14/08/2023 18:51 GMT+7

Chủ tịch Quốc hội: Vẫn cần một bộ sách giáo khoa của Nhà nước

VĨNH HÀ
và 1 tác giả khác

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ phải nghiêm túc thực hiện nghị quyết 88, trong đó yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo phải biên soạn một bộ sách giáo khoa.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ - Ảnh: GIA HÂN

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ - Ảnh: GIA HÂN

Nghiêm túc thực hiện nghị quyết 88

Chiều 14-8, phát biểu tại phiên họp giám sát chuyên đề về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã đề nghị đánh giá kỹ hơn chủ trương một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa.

"Chúng ta phải nhìn nhận lại việc này. Kinh nghiệm quốc tế đến đâu và chúng ta thực hiện như thế nào", ông Vương Đình Huệ nêu.

Về vai trò của sách giáo khoa, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho rằng sách giáo khoa chỉ là học liệu, tuy nhiên Chủ tịch Quốc hội không đồng ý. Ông nói không thể nói sách giáo khoa không quan trọng được hay người dạy muốn dạy gì thì dạy được.

"Đương nhiên sách giáo khoa có tốt đến mấy cũng không thể thay được cho người thầy, nhưng từ chương trình mới ra sách giáo khoa... Bộ sách giáo khoa quy định về nội dung, thể chế cái cốt lõi nhất của chương trình", ông Vương Đình Huệ nói.

Ông chỉ rõ việc nghị quyết 122 giải quyết tình thế lúc đó chứ không thay thế cho nghị quyết 88 về việc yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa bằng ngân sách nhà nước.

Chủ tịch Quốc hội sau đó đề nghị phải nghiêm túc thực hiện nghị quyết 88.

"Nếu Chính phủ thấy nghị quyết 88 không hợp lý thì kiến nghị sửa đổi, bổ sung cũng là việc bình thường nhưng cần phải có báo cáo đánh giá", ông Huệ nói thêm.

Đánh giá kỹ việc không biên soạn một bộ sách giáo khoa

Trước đó, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh nêu rõ nghị quyết 88 đã giao nhiệm vụ cho Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn một bộ sách giáo khoa.

Đến năm 2020 Quốc hội ra nghị quyết 122, có quy định là nếu mỗi môn học cụ thể đã hoàn thành ít nhất một bộ sách giáo khoa được kiểm định, phê duyệt theo Luật Giáo dục thì không triển khai biên soạn sách giáo khoa sử dụng ngân sách nhà nước.

Lý do trong báo cáo của Chính phủ có nêu chủ yếu là do vốn của World Bank - vốn tài trợ nước ngoài cho nên không tổ chức đấu thầu để chọn người biên soạn được.

Ông Vinh nêu rõ quan điểm của đoàn giám sát cho rằng chương trình giáo dục phổ thông mang tính pháp lệnh là đúng rồi, nhưng chương trình chỉ quy định là khung kiến thức. Còn nội dung kiến thức phổ thông đặc biệt quan trọng, thể hiện trong sách giáo khoa.

Vì vậy, nếu bộ, Chính phủ chỉ giữ vai trò phê duyệt như hiện nay sẽ chỉ là người thẩm định được nội dung đó có phù hợp hay không, nhưng trách nhiệm của Nhà nước trong việc xây dựng và phát triển nội dung đó thực hiện có được không, nếu với cách biên soạn như thế này.

Ông nêu rõ việc đoàn đề nghị Quốc hội thảo luận, xem xét việc này về nội dung kiến thức giáo dục phổ thông.

"Liệu có thể hiện vai trò của Nhà nước trong việc tổ chức biên soạn nội dung hay không hoặc chuẩn bị nội dung không? Vì trong đề nghị của đoàn đã đưa ra một phương án mang tính rất mở là chuẩn bị nội dung một bộ sách giáo khoa.

Chúng tôi kiến nghị trong tổng thể nếu Nhà nước nắm giữ nội dung của bộ sách giáo khoa nào hay quyển sách giáo khoa nào và tiền này chi từ ngân sách nhà nước thì nên miễn phí cho người dân.

Tức là không cho phép tính giá bản quyền biên soạn sách vào trong giá sách giáo khoa. Đó sẽ là một trong những yếu tố quan trọng làm giảm giá sách giáo khoa", ông Vinh nêu.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến cũng nêu rõ nghị quyết 88 đã yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức việc biên soạn một bộ sách giáo khoa.

"Bộ sách giáo khoa này được thẩm định, phê duyệt công bằng với các sách giáo khoa do tổ chức, cá nhân khác biên soạn. Như vậy, việc này ghi trong nghị quyết của Quốc hội chứ không phải muốn nói hay không được", ông Chiến nêu.

Kết luận sau đó, Phó chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Chính phủ nghiên cứu thấu đáo, đánh giá tác động, nêu rõ những khó khăn, hạn chế, làm rõ trách nhiệm khi chưa có một bộ sách giáo khoa của Nhà nước theo tinh thần nghị quyết 88.

Xem xét trình Quốc hội cho ý kiến về chủ trương, giao Bộ Giáo dục và Đào tạo phải chuẩn bị nội dung một bộ sách giáo khoa của Nhà nước theo đúng tinh thần nghị quyết 88.

Có cơ chế miễn tiền bản quyền đối với việc xuất bản bộ sách giáo khoa do Nhà nước làm chủ sở hữu quyền tác giả...

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Bộ sách giáo khoa của Nhà nước có thể tác động ‘tinh thần đổi mới’Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Bộ sách giáo khoa của Nhà nước có thể tác động ‘tinh thần đổi mới’

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nêu rõ chương trình là duy nhất, thống nhất, học liệu là đa dạng và linh hoạt, vậy có cần một bộ sách giáo khoa của Nhà nước không?

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên