22/09/2021 18:57 GMT+7

Cho phép chuyển 14,62 ngàn tỉ vào dự phòng ngân sách trung ương sử dụng phòng, chống dịch

DANH TRỌNG
DANH TRỌNG

TTO - Sau khi thảo luận, 100% thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thống nhất cho phép chuyển 14,62 ngàn tỉ đồng vào dự phòng ngân sách trung ương để sử dụng cho phòng, chống dịch bệnh.

Cho phép chuyển 14,62 ngàn tỉ vào dự phòng ngân sách trung ương sử dụng phòng, chống dịch - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc báo cáo, làm rõ một số vấn đề tại phiên họp - Ảnh: Quochoi.vn

Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 3, chiều 22-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có những thảo luận về nguồn kinh phí cắt giảm, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2021.

Phải chi 36-40 ngàn tỉ mua vắc xin và phòng, chống dịch

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, thực hiện nghị quyết số 30 của Quốc hội, nghị quyết 86 của Chính phủ, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã thực hiện cắt giảm tối thiểu 50% kinh phí hội nghị, công tác phí trong và ngoài nước và tiết kiệm trên 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2021.

Đồng thời rà soát các nhiệm vụ chi ngân sách nhà nước năm 2021 theo nguyên tắc triệt để tiết kiệm, cắt giảm những nhiệm vụ không cần thiết hoặc không triển khai do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.

Cụ thể, tổng số kinh phí cắt giảm, tiết kiệm chi của ngân sách trung ương năm 2021 là 14,62 ngàn tỉ đồng, gồm: Cắt giảm, tiết kiệm chi thường xuyên của ngân sách trung ương là 7,42 ngàn tỉ đồng.

Giảm chi trả nợ lãi của ngân sách trung ương là 4,2 ngàn tỉ, kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 theo nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9-4-2020 của Chính phủ còn dư là 3 ngàn tỉ đồng.

Trong 8 tháng đầu năm, cả ngân sách trung ương và ngân sách địa phương đã tập trung sử dụng dự phòng ngân sách, dự trữ tài chính để đáp ứng các yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19, xử lý các nhu cầu chi cấp thiết về quốc phòng, an ninh. Trong đó, các nguồn lực của trung ương đã sử dụng 22,27 ngàn tỉ đồng.

"Về nhu cầu kinh phí trung ương chi phòng, chống dịch trong thời gian tới, theo tính toán của Bộ Y tế, để tiêm phòng cho khoảng 80 triệu dân số trong năm 2021 dự kiến cần mua khoảng 170 triệu liều vắc xin với kinh phí khoảng 28,5 ngàn tỉ đồng", ông Phớc nói.

Sau khi trừ số đã chi 8.887 tỉ đồng để mua vắc xin nêu trên và nguồn ngân sách địa phương dự kiến bố trí để mua là 3,54 ngàn tỉ đồng, thì nhu cầu còn lại trung ương phải chi trong thời gian tới khoảng 16,07 ngàn tỉ đồng.

Về nhu cầu kinh phí cho công tác phòng, chống dịch, căn cứ khả năng giải ngân trong những tháng cuối năm, nhất là mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế cho công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng của dịch bệnh, dự kiến ngân sách trung ương phải tăng chi và hỗ trợ cho các địa phương trong thời gian tới khoảng 20 đến 24 ngàn tỉ đồng.

Như vậy, tổng hợp chung nhu cầu trung ương phải chi để mua vắc xin và chi cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian tới khoảng 36-40 ngàn tỉ đồng.

Để đảm bảo nguồn kinh phí cho công tác phòng, chống dịch COVID-19, căn cứ luật định và nghị quyết 30 của Quốc hội, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định sử dụng 14,62 ngàn tỉ đồng kinh phí trên để bổ sung nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2021, tập trung chi cho công tác phòng, chống dịch.

Chuyển 14,62 ngàn tỉ vào dự phòng ngân sách trung ương

Cho phép chuyển 14,62 ngàn tỉ vào dự phòng ngân sách trung ương sử dụng phòng, chống dịch - Ảnh 2.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường trình bày báo cáo thẩm tra - Ảnh: Quochoi.vn

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Phú Cường - chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách của Quốc hội - khẳng định việc Chính phủ xây dựng phương án sử dụng đối với số cắt giảm, tiết kiệm chi của ngân sách trung ương năm 2021 trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định là đúng thẩm quyền.

Ông Cường cho biết, đa số ý kiến trong cơ quan thẩm tra nhận thấy để bảo đảm tính kịp thời và tăng cường nguồn lực cho công tác phòng chống dịch bệnh, trong bối cảnh dự phòng ngân sách trung ương còn hạn chế.

"Vì vậy, đề nghị thực hiện theo đúng quy định tại nghị quyết 30, kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép chuyển 14,62 ngàn tỉ vào dự phòng ngân sách trung ương để Chính phủ chủ động thực hiện và chịu trách nhiệm về tính tuân thủ, bảo đảm hiệu quả, đúng mục đích. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ ban hành nghị quyết về nội dung này", ông Cường cho hay.

Sau khi thảo luận, 100% thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thống nhất cho phép chuyển 14,62 ngàn tỉ đồng vào dự phòng ngân sách trung ương để sử dụng cho phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo tiết kiệm hiệu quả theo đúng quy định của Luật ngân sách và nghị quyết 30 của Quốc hội và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy định.

Kết luận nội dung này, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng Chính phủ cần nghiêm túc rút kinh nghiệm, khắc phục việc dự báo không sát dẫn đến dư tiền chính sách chưa sử dụng hết, báo cáo chậm các nội dung cần xin ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần chỉ đạo các ngành và các địa phương tổng hợp báo cáo kinh phí đã chi và nhu cầu nguồn vốn cho phòng, chống dịch COVID-19 để báo cáo trung ương và Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội: Sáp nhập rồi, sao chi thường xuyên không giảm? Chủ tịch Quốc hội: Sáp nhập rồi, sao chi thường xuyên không giảm?

TTO - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện cấp xã phải đi liền với tinh giản được đầu mối và biên chế, tiết giảm về ngân sách, bởi đã có nơi "khoe" sắp xếp tốt lắm, nhưng chi thường xuyên không giảm.

DANH TRỌNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên