02/07/2005 06:02 GMT+7

Chống in lậu sách giáo khoa: Hạ giá để tự cứu mình

Theo Tiền Phong
Theo Tiền Phong

Giá bán ra thị trường của một bộ sách giáo khoa lớp 1 (bao gồm 6 cuốn in 4 màu, 2 màu) là 35.000đ. Với giá bán như vậy, những đối tượng muốn in lậu SGK đành phải “bó tay”.

z2orRcDR.jpgPhóng to
Giá bán ra thị trường của một bộ sách giáo khoa lớp 1 (bao gồm 6 cuốn in 4 màu, 2 màu) là 35.000đ. Với giá bán như vậy, những đối tượng muốn in lậu SGK đành phải “bó tay”.

Hạ thấp giá thành và nâng cao chất lượng - đó phải chăng là giải pháp có tính quyết định nhất trong cuộc đấu tranh chống in lậu SGK hiện nay?

In lậu sách quá dễ?

Theo nhận xét của những người công tác trong nghề in, hoạt động in lậu có lúc có vẻ ngang nhiên đến “khó hiểu”. Tại Hội nghị chống in lậu, phát hành trái tuyến sách giáo khoa (SGK) khu vực phía Bắc (Hà Nội, 24-6-2005), ông Lê Thế Nghĩa - Chủ tịch công đoàn ngành in - đã bày tỏ thái độ ngạc nhiên về sự tồn tại của một số “nhân vật” mà “ai cũng biết là kẻ in lậu”. Họ giàu có, sang trọng và lúc nào cũng “nhởn nhơ” với “nghề in lậu”!?

Sự nhạy bén thị trường và nắm bắt thông tin nhanh của họ khiến ông Nghĩa hồ nghi: “Những kẻ in lậu dường như không “làm ăn” đơn lẻ mà có hẳn một tổ chức đại loại như “hiệp hội” mà các cơ quan chức năng chưa khám phá ra?”.

Đúng là có một số kẻ thật sự “nhởn nhơ”. Chẳng hạn như trường hợp Nguyễn Hữu Chiến - một ví dụ có tính “kinh điển” về chân dung kẻ in lậu. Năm 1995, Nguyễn Hữu Chiến ngang nhiên in lậu hàng chục đầu sách giáo khoa (với số lượng 3 vạn bản) tại cơ sở in số 2 đường Bắc Sơn (Hà Nội). Khi các cơ quan chức năng phát hiện, Chiến bị bắt nhưng chỉ bị... xử phạt hành chính. Năm 1998, Chiến lại tiếp tục thuê Công ty in Hà Nam in lậu SGK. Khi số sách này đang được đóng xén ở Hà Nội thì bị cơ quan chức năng phát hiện. Chiến bị phạt 1 năm tù.

Tại hội nghị trên, ông Nguyễn Đăng Quang - Phó Tổng giám đốc NXB Giáo dục - cho biết: “Ra tù, Chiến vẫn tiếp tục in lậu”. Theo đánh giá của ông Quang thì “in lậu đã trở thành một đại nạn, một căn bệnh trầm kha”. Bộ Văn hóa - Thông tin cũng như NXB Giáo dục tổ chức hết hội nghị này đến hội nghị khác để bàn bạc cách chống in lậu nhưng rồi nạn in lậu vẫn hoành hành. Chiếm khoảng trên 3/4 số bản sách được in hàng năm trên toàn quốc, NXB Giáo dục là nạn nhân lớn nhất của những kẻ in lậu.

Cho đến nay, luật pháp vẫn chưa xem việc sách in lậu là hàng giả nên hình phạt dành cho các đối tượng vi phạm nói chung là còn nhẹ so với tội trạng và lợi nhuận thu được từ hành vi in lậu. Chính bà Nguyễn Thu Nga - Phó Cục trưởng Cục A25, Bộ Công an - cũng thừa nhận, một trong những nguyên nhân khiến tình trạng in lậu chưa ngăn chặn được triệt để là vì “biện pháp xử lý với hoạt động in lậu còn nhẹ, chưa có tác dụng răn đe những kẻ cố tình vi phạm”.

Tự cứu mình

Một nguyên nhân khiến các cơ quan chức năng khó phát hiện các cơ sở có hoạt động in lậu, đó là Việt Nam chưa xây dựng được một hệ thống tiêu chuẩn đối với sản phẩm sách. Vì thế, các công nhân trong các cơ sở in đó không biết được mình đang in sản phẩm hợp pháp hay in lậu.

Duy nhất chỉ có NXB Giáo dục tự xây dựng được cho mình một hệ thống tiêu chuẩn chất lượng riêng. Tất cả các cuốn sách được in ra của NXB Giáo dục đều sử dụng kí hiệu chống in giả ở góc trong sách với các mã số riêng cho từng nhà in (cách này đã từng phát huy tác dụng nhiều lần khi lãnh đạo NXB được các công nhân gọi điện báo họ đang in sách không có kí hiệu này).

Ngoài ra, trên các cuốn sách của NXB này đều có mã số NXB, mã số Cục Xuất bản, mã vạch. Còn việc sử dụng bìa đặc chủng và tem chống giả thì đã làm từ nhiều năm nay. Nhưng theo một lãnh đạo NXB, hiện nay trên thị trường cũng đã có tem chống giả... giả.

Tuy nhiên, giải pháp về chất lượng và giá được lãnh đạo NXB Giáo dục đúc kết là nhóm giải pháp “có tính quyết định” trong cuộc chống in lậu sách giáo dục. SGK Tiểu học phần lớn được in 2 màu và 4 màu - điều này gây cản trở không nhỏ cho hoạt động in lậu. Chất lượng sách của NXB này được bảo hành trên toàn quốc: nếu bạn đọc mua phải sách in hỏng do lỗi in thì có thể được đổi lấy sách tốt, ngoài ra còn được tặng thêm 3 quyển vở 96 trang.

Đặc biệt, với việc hạ giá sách ở mức khó có thể hạ hơn, công tác chống in lậu SGK đã đạt hiệu quả cao. Ví dụ, giá bán ra thị trường của một bộ sách giáo khoa lớp 1 (bao gồm 6 cuốn, trong đó có nhiều cuốn in 4 màu, 2 màu) là 35.000 đ. Với giá bán như vậy, những đối tượng muốn in lậu SGK đành phải “bó tay” vì nếu chỉ in từ 1.000 - 2.000 cuốn/ lần (số lượng mà những người in lậu vẫn thường in) thì không thể có lời.

Theo Tiền Phong
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên