 1,5 triệu m3.

Tỉnh cũng huy động thêm nguồn vật liệu từ dự án nạo vét chỉnh trị dòng chảy để cung cấp cho cao tốc trục ngang khoảng 3 triệu m3 và cao tốc trục dọc 300.000m3.

Tỉnh đã giao ngành tài nguyên môi trường khẩn trương tham mưu phân bổ nguồn cát từ khu mỏ của Công ty Tấn Thắng cung cấp cho cao tốc Cần Thơ - Cà Mau với khối lượng 1,5 triệu m3.

Đồng thời xin cơ chế đặc thù giao mỏ cho nhà thầu thi công cao tốc đối với các mỏ quy hoạch. Tiếp tục rà soát, cân đối và bố trí khối lượng còn lại khoảng 1,5 triệu m3 để cung cấp cho cao tốc Cần Thơ - Cà Mau. Đảm bảo đúng chỉ đạo của Thủ tướng.

Cát còn nhưng không lấy được do vướng thủ tục

Ông Trần Văn Thi - giám đốc Ban quản lý dự án Mỹ Thuận (Bộ Giao thông vận tải) - cho biết hiện An Giang có 3 mỏ với trữ lượng 4,3 triệu m3 còn hiệu lực khai thác và có thể lấy được cát ngay. Nhưng đến nay nhà thầu vẫn chưa thể lấy cát do vướng thủ tục.

An Giang chỉ phân bổ cho cao tốc Cần Thơ - Cà Mau 300.000m3. Còn lại 4 triệu m3 phân bổ cho cao tốc trục ngang. Trong khi đó, dự án Cần Thơ - Cà Mau đã khởi công gần 10 tháng nay và đang "đói" cát.

"Nhà thầu đã làm việc trực tiếp với đơn vị chủ mỏ nhưng chưa thể tiếp nhận cát do chưa có quyết định điều chỉnh giấy phép của UBND tỉnh An Giang. Nhà thầu chưa thể khai thác do vướng thủ tục đảm bảo giao thông thủy", ông Thi cho hay.

Ông Thi kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường và An Giang phân phối ngay 2 triệu m3 từ các mỏ cho cao tốc trục dọc là Cần Thơ - Cà Mau. Khi các mỏ khác xong thủ tục, tỉnh sẽ điều phối trả lại cho dự án cao tốc trục ngang.

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình cam kết sẽ giải quyết thủ tục pháp lý nhanh nhất để sớm được khai thác cát phục vụ san lấp theo kiến nghị. Ông cũng đồng ý điều phối trữ lượng cát, giao các đơn vị tính toán, linh hoạt, điều phối cát giữa dự án Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng về dự án Cần Thơ - Cà Mau.

Ông Đặng Quốc Khánh nhận định Quốc hội, Chính phủ đã bố trí nguồn lực để triển khai các dự án giao thông cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nhưng việc triển khai thi công vướng về nguồn vật liệu.

"Cơ chế đặc thù là để tiết kiệm ngân sách, đẩy nhanh tiến độ. Nhưng việc thực hiện phát sinh nhược điểm về quy trình quản lý khai thác nguồn vật liệu, khiến việc cung cấp cát chậm trễ. Nếu tỉnh gặp khó khăn, phải có kiến nghị. Bộ sẽ điều động nhân lực đến An Giang hỗ trợ", ông Khánh nói và lưu ý việc giải quyết các thủ tục khai thác cát nhanh nhưng không được làm ẩu, không được hợp thức hóa các sai phạm.

Thiếu cát làm cao tốc ở ĐBSCL: Vẫn căng thẳng tìm giải phápThiếu cát làm cao tốc ở ĐBSCL: Vẫn căng thẳng tìm giải pháp

Tình trạng thiếu cát làm cao tốc tại ĐBSCL đang ngày càng trầm trọng. Để bảo đảm tiến độ các dự án cao tốc đang được đồng loạt xây dựng trong vùng, nhiều ý kiến cho rằng nên kết hợp việc nền đắp cát và phương án cầu cạn.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên