08/09/2023 09:03 GMT+7

Chủ động, sáng tạo đổi mới giáo dục: Quyền của trường tới đâu?

'Chủ động, sáng tạo đổi mới giáo dục tới đâu, điều quan trọng nhất là mục tiêu và động lực của các trường. Nếu thấy cần, luôn tìm được cách'.

Học sinh Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3, TP.HCM) trong lễ khai giảng sáng 5-9 - Ảnh: DUYÊN PHAN

Học sinh Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3, TP.HCM) trong lễ khai giảng sáng 5-9 - Ảnh: DUYÊN PHAN

Chia sẻ với Tuổi Trẻ về từ khóa "chủ động, sáng tạo" mà Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn đề cập vào ngày khai giảng năm nay, cô Lê Tuệ Minh - chủ tịch hội đồng giáo dục Trường phổ thông liên cấp Edison (Hưng Yên và Hà Nội) - cho rằng đó là cơ hội được trao thêm quyền nhưng cũng nhận thêm nhiều thách thức.

Cô Lê Tuệ Minh chia sẻ: Một chương trình mở, cho phép nhà trường chủ động, sáng tạo là điều tôi - với tư cách một nhà quản lý giáo dục - mong đợi. Thực chất ở khối trường tư, từ trước khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018, chúng tôi đã phải chủ động để tạo nên "lối đi riêng", tối ưu hóa từ kết cấu, nội dung, phân phối chương trình, phương pháp giảng dạy và bổ sung nguồn học liệu để đạt hiệu quả phát triển kỹ năng và năng lực thực chất cho học sinh.

Dù tự tối ưu hóa theo cách riêng thì vẫn gặp nhiều trở ngại về khung cơ chế quy định cho tới khi Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 được bắt đầu áp dụng chung trên cả nước kể từ năm học 2019-2020, cho phép các nhà trường mở rộng biên độ của sự chủ động, sáng tạo.

Tận dụng hết quyền được trao

Cô Lê Tuệ Minh

Cô Lê Tuệ Minh

* Và các nhà quản lý giáo dục cấp trường có thể tận dụng cơ hội như thế nào, thưa cô?

- Giờ đây nếu tận dụng hết quyền, mỗi trường có thể có một kế hoạch giáo dục khác biệt để phát triển năng lực và phẩm chất cho học sinh dựa trên chương trình cốt lõi của Bộ GD-ĐT ban hành. Đó là bức tranh sinh động và tạo ra sự cạnh tranh lớn hơn so với trước đây. 

Tuy nhiên, để làm được điều đó, trước tiên mỗi trường phải có định hướng và chốt được kế hoạch triển khai chương trình chi tiết hằng năm của riêng trường để chủ động đưa tới cho từng môn học, từng giáo viên thống nhất triển khai trong năm học.

* Cô có thể chia sẻ cụ thể hơn?

- Trên cơ sở Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 và các căn cứ khác như các bộ sách giáo khoa (SGK) hiện hành, các quy định về kiểm tra đánh giá mới... thì từ mức độ nhà trường, các bước triển khai sẽ lần lượt như sau:

Hội đồng giáo dục nhà trường và ban giám hiệu đưa ra định hướng chung về mục tiêu giáo dục chung và mục tiêu của riêng trường và định hướng về kế hoạch và các nguồn lực triển khai. Sau đó, từng tổ bộ môn/nhóm tổ bộ môn, từng giáo viên chủ động nghiên cứu chương trình và các nguồn học liệu, thảo luận và chủ động đề xuất các phương án triển khai kế hoạch dạy học bộ môn.

Giữa hội đồng giáo dục, ban giám hiệu và các tổ chuyên môn có rất nhiều buổi thảo luận, thậm chí là tranh luận nảy lửa mỗi mùa hè trước khi bắt đầu năm học mới để đưa ra quyết định cuối cùng về kế hoạch dạy học của từng bộ môn/nhóm bộ môn sẽ triển khai trong năm học.

Để đưa một kế hoạch giáo dục sáng tạo vào triển khai trên thực tế là cả một quá trình kết hợp và thống nhất giữa ban lãnh đạo nhà trường và từng tổ/nhóm bộ môn đến giáo viên. Kế hoạch giáo dục là một tổng thể phức tạp từ chủ trương, mục tiêu đến cách thức triển khai, rồi kiểm tra, đánh giá, kết quả đầu ra... Không thể hô hào đổi mới đi là giáo viên đổi mới sáng tạo được.

Duy trì sự "chủ động, sáng tạo"

* Gần đây, những vấn đề về SGK cho thấy phần lớn giáo viên và các trường vẫn lệ thuộc vào nội dung, trình tự SGK để dạy học. Vậy theo cô, sự "chủ động, sáng tạo" trong việc sử dụng SGK và nguồn học liệu nói chung cần thế nào cho xứng với "quyền" được trao?

- SGK cũng quan trọng vì nó là căn cứ chung của cả nước. Và vì nó quan trọng nên mới là tài liệu phải bộ trưởng Bộ GD-ĐT phê duyệt mới được sử dụng. Nhưng tôi được biết Bộ GD-ĐT cũng không yêu cầu các trường bắt buộc phải sử dụng SGK như tài liệu dạy học duy nhất và không phải SGK viết gì thì dạy nấy, đúng trình tự và nội dung. 

Nếu ở các trường mà lãnh đạo nhà trường đã tổ chức thiết kế và duyệt một kế hoạch giáo dục tổng thể như tôi nói ở trên thì giáo viên tự khắc sẽ hiểu công việc của mình thế nào. Họ cũng biết không phải chỉ dựa vào SGK để dạy học mà phải căn cứ vào kế hoạch giáo dục chi tiết của nhà trường để hình dung mình phải chuẩn bị và thực hiện ra sao.

Hiện nay học liệu số cho các môn học ở cấp phổ thông, đặc biệt là học liệu tương tác nhiều, rất sinh động để giúp giáo viên và học sinh hiểu dễ dàng và kỹ hơn về các nội dung học tập trong khai thác. 

Mỗi nhà trường, mỗi giáo viên có thể khai thác để chọn lọc tài liệu cần cho việc xây dựng chương trình hay bài giảng. Điều này cũng thuận lợi cho giáo viên trong việc lựa chọn, áp dụng các phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá khác nhau.

* Trong giai đoạn chống dịch COVID-19, những từ khóa như "chủ động, linh hoạt" cũng từng được sử dụng trong việc ứng dụng công nghệ thông tin để chuyển trạng thái dạy học. Nhưng sau đại dịch, việc này cũng bị bỏ quên. Theo cô, có cách nào để sự "chủ động, sáng tạo" có thể được duy trì bền vững?

- Điều quan trọng nhất là mục tiêu và động lực của các trường. Nếu thấy cần, luôn tìm được cách. Còn nếu không thấy đó là cần thiết thì sẽ bỏ qua. Đối với trường tư chúng tôi luôn thấy thiếu thời gian để thực hiện các mục tiêu giáo dục, ứng dụng công nghệ trong giáo dục, đặc biệt là dạy học kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến thực sự là một ứng dụng lớn phát huy mạnh mẽ và vô cùng hiệu quả cả trong đào tạo giáo viên và học sinh.

Với học sinh, ngoài giờ học trên lớp, hệ thống trực tuyến có thể sử dụng cho một số nội dung học tập e-learning, triển khai các dự án học tập để giáo viên giao việc, giao bài tập, nhận lại sản phẩm học tập và chữa bài, thảo luận về kết quả thực hiện của học sinh...

Với giáo viên, toàn bộ các khối lượng công việc quản lý chung, hành chính, báo cáo, họp hành, trao đổi công việc đều làm trực tuyến để tiết kiệm thời gian. Thư viện số, đào tạo số, đào tạo qua e-learning và trực tuyến là những thế mạnh lớn của việc ứng dụng công nghệ giúp giáo viên được đào tạo và tự đào tạo, nâng cao trình độ tại chỗ rất hiệu quả.

Đổi mới giáo dục, vì sao trường tư làm tốt hơn trường công?

* Tại cuộc gặp gỡ với giáo viên cả nước, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã nhận xét trong cuộc đổi mới giáo dục phổ thông, nhiều trường tư làm tốt hơn trường công trong việc phát huy sự chủ động, sáng tạo. Theo cô vì sao như vậy?

- Nhiều người đều nhìn thấy so với trường công, trường tư dễ làm hơn vì chủ động được nguồn tài chính, điều kiện cơ sở vật chất tốt hơn trong việc triển khai kế hoạch giáo dục. Trường tư cũng có thể trả lương giáo viên, nhân viên theo đúng năng lực để họ gắn bó, làm việc hết sức.

Theo quy định, trường tư cũng có nhiều hơn thời gian năm học (hơn bốn tuần) để sử dụng cho các hoạt động khác nhau. Điều đó đúng. Nhưng tôi cho rằng một số trường tư đang làm tốt hơn một số trường khác nhiệm vụ đổi mới giáo dục phổ thông - chủ yếu là do trường tư phải khẳng định giá trị để thu hút người học.

Đồng thời, cũng phải xác định rõ ràng và khẳng định được "chuẩn đầu ra" của mình - chính là năng lực thực chất của những học sinh học và tốt nghiệp từ trường mình ra. Những yếu tố đó chi phối đến mục tiêu chiến lược cũng như chương trình cụ thể của nhà trường.

Diễn đàn chủ động, sáng tạo đổi mới giáo dục: Xin đừng cởi trói nửa vờiDiễn đàn chủ động, sáng tạo đổi mới giáo dục: Xin đừng cởi trói nửa vời

Làm gì khi đổi mới giáo dục phổ thông là xu thế tất yếu nhằm xoay chuyển nền giáo dục hướng tới phát triển phẩm chất và năng lực cho học sinh?

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên