14/05/2024 17:07 GMT+7

Câu kiều không cần mồi kiếm tiền triệu của người dân ven biển Cà Mau

Nghề câu kiều là loại hình câu cá không cần mồi dẫn dụ, lưỡi câu không có ngạnh nhưng rất sắc bén. Cá da trơn, ghẹ, cua biển là những loài thường dính loại câu này. Đây là nghề được cho là không hủy hoại nguồn lợi thủy sản, được ưu tiên phát triển.

Câu kiều không cần mồi, người dân ven biển Cà Mau kiếm tiền triệu

 Câu kiều thường bắt được nhiều loại cá da trơn, ghẹ, cua - Ảnh: THANH HUYỀN

Câu kiều thường bắt được nhiều loại cá da trơn, ghẹ, cua - Ảnh: THANH HUYỀN

Không cần sắm tàu to, ghe lớn, mỗi xuồng câu chỉ cần một người đi, thăm câu ngoài biển tốn khoảng 3h đến 5h là có thu nhập từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng mỗi ngày. 

Nghề câu kiều của người dân xóm biển Cái Cám, xã Tân Hải, huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau đã mang về thu nhập đều đặn hàng chục triệu đồng/tháng cho hàng trăm hộ dân nơi đây.

Ông Nguyễn Việt Lào, xã Tân Hải, huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau, đang chuẩn bị câu để đi đánh bắt - Ảnh: THANH HUYỀN

Ông Nguyễn Việt Lào, xã Tân Hải, huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau, đang chuẩn bị câu để đi đánh bắt - Ảnh: THANH HUYỀN

Với đặc điểm lưỡi câu hình chữ U, các lưỡi được nối với nhau thành dây câu, mỗi lưỡi cách nhau 14cm, câu được gắn với các phao nhỏ và vỏ ốc. 

Vỏ ốc có nhiệm vụ làm cho dây câu chìm xuống đáy biển và dụ các loài mực chui vào, phao sẽ nổi các lưỡi câu lên khỏi đáy biển khoảng 20cm để cá, cua, ghẹ đi ngang lưỡi câu sẽ quẫy đuôi hoặc quay đầu dính vào lưỡi câu.

Anh Nguyễn Nghi, huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau, phải ra biển giăng câu từ hôm trước, đến khuya hôm sau sẽ ra biển thăm câu - Ảnh: THANH HUYỀN

Anh Nguyễn Nghi, huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau, phải ra biển giăng câu từ hôm trước, đến khuya hôm sau sẽ ra biển thăm câu - Ảnh: THANH HUYỀN

Mỗi người khi đánh bắt sẽ có hàng trăm gắp câu với hàng triệu lưỡi câu được thả xuống biển, các đoạn dây câu có thể dài đến 3km. Loại câu này chỉ bắt được những loại cá da trơn lớn, những cá nhỏ sẽ có thời gian sinh trưởng, không khai thác quá mức như các hình thức đánh bắt khác.

Các vỏ lãi chở câu phải vượt biển gần 3 hải lý mới đến được nơi đánh bắt - Ảnh: THANH HUYỀN

Các vỏ lãi chở câu phải vượt biển gần 3 hải lý mới đến được nơi đánh bắt - Ảnh: THANH HUYỀN

Tuy mỗi bữa chỉ dính được vài ký ghẹ, nhưng nhờ giá trị cao nên ghẹ được người dân phân loại và chạy oxy để bán cho thương lái - Ảnh: THANH HUYỀN

Tuy mỗi bữa chỉ dính được vài ký ghẹ, nhưng nhờ giá trị cao nên ghẹ được người dân phân loại và chạy oxy để bán cho thương lái - Ảnh: THANH HUYỀN

Nghề câu kiều chỉ đánh bắt được ở những vùng biển cạn cách bờ vài hải lý và nước chảy tương đối yếu. Mặc dù nghe thì dễ nhưng nghề này phải có nhiều kinh nghiệm mới đánh bắt được cá, cua... từ kinh nghiệm chọn vùng nước có nhiều cá.

Ngoài ra ngư dân còn có kinh nghiệm chọn vùng không có rạn san hô, kinh nghiệm thả câu, thu dây câu và đặc biệt là kinh nghiệm sửa lưỡi câu để sao cho sắc nhọn nhất và lưỡi câu không bị xoắn.

Thả ngay bầy cá thì mỗi dây câu dính hàng chục ký là chuyện thường ngày - Ảnh: THANH HUYỀN

Thả ngay bầy cá thì mỗi dây câu dính hàng chục ký là chuyện thường ngày - Ảnh: THANH HUYỀN

Nghề câu kiều được nhiều người cho rằng là một nghệ thuật đánh bắt, bởi cách này không cần mồi như câu bình thường. Người thăm câu phải tranh thủ ra biển từ khuya để hạn chế sóng đánh. 

Để đỡ tốn chi phí thì phương tiện đánh bắt được tắt máy, thả trôi, người thăm câu chỉ cần lần theo viền câu mà bắt cá. Cá được cho vào xuồng, sau đó chạy oxy để cho cá sống được tới vựa, bán được giá cao.

Do thời gian thăm câu có khi lên đến 4h nên cá được cho thở oxy để còn sống khi đến vựa thu mua - Ảnh: THANH HUYỀN

Do thời gian thăm câu có khi lên đến 4h nên cá được cho thở oxy để còn sống khi đến vựa thu mua - Ảnh: THANH HUYỀN

Mỗi ký cá ngát sẽ được ngư dân bán cho các vựa với giá khoảng 50.000 đồng. Ghẹ và cua biển sẽ bán được giá khoảng 150.000 đến 200.000 đồng. Mỗi ngày một người câu kiều kiếm được 10 - 20 ký cá ngát, cá đuối, ghẹ, cua biển...

Công việc thăm câu bắt đầu từ khoảng 2h sáng đến khi bình minh ló rạng - Ảnh: THANH HUYỀN

Công việc thăm câu bắt đầu từ khoảng 2h sáng đến khi bình minh ló rạng - Ảnh: THANH HUYỀN

Nghề câu kiều có thể làm được từ 7 đến 9 tháng hằng năm. Những khi biển động, ngư dân không ra khơi được thì lưỡi câu, dây câu sẽ được cuốn vào nhà và gia cố, đợi đến khi trời êm thì tiếp tục ra khơi đánh bắt.

Mỗi ngày anh Nghi bắt được hàng chục ký cá ngát và các loại cá cua khác, có những con cá ngát nặng khoảng 4kg - Ảnh: THANH HUYỀN

Mỗi ngày anh Nghi bắt được hàng chục ký cá ngát và các loại cá cua khác, có những con cá ngát nặng khoảng 4kg - Ảnh: THANH HUYỀN

Sau một đêm dài lênh đênh trên biển, những ngư dân làm nghề câu kiều trở về với chiến lợi phẩm đầy ắp cá, ghẹ, mực. Không khí nhộn nhịp, thăm hỏi nhau đêm qua được nhiều không, đánh bắt nơi nào đã làm cho người đánh bắt vơi đi nỗi mệt nhọc, có được khoản tiền kha khá cho bữa cơm gia đình.

Độc đáo nghề nghe tiếng cáĐộc đáo nghề nghe tiếng cá

TTO - Ở làng chài Phước Hải (huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), một số ngư dân có khả năng kỳ lạ đặc biệt: nghe được tiếng cá kêu, hơi luồng cá bơi dưới biển khi lặn mình xuống nước.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên