13/12/2014 10:00 GMT+7

​Cha vắng nhà, con học với ai?

ThS tâm lý NGUYỄN VĂN CÔNG
ThS tâm lý NGUYỄN VĂN CÔNG

TT - Ở nhiều gia đình có người cha đi học, đi công tác dài ngày (nhiều khi 3-7 năm), những đứa con lớn lên chủ yếu bên mẹ. Vậy điều đó có ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách của trẻ?

Việc dạy con học đòi hỏi sự nỗ lực của cả cha lẫn mẹ - Ảnh: Như Hùng

 

Trước đây, quan niệm cho rằng hình thành nên nhân cách trẻ chỉ có môi trường gia đình, nhà trường và xã hội, nhưng gần đây quan niệm này đã có sự thay đổi. Cụ thể, những yếu tố tác động gồm gia đình, nhà trường, xã hội, nhóm, máy tính (mạng), điện thoại, thông tin (truyền hình)
TS giáo dục Nguyễn Minh Thức

Một số ý kiến cho rằng quá trình phát triển của trẻ sẽ chậm hơn nếu không có sự ảnh hưởng trực tiếp từ phía người cha... Cũng có nhiều ý kiến cho rằng tuy người cha không thường xuyên, trực tiếp giáo dục con trẻ nhưng vẫn khéo léo bày tỏ sự quan tâm thì con trẻ sẽ được giáo dục bài bản và trưởng thành như bao đứa trẻ khác.

Mỗi nhà mỗi cảnh

Chị Hòa (ngụ Biên Hòa, Đồng Nai) kể chồng chị đi học gần sáu năm ở Hà Nội, học thạc sĩ xong lại học tiến sĩ, thời gian ở nhà rất ít, mỗi năm chỉ được về thăm nhà 2-3 lần, mỗi lần 10-15 ngày. Hai con của chị chủ yếu ở với mẹ và đang học cấp I. Nhưng con chị lúc nào cũng dành nhiều tình cảm cho cha.

Mỗi lần cha về, hai bé cứ bám rịt lấy cha không rời bước. Thậm chí nhiều đêm chị phải lấy áo của cha đắp cho đứa con nhỏ, nếu không thì bé cứ trằn trọc, thao thức. 

Tương tự, chị Hải cũng vậy: chồng chị là quân nhân, dạy ở một trường sĩ quan của quân đội. Con lớn 17 tuổi, con nhỏ 14 tuổi. Sau khi lập gia đình, sinh được hai con là anh đi học liên tục. Học hết lớp trung đoàn, rồi học tiếp thạc sĩ, rồi tiến sĩ ngót gần 10 năm trời. Ở nhà, dù hoàn cảnh kinh tế khó khăn nhưng hai con của anh chị luôn chăm ngoan, học giỏi.

Ngược lại, không ít trường hợp tuy thường xuyên được sống trong sự chăm sóc của cả cha lẫn mẹ nhưng con trẻ vẫn khó bảo, bướng bỉnh, học kém và phá phách. Trong quá trình tư vấn, chúng tôi thường nhận được sự chia sẻ của những bà mẹ rơi vào hoàn cảnh bất lực như trường hợp của chị Dung (ngụ Q.1, TP.HCM).

Con trai chị đang học lớp 9. Ba mẹ luôn dành thời gian quan tâm con, vậy mà cậu bé rất ham chơi. Ở nhà thì lao vào game online, đi chơi với bạn lại la cà tụ tập...

Cái khó ló...  tính kiên cường

Sẽ rất tuyệt vời khi những năm tháng đầu đời con trẻ nhận được sự quan tâm, chăm sóc đầy đủ từ cha mẹ. Nhưng điều này không quyết định sự phát triển nhân cách toàn diện, lâu dài của trẻ.

Dù phải xa gia đình, song nếu khéo léo và có phương pháp khoa học, các bậc cha mẹ vẫn có thể tác động mạnh mẽ đến con cái rất hiệu quả, thậm chí còn giáo dục con trẻ hình thành những phẩm chất kiên cường, đặc biệt ở giai đoạn trẻ bước vào bậc học phổ thông.

Theo TS giáo dục Nguyễn Minh Thức (Hội Tâm lý - giáo dục Đồng Nai), ngày nay sự tác động đến nhân cách của giới trẻ rất đa dạng bởi hệ thống nhân tố bên trong và bên ngoài.

Trước đây, quan niệm cho rằng hình thành nên nhân cách trẻ chỉ có môi trường gia đình, nhà trường và xã hội, nhưng gần đây quan niệm này đã có sự thay đổi. Cụ thể, những yếu tố tác động gồm gia đình, nhà trường, xã hội, nhóm, máy tính (mạng), điện thoại, thông tin (truyền hình). 

TS Thức nhấn mạnh: các môi trường thường xuyên tác động đến trẻ và ảnh hưởng với nhiều mức độ khác nhau. Trong đó, hệ thống mạng Internet, điện thoại là những phương tiện giáo dục rất quan trọng, tính năng kết nối giữa người thân với nhau sẽ là phương cách giáo dục không kém phần hiệu quả.

Sự phối hợp của cha mẹ

Để giúp con trẻ không bị hụt hẫng khi thiếu người cha bên cạnh, cả cha lẫn mẹ đều phải cố gắng hết sức có thể. Với người mẹ, cần giáo dục cho trẻ hiểu rằng cha công tác xa nhà trong thời gian dài là nhiệm vụ và cũng là niềm tự hào đối với mẹ và con.

Bạn có thể nói với trẻ rằng: cha rất yêu gia đình, lúc nào cũng muốn con chăm ngoan, học giỏi và nghe lời mẹ dạy. Đồng thời người mẹ đừng so sánh con với những đứa trẻ khác, nếu không trẻ sẽ cảm thấy hẫng hụt và thiệt thòi. 

Cho trẻ hiểu rằng trong hoàn cảnh vắng cha mà con luôn phấn đấu, đạt được nhiều thành tích đó là niềm hạnh phúc lớn của cha mẹ. Bản thân mỗi bà mẹ cần thể hiện rõ trách nhiệm và sự nỗ lực hết mình, khắc phục những khó khăn tạm thời để giúp con phát triển tốt những phẩm chất nhân cách cần thiết.

Còn với người cha, cần thể hiện sự quan tâm đến gia đình - nhất là khi con trẻ đang ở những năm tháng đầu đời. Có thể là những cuộc điện thoại hằng ngày để hỏi han, 

động viên và khuyến khích để trẻ cảm thấy không còn sự thiếu vắng cha bên cạnh. Những món quà phù hợp sẽ là niềm vui lớn khi trẻ nhận được. Cũng có thể là những lá thư tay gửi về để cả mẹ và con cùng đọc, điều đó làm trẻ rất vui và cũng là cách giáo dục gián tiếp giúp trẻ tự tin với bạn bè.

Nếu có điều kiện, người cha cần ưu tiên sắp xếp thời gian về thăm nhà, dù sao đi nữa trẻ cũng rất muốn được bên cạnh cha dù chỉ là thời gian ngắn ngủi.

Tục ngữ có câu: “Mẹ dạy con khéo, cha dạy con khôn”. Do đó, dù gần gũi hay phải xa con trong quá trình trẻ đang hoàn thiện nhân cách, các bậc cha mẹ đều cần có cách giáo dục phù hợp để trẻ phát triển bình thường.

Chỉ có tình thương, trách nhiệm và phương pháp giáo dục khoa học mới sẵn sàng lấp đầy những khoảng trống tâm lý cho trẻ vắng cha.

ThS tâm lý NGUYỄN VĂN CÔNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên