22/09/2023 10:28 GMT+7

Chiến lược thu hút nguồn FDI chất lượng cao: 'Bóng đang trong chân' Việt Nam

B.NGỌC
và 1 tác giả khác

Việc Thủ tướng gặp gỡ, trao đổi với từng tập đoàn của Mỹ là cách tiếp cận mới, ấn tượng trong hoạt động xúc tiến đầu tư ở tầm quốc gia. Điều này không mới với các nước nhưng mới với Việt Nam.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cảm ơn và mong muốn các giáo sư, chuyên gia Mỹ đến Việt Nam để tiếp tục thảo luận sâu hơn nữa  - Ảnh: D.LINH

Thủ tướng Phạm Minh Chính cảm ơn và mong muốn các giáo sư, chuyên gia Mỹ đến Việt Nam để tiếp tục thảo luận sâu hơn nữa - Ảnh: D.LINH

Đó là nhận định của ông Nguyễn Văn Toàn - phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài - với Tuổi Trẻ về chuyến công tác tại Mỹ đang diễn ra của Thủ tướng Phạm Minh Chính với dày đặc các cuộc tiếp xúc doanh nghiệp.

Giữa chiến lược chọn lọc thu hút đầu tư FDI của Việt Nam với dòng vốn FDI từ Mỹ có điểm chung là công nghệ cao, công nghệ nguồn. Công nghệ của Mỹ từ trước đến nay luôn dẫn đầu thế giới. Và nếu các nhà đầu tư lớn của Mỹ tới Việt Nam đầu tư, họ sẽ mang tới điều mà Việt Nam đang cần.

Ông Nguyễn Văn Toàn (phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài)

Cần chú trọng đầu tư lòng tin

Theo ông Toàn, chuyến thăm của Thủ tướng tới Mỹ trong đó có những cuộc gặp gỡ, đối thoại trực tiếp với nhiều tập đoàn hàng đầu của Mỹ trong các lĩnh vực công nghệ, bán dẫn, năng lượng sạch đạt được nhiều mục tiêu.

Chúng ta đang đứng trước cơ hội lớn để thu hút dòng vốn đầu tư FDI chất lượng cao, "quả bóng đang trong chân" Việt Nam, song ông Toàn lưu ý các nhà đầu tư Mỹ cũng rất "rắn", họ không hạ thấp các tiêu chuẩn về môi trường, bản quyền, tính minh bạch môi trường đầu tư, xuất xứ hàng hóa...

"Chúng ta phải cải thiện môi trường đầu tư để phù hợp với các nhà đầu tư có công nghệ cao, công nghệ nguồn của Mỹ", ông Toàn nhấn mạnh.

Một thực tế là thương mại Việt - Mỹ những năm qua rất tốt nhưng các nhà đầu tư Mỹ lại chưa đầu tư nhiều vào Việt Nam đúng với tiềm năng hai nước. Mỗi năm doanh nghiệp Mỹ đầu tư ra nước ngoài khoảng 200 - 300 tỉ USD, trong khi vốn đầu tư trực tiếp FDI từ Mỹ vào Việt Nam những năm gần đây trung bình chỉ hơn 1 tỉ USD/năm.

Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn tại Đông Nam Á và châu Á nhưng lâu nay đầu tư từ Mỹ vẫn ở dạng tiềm năng, kỳ vọng. Năm 2022, Mỹ chỉ đứng thứ 11 trong số các quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Điều đó cho thấy Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn nhưng cũng cần thay đổi để nắm bắt.

Ông Toàn nhận định thời gian tới thu hút đầu tư FDI từ Mỹ chắc chắn sẽ thuận lợi hơn khi các nước áp thuế tối thiểu toàn cầu. Vốn Mỹ đầu tư vào Việt Nam thông qua nước thứ ba chắc chắn sẽ giảm vì không còn mang lại lợi ích ưu đãi thuế như trước đây.

Hơn nữa, thu hút thành công vốn FDI từ Mỹ thì Việt Nam sẽ hưởng lợi kép, sẽ góp phần nâng chất dòng vốn FDI và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong nước. Hợp tác với doanh nghiệp Mỹ cũng tạo sức ép để các doanh nghiệp trong nước tiến lên, phát triển công nghệ và quản trị.

"Tất nhiên, Mỹ cũng rất cần gắn kết với Việt Nam. Ví như Mỹ cần phát triển công nghiệp bán dẫn, con chip, pin năng lượng mặt trời thì chúng ta có tài nguyên đất hiếm. Và nếu chúng ta tận dụng được cơ hội hợp tác với các tập đoàn công nghệ Mỹ để khai thác tiềm năng đất hiếm thì cũng thuận lợi cho phát triển ngành công nghiệp bán dẫn trong nước", ông Toàn phân tích.

Thích ứng để đón vốn FDI Mỹ

Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Nguyễn Quốc Việt - viện phó Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách, Đại học Quốc gia Hà Nội - cũng cho rằng việc Thủ tướng dẫn theo nhiều bộ trưởng đến làm việc với từng tập đoàn lớn của Mỹ trong chuyến thăm Mỹ là sự đột phá về ngoại giao, thương mại, đầu tư.

"Việc người đứng đầu Chính phủ đến làm việc với từng tập đoàn Mỹ sẽ để lại tình cảm đặc biệt và nếu họ có ý định đầu tư vào Việt Nam chắc chắn họ sẽ quyết tâm đến Việt Nam tìm hiểu, đánh giá thận trọng trước khi xác lập thỏa thuận đầu tư. Đây là hành động thực chất của người đứng đầu Chính phủ trong chiến lược "dọn ổ đón đại bàng"", ông Việt nói.

Đặc biệt trong bối cảnh có biến động toàn cầu, dòng vốn FDI Mỹ đang có sự thay đổi dựa trên các lợi ích chiến lược.

Tuy nhiên theo ông Việt, để nhà đầu tư Mỹ yên tâm đến Việt Nam đầu tư vẫn cần thúc đẩy cải cách thể chế theo hướng công khai, minh bạch và không giật cục. Hệ thống luật lệ trong nước cũng cần đơn giản hóa, không phức tạp, không làm nản lòng nhà đầu tư.

Ông Nguyễn Văn Toàn cũng lưu ý về sự khác biệt giữa nhà đầu tư Mỹ với các nước khác là họ quyết đoán và tính đường dài. Nhà đầu tư Mỹ dám chấp nhận lỗ trong những năm đầu đầu tư vào Việt Nam để hướng đến lợi ích dài hạn. Với họ, nếu chúng ta tạo được lòng tin thì mọi chuyện rất đơn giản, lòng tin là thứ quan trọng nhất với quyết định rót vốn của nhà đầu tư Mỹ.

Thủ tướng tham vấn các giáo sư kinh tế Mỹ

Sáng 21-9 (giờ New York, tối cùng ngày theo giờ Việt Nam), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc trao đổi sâu với các giáo sư, chuyên gia chính sách kinh tế Mỹ.

Tham dự tọa đàm, ngoài Thủ tướng Phạm Minh Chính và lãnh đạo các bộ, ban ngành còn có các giáo sư của ba trường nổi tiếng của Mỹ là Trường Harvard Kennedy, Trường Columbia, Trường đại học Yale và họ đều là các giáo sư chuyên về kinh tế Việt Nam, Đông Nam Á.

Phát biểu tại tọa đàm, Thủ tướng cho biết cục diện kinh tế và chính trị toàn cầu đang đứng trước những biến chuyển nhanh, sâu rộng nhất trong nhiều năm qua và Việt Nam cũng không nằm ngoài bối cảnh đó.

"Chúng tôi coi trọng trao đổi, học hỏi để nâng tầm tư duy", Thủ tướng nói với các học giả, bày tỏ mong muốn nhận được góp ý của các giáo sư, học giả cho những vấn đề trước mắt và tương lai. Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cũng cho biết đang tập trung cho tăng trưởng, các ngành sản xuất, đặc biệt là sản xuất chip bán dẫn, cải thiện môi trường đầu tư.

Thủ tướng trân trọng mời các giáo sư, chuyên gia sớm thăm Việt Nam để trực tiếp chứng kiến sự phát triển và những vấn đề đang đặt ra đối với Việt Nam, cũng như tiếp tục trao đổi sâu hơn về các chủ đề liên quan.

GS Thomas Vallely, giám đốc Chương trình Việt Nam của Trường Harvard Kennedy, đánh giá Việt Nam đã làm rất tốt trong nhiều vấn đề, chẳng hạn như trong đại dịch COVID-19. Việt Nam cũng thúc đẩy hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực chưa có kinh nghiệm nhưng Việt Nam đã chủ động tìm hiểu, kết nối và mở cơ hội hợp tác với tất cả các nước, trong đó có Mỹ.

GS Anthony Saich, giám đốc Viện nghiên cứu Rajawali về châu Á thuộc Trường Harvard Kennedy, đánh giá về vai trò của Việt Nam trong sự dịch chuyển kinh tế, thương mại toàn cầu. "Việt Nam đã thúc đẩy tự do hóa thương mại", ông Saich khẳng định và cho rằng nội lực Việt Nam vẫn rất tiềm năng.

Theo ông Saich, bối cảnh thế giới hiện nay đang đặt ra nhiều câu hỏi cho Việt Nam để đảm bảo lợi ích kinh tế, dung hòa giữa các mối quan hệ. Thách thức trong ngắn hạn với Việt Nam là kinh tế toàn cầu vẫn đang chững lại.

Ông khuyến nghị Việt Nam xem xét cải thiện môi trường đầu tư, huy động tài chính, từ đó khuyến khích đổi mới sáng tạo, đặc biệt trong lĩnh vực chất bán dẫn và tạo lập môi trường ứng dụng trí tuệ nhân tạo.

Đón vốn FDI công nghệ cao từ MỹĐón vốn FDI công nghệ cao từ Mỹ

Các tập đoàn công nghệ lớn của Mỹ đã tới Việt Nam đầu tư kinh doanh và tạo ra giá trị hàng tỉ USD, nhưng theo nhận định của giới chuyên gia, chừng đó vẫn chưa xứng với tiềm năng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên