14/08/2019 14:30 GMT+7

Chính phủ cần nâng cao năng lực nghiên cứu, marketing cho doanh nghiệp phụ trợ

N.AN
N.AN

TTO - Tỉ lệ nội địa hoá của doanh nghiệp phụ trợ tại Việt Nam vẫn ở mức thấp nên Chính phủ cần thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) trong nâng cao năng lực cạnh tranh về nghiên cứu và marketing.

Chính phủ cần nâng cao năng lực nghiên cứu, marketing cho doanh nghiệp phụ trợ - Ảnh 1.

Một gian hàng trong triển lãm công nghiệp hỗ trợ Việt Nam - Nhật Bản - Ảnh: NA

Đó là khuyến nghị được ông Daisuke Okabe - Công sứ đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam đưa ra tại Triển lãm Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam - Nhật Bản diễn ra ngày 14-8 tại Hà Nội.

Ông Okabe cho rằng thúc đẩy ngành công nghiệp phụ trợ là một trong những ưu tiên hàng đầu của Việt Nam, song tỉ lệ nội địa hoá của doanh nghiệp hiện vẫn chưa cao, nên các giao dịch kinh doanh, hợp tác với doanh nghiệp Nhật Bản còn hạn chế.

Dẫn chứng từ Nhật Bản, ông Okabe cho biết các SME của nước này chiếm khoảng 99% và chiếm tới 70% ngành công nghiệp phụ trợ.

Do đó, ở Việt Nam đa phần là các SME nên cần phát huy vai trò quan trọng của đối tượng này thông qua việc đưa ra các chính sách hỗ trợ về pháp lý, khuyến khích SME về kỹ thuật, công nghệ và thị trường.

Ông Hironoku Kitagawa - trưởng đại diện tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) tại Hà Nội - cũng cho rằng các doanh nghiệp Nhật Bản ngày càng quan tâm đầu tư ở Việt Nam nhiều hơn khi năm 2018 đạt mức cao nhất với 630 dự án.

Theo khảo sát của Jettro đưa ra, có 70% doanh nghiệp Nhật Bản mong muốn mở rộng sản xuất tại Việt Nam. Đặc biệt trong phạm vi Asean, Việt Nam được đánh giá là thị trường hàng đầu và hấp dẫn.

Theo ông Kitagawa, năng lực nhà cung cấp linh phụ kiện Việt Nam ngày càng cải thiện.

Tỉ lệ doanh nghiệp Nhật Bản mua linh phụ kiện từ Việt Nam cũng gia tăng đáng kể và vượt qua Malaysia vào năm 2018.

Tuy nhiên, so với một số nước như Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia vẫn thấp hơn và nhiều doanh nghiệp Nhật Bản buộc phải nhập khẩu linh kiện từ nước ngoài.

"Cần tạo cơ hội các bên kết nối kinh doanh với nhau, để các nhà cung cấp linh kiện phụ tùng của Việt Nam được gặp các nhà chế tạo, lắp ráp của Nhật Bản.

Các chính sách ưu tiên trọng tâm hướng đến là nâng cao công nghệ, chất lượng sản phẩm, năng suất và tiếp thị" - ông Kitagawa nói.

Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương, cho rằng công nghiệp hỗ trợ là ngành công nghiệp nền tảng, đóng vai trò góp phần năng cao giá trị gia tăng, năng suất lao động và việc làm.

Tuy nhiên, để ngành công nghiệp phụ trợ đạt kết quả, doanh nghiệp phải phát triển cả số lượng và chất lượng, cải thiện năng lực sản xuất và tham gia sâu chuỗi cung ứng.

Thứ trưởng cho rằng việc hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản sẽ mở ra cơ hội hợp tác, chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất cho doanh nghiệp Việt Nam.

Theo đó, ông Hải cho biết tới đây các chính sách hỗ trợ sẽ tập trung vào đầu tư thiết bị, khuôn đúc, đào tạo quản lý kinh doanh, phát triển thị trường, tăng doanh số và phát triển sản xuất, giúp nâng cao năng lực sản xuất.

Đầu tư 30 triệu USD vào công nghiệp phụ trợ da giày Đầu tư 30 triệu USD vào công nghiệp phụ trợ da giày

TT - Tập đoàn Avery Dennison RBIS - Mỹ đã đưa vào hoạt động nhà máy kỹ thuật sản xuất bao bì, nhãn hiệu, phụ liệu trang trí trên mọi chất liệu tại Khu công nghiệp Long Hậu

N.AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên