07/01/2020 17:41 GMT+7

Cậu bé 14 tuổi bị xoắn tinh hoàn được cứu 'trong gang tấc'

THÙY DƯƠNG
THÙY DƯƠNG

TTO - Ngủ dậy thấy đau bất thường ở tinh hoàn, cậu bé báo cho ba mẹ và lập tức được đưa đến Bệnh viện Bình Dân cấp cứu. Nhờ đi kịp 'thời gian vàng', cậu đã được phẫu thuật, tránh nguy cơ hoại tử tinh hoàn.

Cậu bé 14 tuổi bị xoắn tinh hoàn được cứu trong gang tấc - Ảnh 1.

Các bác sĩ phẫu thuật tháo xoắn tinh hoàn cho bệnh nhân - Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Các bác sĩ khoa nam học Bệnh viện Bình Dân vừa phẫu thuật cấp cứu tháo xoắn tinh hoàn cho cháu trai N.T.K., 14 tuổi, TP.HCM khỏi nguy cơ hoại tử.

Sáng sớm, khi đang ngủ, cháu K. đột nhiên cảm thấy đau dữ dội vùng bìu trái, cảm giác đau tăng khi sờ vào, tinh hoàn bên trái nằm cao hơn bình thường và kém di động so với tinh hoàn bên phải. Khi cháu báo cho ba mẹ biết, ba mẹ lập tức đưa cháu đến Bệnh viện Bình Dân cấp cứu.

Bác sĩ chuyên khoa nam học khám, siêu âm và chẩn đoán bệnh nhân bị xoắn tinh hoàn trái. Bệnh nhân được phẫu thuật ngay để tháo xoắn thừng tinh trái. Khi bộc lộ bìu trái, các bác sĩ phát hiện thừng tinh trái của bệnh nhân bị xoắn hai vòng với nút xoắn chặt khiến thừng tinh và tinh hoàn trái phù nề, đã chuyển màu tím sẫm.

Theo các bác sĩ, người bệnh đã may mắn khi được đưa đến bệnh viện kịp thời, chỉ trong vòng 4 giờ sau khi cơn đau xuất hiện nên bảo toàn được tinh hoàn. Sau phẫu thuật, thừng tinh và tinh hoàn trái của người bệnh trở lại hồng hào, bác sĩ cố định hai tinh hoàn để tránh nguy cơ xoắn tái phát và xoắn bên đối diện.

Các bác sĩ khuyến cáo một số nam giới hoặc phụ huynh có con trai bị xoắn tinh hoàn đã chần chừ đến bệnh viện mà ở nhà tự tìm kiếm các thông tin trên Internet hoặc tự dùng thuốc giảm đau uống, làm mất cơ hội được điều trị sớm.

Theo một báo cáo khoa học từ Bệnh viện Bình Dân, 80% người bệnh xoắn tinh hoàn đến khám khi tình trạng đau bìu đã khởi phát vượt hơn 24 giờ, gây những hậu quả nặng nề cho người bệnh như tinh hoàn thiếu máu nuôi, mất tinh hoàn, sưng đau tinh hoàn, vô sinh thứ phát và gánh nặng tâm lý về sau.

Trong cấp cứu xoắn tinh hoàn, người bệnh và bác sĩ luôn "chạy đua với thời gian" để tìm kiếm cơ hội cứu tinh hoàn cho người bệnh. Thời gian vàng để cứu sống tinh hoàn là trong vòng 6 giờ từ khi khởi phát tình trạng xoắn của thừng tinh.

Tinh hoàn thường được cố định chắc chắn tại bìu, tuy nhiên một số trường hợp do bất thường tinh hoàn chỉ bám lỏng lẻo nên rất dễ bị xoắn. Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng thường tập trung ở tuổi sơ sinh và tuổi dậy thì.

Biểu hiện điển hình của bệnh là sưng, đau đột ngột một bên bìu. Tinh hoàn bị xoắn thường nằm cao hơn bên lành, mất phản xạ da bìu, bị sưng, ửng đỏ, buồn nôn và đau khi sờ chạm vào. Xoắn tinh hoàn nếu không được phẫu thuật tháo xoắn kịp thời, tinh hoàn có thể bị hoại tử và phải cắt bỏ.

Chồng tôi chỉ có 1 tinh hoàn, có sao không? Chồng tôi chỉ có 1 tinh hoàn, có sao không?

TTO - Tình cờ tôi phát hiện chồng chưa cưới chỉ có... một tinh hoàn. Tôi hỏi thì anh ấy... nổi cáu. Tôi lo về khả năng làm chồng, làm cha của hôn phu...? Th.Thương (TP.HCM)

THÙY DƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên