29/12/2015 09:31 GMT+7

Chống cái ác, thành lũy gia đình đỡ không nổi

HỮU CHƠN
HỮU CHƠN

TT - Ngay trong thành lũy tưởng chừng an toàn ấy,  những thành viên trong gia đình dễ dàng chứng kiến vô số bạo lực trên mạng. Ra đường, những hình ảnh bạo lực cũng đâu có hiếm...

Chỉ là một va chạm nhẹ trong khi tham gia giao thông trên đường Trường Chinh (Q.Tân Bình, TP.HCM), hai bạn trẻ này đã không ai nhường ai, lời qua tiếng lại vài câu rồi lao vào ẩu đả trong sự chứng kiến của người đi đường - Ảnh: Hoài Linh
Chỉ là một va chạm nhẹ trong khi tham gia giao thông trên đường Trường Chinh (Q.Tân Bình, TP.HCM), hai bạn trẻ này đã không ai nhường ai, lời qua tiếng lại vài câu rồi lao vào ẩu đả trong sự chứng kiến của người đi đường - Ảnh: Hoài Linh

Một điều đáng sợ: chỉ 2 trong 10 người Việt sẵn sàng ngăn chặn cái ác. 

Đúng là ngăn “cái ác” phải bắt đầu từ gia đình, nhưng chỉ gia đình - thành lũy đầu tiên của giáo dục - chưa đủ giúp con người tránh xa cái ác.

Không hiếm những thanh thiếu niên sinh ra, lớn lên trong các gia đình có nề nếp, giáo dục, đến khi ra ngoài xã hội vẫn bị tiêm nhiễm nhiều thói hư, tật xấu.

Các bạn trẻ có thể bị ảnh hưởng bởi những nội dung bạo lực xuất hiện tràn lan trên mạng mà bất cứ ai cũng dễ dàng truy cập bằng thao tác đơn giản. Nhiều mạng xã hội được lập ra với mục đích kết nối, giúp người dùng chia sẻ cảm xúc.

Thế nhưng, việc sử dụng không đúng cách của nhiều người đã khiến nó bị lạm dụng. Tệ hơn, nó trở thành nơi không ít người trút giận, xả stress.

Nhiều vụ mâu thuẫn xuất phát từ việc “chat chit” dẫn đến những trận “khẩu chiến” và cuối cùng là gặp nhau “quyết chiến”. Câu chuyện hai cô gái hẹn nhau ra phố đi bộ Nguyễn Huệ, TP.HCM để “giải quyết” cách đây không lâu là một ví dụ.

Một nguyên nhân không kém phần quan trọng khiến cái ác sinh sôi chính là sự vô cảm. Gần đây, tôi chứng kiến một trường hợp tai nạn giao thông: người bị xe đụng nằm bất tỉnh, chiếc xe máy biến dạng, vậy mà hàng chục người hiếu kỳ chỉ dừng lại xem và bàn tán. Tôi phải kêu gọi khản cổ mới có người đồng ý phụ giúp và tự hỏi: vụ tai nạn quá rõ ràng, chẳng lẽ cũng sợ là giả?

Vậy nên dễ hiểu tại sao một cô gái phát hiện kẻ gian mở khóa lấy trộm xe máy, kêu cứu đến tuyệt vọng mà hàng trăm người đi đường không ai có ý định đuổi theo.

Hoặc hai thanh niên giật phăng dây chuyền vàng của một phụ nữ mà tên ngồi sau xe còn “tự tin” giơ sợi dây lên như giễu cợt, chẳng hề có biểu hiện gì sợ sệt, bởi chúng thừa hiểu hiếm ai dám truy bắt. Tâm lý “yên thân” vô tình làm cái ác được thể lấn lướt.

Để chống lại cái ác, các cơ quan bảo vệ pháp luật cần tuyên truyền, phổ biến cho người dân những phương thức, thủ đoạn gây án của tội phạm và biện pháp phòng ngừa. Tập huấn, trang bị kỹ năng cần thiết giúp quần chúng biết cách phản kháng mà đúng luật (phòng vệ chính đáng) và đảm bảo an toàn tính mạng cho mình.

Những người chứng kiến sự việc xảy ra (nhân chứng) nên tích cực hợp tác với cơ quan điều tra bằng cách cung cấp đầy đủ, trung thực thông tin liên quan đến vụ việc... Đây cũng là một cách thiết thực góp phần đẩy lùi cái ác.

Nhưng chúng ta không nên nhìn đời bằng một màu xám xịt. Cuộc sống luôn có nhiều người tốt, những tấm gương nghĩa hiệp. Vừa qua, nhóm “hiệp sĩ” ở Bình Dương liên tục bắt được nhiều đối tượng gây án chính là niềm tin để chúng ta sống lạc quan hơn.

Chung tay cảm hóa thanh thiếu niên hư

Từ ý tưởng của cố bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh, sáu năm qua, tại Đà Nẵng “liên ngành” Công an TP, Thành đoàn và Hội Cựu chiến binh đã thực hiện phong trào cảm hóa thiếu niên hư, vi phạm pháp luật.

Sáng 28-12, gặp bạn N.V.D. (quận Sơn Trà, Đà Nẵng), chúng tôi không nhận ra D. từng nghiện game và có tật xấu. Từ năm 2010, D. được các đoàn viên của đoàn phường gặp gỡ động viên, hỗ trợ tiền để D. học tiếp hệ giáo dục thường xuyên. Sau đó, D. được các anh chị đưa vào cơ sở Đoàn.

Với sự hoạt động tích cực, giờ D. đã là bí thư chi đoàn khu dân cư. Kể về cách làm, anh Hồ Tấn Phước - bí thư Đoàn phường Nại Hiên Đông - cho biết: “Chúng tôi lên danh sách các thanh thiếu niên chậm tiến, sau đó gặp gỡ các em và gia đình để nghe các em nói về nguyện vọng. Nếu các em muốn học nghề, học văn hóa hoặc đi làm thì chúng tôi hỗ trợ kinh phí nhưng không trao tiền mặt. Chẳng hạn, nếu các em học nghề, chúng tôi sẽ đến cơ sở nộp tiền học cho các em”.

Sau năm năm (2009-2014) thực hiện công tác giáo dục, cảm hóa thiếu niên hư, vi phạm pháp luật trên địa bàn, liên ngành Thành đoàn, Hội Cựu chiến binh và Công an TP đã quản lý, cảm hóa, giáo dục 499 em, trong đó có 431 em từng bước thay đổi lối sống của mình.

ĐOÀN CƯỜNG

* LS Phạm Quốc Hưng (Đoàn luật sư TP.HCM):

Công lý sáng tỏ, ngăn được cái ác

Cái xấu cái ác đến từ đâu? Phải chăng là từ gia đình, từ sự dạy dỗ hoặc thiếu trách nhiệm, thậm chí là gương xấu của cha mẹ? Cha mẹ xấu không chỉ là những người “rõ ràng” xấu, mà nguy hại hơn là những người có cái vỏ ngoài tốt đẹp, được tôn trọng mà thực chất lại là kẻ gian tham biển lận thì tác hại tới đứa trẻ càng lớn hơn! Còn nhà trường?

Bên cạnh những thầy cô hết lòng quan tâm giáo dục học trò, cũng không ít nhà trường chỉ là nơi dạy chữ, thậm chí là nơi “bán chữ” mua danh. Một nền giáo dục không ổn định vẫn không tìm ra cách thức tốt nhất để đào tạo, thi cử thì làm sao có kết quả tốt đẹp được!

Vậy còn xã hội? Các trò chơi bạo lực, những bộ phim, những chương trình văn nghệ giải trí đầy rẫy cảnh chém giết xuất hiện cả trên một số kênh truyền hình chính thống.

Những hình ảnh như thế trong xã hội đã tác động đến con người, tạo ra cái xấu cái ác. Thế nên việc trừng trị cái ác cái xấu nghiêm minh, bảo vệ người lương thiện là điều quan trọng nhất. Muốn vậy, hoạt động của các cơ quan quyền lực, cơ quan tố tụng và cả hoạt động luật sư phải được chú trọng, chấn chỉnh tốt hơn, công lý sáng tỏ hơn, pháp luật pháp chế được tôn trọng hơn.

* ThS Trần Đan Tâm (phó giám đốc phụ trách Trung tâm Xã hội học, Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ):

Cần hành động đồng bộ

Một trong những yếu tố có ảnh hưởng rộng rãi chính là truyền thông, nhưng mạng xã hội với khả năng lan tỏa nhanh và chế tài lỏng lẻo, đòi hỏi cá nhân phải có khả năng chọn lọc thông tin. Bên cạnh đó, truyền thông với vai trò người chọn lọc, người hướng dẫn, người gác cửa đang có những ưu thế lớn.

Tuy vậy, tiếng nói của truyền thông nhiều khi đưa đến những ngộ nhận xã hội, ví dụ như: khi có một sự việc bạo lực (vụ án) nào đó xảy ra, người ta hay tìm một “vật hiến tế” để lý giải cho hành vi của nhân vật, như nhiễm game bạo lực, xem phim hành động.

Thực tế hành vi bạo lực không phải bột phát tức thời, không thể quy kết cho phim ảnh hay game là nguyên nhân duy nhất gây nên bạo lực xã hội, mà cần xem xét nó ở nhiều khía cạnh tác động trên bình diện cá nhân cũng như toàn xã hội.

Không thể nói đến trách nhiệm riêng lẻ mà phải là hành động đồng bộ của cả ba môi trường là gia đình - nhà trường - xã hội để lý giải và giải quyết các hành vi lệch lạc. Trong đó truyền thông đại chúng, như là một yếu tố quan trọng của môi trường xã hội, cần tiếp sức tạo thành dư luận xã hội, góp phần hình thành hệ giá trị và sự đồng thuận xã hội cao.

K.YÊN ghi

HỮU CHƠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên