03/12/2014 11:50 GMT+7

​“Cây lúa của bộ đội”

THÁI BÁ DŨNG
THÁI BÁ DŨNG

TT - Người Jrai ở vùng biên giới xã Ia Mơr (Chư Prông, Gia Lai) lâu nay chỉ quen với cách trồng lúa rẫy, năng suất bấp bênh nên chuyện thiếu ăn vào mùa giáp hạt là nỗi ám ảnh.

Cán bộ đồn Ia Mơr chỉ dẫn cho bà con về giống lúa nước ngắn ngày, năng suất cao do đồn trồng được- Ảnh: B.D.
Cán bộ đồn Ia Mơr chỉ dẫn cho bà con về giống lúa nước ngắn ngày, năng suất cao do đồn trồng được- Ảnh: B.D.

Để thay đổi tập quán làm lúa truyền thống, đồn biên phòng Ia Mơr (Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng Gia Lai) đã đem cây lúa nước về làng mở ra một hi vọng mới.

Biến đất hoang thành ruộng lúa

Nhận học trò nghèo làm con nuôi

Nhiều năm nay cán bộ chiến sĩ đồn Ia Mơr còn cưu mang nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn, các đối tượng chính sách và học sinh có hoàn cảnh đặc biệt. Hiện đồn Ia Mơr đang nhận đỡ đầu một học sinh lớp 5 tại xã Ia Mơr.

Cô học trò này đã mồ côi cha, hai tay bị tàn tật, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn.

Thương cô học trò nghèo, hằng tháng cán bộ chiến sĩ đồn Ia Mơr đều đặn chung tay đóng góp tiền mua gạo để giúp đỡ cô học trò này đến trường.

Cuối tháng 9 vừa qua là quãng thời gian vui nhất đối với người dân ở làng Klảh (xã Ia Mơr, huyện Chư Prông). Sau gần ba tháng chờ đợi, “cây lúa của bộ đội” trên cánh đồng nằm cạnh đội công tác địa bàn xã Ia Mơr đã cho thu hoạch.

Đó cũng là lần đầu tiên người Jrai ở Ia Mơr được biết có loại lúa trồng ngắn ngày mà lại cho năng suất cao trên cánh đồng vốn bị bỏ hoang.

Đại úy Trần Mạnh Hà, chính trị viên phó đồn biên phòng Ia Mơr, cho biết kế hoạch khai hoang trình diễn cánh đồng lúa nước được bắt đầu từ câu chuyện của chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Gia Lai.

Nhiều lần đi vào cơ sở thăm cán bộ chiến sĩ, chứng kiến hàng trăm hecta đất nông nghiệp bị bỏ hoang để cho cây dại mọc trong khi người dân trồng lúa rẫy chẳng đủ ăn, chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng Gia Lai đã quán triệt với anh em chiến sĩ ở đồn Ia Mơr: phải làm lúa nước và chỉ cho dân làm theo!

Tháng 6-2014, đồn biên phòng Ia Mơr bắt tay thực hiện cánh đồng lúa nước. Khu đất rộng 6.000m² nằm giữa trung tâm xã Ia Mơr lâu nay vốn để hoang chỉ trong vài ngày đã được bộ đội tập trung san phẳng, nhiều máy móc cơ giới của các đơn vị đóng trên địa bàn cũng được huy động để đào ao, tạo hồ thủy lợi.

Ia Mơr là vùng biên giới giáp với Campuchia, vùng cằn cỗi và khô khát quanh năm nên để có thể biến một khu đất hoang thành một đồng lúa màu mỡ là điều không hề đơn giản.

“Bà con trong xã chủ yếu vẫn làm lúa rẫy nên chưa có công trình thủy lợi vào ruộng đồng. Để cây lúa nước sống được chúng tôi phải dành một sào đất huy động bộ đội, máy móc nhiều tuần đào hồ, be bờ tạo nguồn nước tưới” - đại úy Hà cho biết.

Cuối tháng 6, khi những đợt mưa ở Tây nguyên bắt đầu kéo về, đồn biên phòng Ia Mơr huy động bộ độ cày ải, đào đất quây từng đám ruộng và tiến hành gieo sạ. Lần đầu tiên người dân thấy phân gia súc (trâu bò) được dùng để bón lót ai cũng ngạc nhiên.

Những chiến sĩ biên phòng lâu nay vốn quen với việc trực chiến, vận động quần chúng nay được huy động xuống ruộng gieo hạt, cào bùn đất một cách thành thục trước sự bất ngờ của người làng.

“Mình quê ở ngoài Bắc, vốn sinh ra từ vùng nông thôn nên việc trồng lúa nước chả có gì lạ lẫm cả. Nhưng người dân nơi đây lại chưa bao giờ thấy, anh em phải vừa làm vừa kêu dân đến xem, làm tới đâu bà con cũng tập trung xem và bàn tán, háo hức chờ đợi” - đại úy Hà nói.

Cánh đồng mẫu

Sau khi cây lúa được sạ xuống mặt ruộng, những mầm xanh bắt đầu nhú lên phủ một màu xanh khắp mặt ruộng trước sự bất ngờ của bà con. Cứ sáng sớm, khi bộ đội nhổ cỏ, bơm nước lên dẫn vào ruộng và đi vào các làng xin phân gia súc bón cho cây lúa, người dân lại tập trung xem.

Gần ba tháng ròng rã chăm sóc, hướng dẫn kết hợp trình diễn, tháng 9-2014 cánh đồng lúa nước của đồn biên phòng Ia Mơr bắt đầu chuyển màu. Những bông lúa nặng dần rồi đỏ đuôi, trĩu hạt gục xuống mặt ruộng.

Ngày vui nhất ở vùng biên giới đã đến. Người dân các làng kéo nhau ra xem cây lúa nước được bộ đội cắt về và dùng máy cơ giới tuốt sạch, cho ra những mẻ lúa vàng óng, hạt căng tròn.

Nữ già làng Ksor Blâm - làng Klảh - vui vẻ: “Mình theo bộ đội mấy chục năm nên chẳng lạ gì cây lúa nước. Nhưng về sống ở làng thì chưa bao giờ làm cả. Bà con toàn trồng lúa rẫy, hạt được gieo xuống bằng cách đào lỗ rồi bỏ mặc cho trời đất tới ngày thu hoạch thôi. Vì thế năng suất thấp lắm”.

Cánh đồng lúa nước sau ba tháng trồng đã cho năng suất cao hơn dự kiến: chỉ 6.000m² đất nhưng thu hoạch được 75 bao, tương đương 3,5 tấn lúa.

“Nếu trồng lúa rẫy thì năng suất cao lắm cũng chỉ được cỡ 10 bao thôi, mà lại phải mất tới sáu tháng mới cho thu hoạch. Thấy cây lúa nước năng suất cao, hạt to lại trồng trong thời gian ngắn như thế bà con ở đây mừng lắm” -  trung úy Rơ Ô Thuy, đội trưởng đội vận động quần chúng và cũng là một người Jrai ở xã Ia Mơr, nói.

Đại úy Trần Mạnh Hà cho biết sau khi trồng kết hợp trình diễn thành công cây lúa nước, đồn biên phòng đã phơi lúa rồi đóng thành bao xếp ngay ngắn trong gian nhà của đội công tác địa bàn.

Người dân háo hức về cây lúa nước nên mang túi đến xin bộ đội cho hạt, rồi lấy lúa rẫy đổi lúa nước để về dùng thử, số lúa còn lại được đồn biên phòng phát tặng các hộ nghèo, gia đình chính sách.

Không chỉ trồng lúa nước, khi cây lúa được cắt xong đồn Ia Mơr còn huy động bộ đội cày xới đất, biến đồng lúa thành đồng rau xanh phục vụ bà con, vừa hướng dẫn người dân luân canh trên ruộng đồng. Hiện vườn rau đã bắt đầu vào thời kỳ cho thu hoạch.

THÁI BÁ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên