21/02/2024 17:28 GMT+7

Chủ tịch Quốc hội: Xây dựng chính sách đặc thù, vượt trội phát triển công nghiệp quốc phòng

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chủ trì cuộc làm việc để tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ - Ảnh: GIA HÂN

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ - Ảnh: GIA HÂN

Ngày 21-2, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chủ trì cuộc làm việc của lãnh đạo Quốc hội với các cơ quan để tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.

Dự án luật đã được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV. Theo chương trình, dự luật sẽ được trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 7 tới.

Phát biểu tại cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ đây là dự án luật rất quan trọng, quá trình tiếp thu, chỉnh lý từ sau kỳ họp thứ 6 đến nay đã bổ sung khá nhiều điều khoản.

Trong đó có nhiều chính sách mới, đặc thù, vượt trội để phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh. Do đó, việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý, tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật phải hết sức kỹ lưỡng.

Theo Chủ tịch Quốc hội, đây là cơ hội để chúng ta có thể hoàn thiện hành lang pháp lý cho sự phát triển nền công nghiệp quốc phòng, an ninh theo hướng lưỡng dụng, kết hợp chặt chẽ với công nghiệp dân sinh, trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia như nghị quyết 29 của trung ương.

Theo ông Huệ, dự luật này không chỉ có ý nghĩa với riêng công nghiệp quốc phòng, an ninh mà còn với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đặc biệt là việc củng cố, tăng cường tiềm lực về quốc phòng, an ninh...

Kết luận cuộc làm việc sau đó, Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao ý kiến, ghi nhận sự nỗ lực, tâm huyết và trách nhiệm cao của cơ quan thẩm tra trong giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật.

Trong đó đã nghiên cứu, đề xuất bổ sung nhiều chính sách mới, vượt trội so với dự thảo luật trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6.

Ông nhất trí cho rằng đây là dự luật khó, bởi luật "gốc" về công nghiệp quốc gia hiện chưa có.

Hai pháp lệnh về công nghiệp quốc phòng và động viên công nghiệp cũng đã được ban hành từ khá lâu, nhiều quy định đã không còn phù hợp với yêu cầu thực tiễn và các quan điểm, chủ trương mới của Đảng.

Vì vậy, dự luật này khó có thể quy định chi tiết, cụ thể tất cả các nội dung, mà nên chấp nhận việc sẽ có những quy định mang tính chất nguyên tắc, khung để làm cơ sở cho việc quy định cụ thể hơn trong các luật liên quan hoặc hướng dẫn chi tiết tại các văn bản dưới luật.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Quốc phòng và An ninh chủ trì, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, các ủy ban của Quốc hội, các bộ, ngành liên quan tiếp thu tối đa ý kiến tại cuộc làm việc, giải trình thỏa đáng, lựa chọn phương án tối ưu để tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật.

Theo báo cáo, dự luật mới nhất gồm 7 chương, 86 điều. So với bản trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6, dự luật hiện đã bổ sung 15 điều và bỏ 2 điều, bổ sung mục 7 vào chương II về tổ hợp công nghiệp quốc phòng.

Bố cục các mục mới về phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh lưỡng dụng, chế độ chính sách về khoa học công nghệ; chỉnh sửa nội dung và kỹ thuật lập pháp ở nhiều điều, sắp xếp, bố cục lại một số điều.

Đại tướng Phan Văn Giang lưu ý về đổi mới, đột phá nhiệm vụ huấn luyện trong quân độiĐại tướng Phan Văn Giang lưu ý về đổi mới, đột phá nhiệm vụ huấn luyện trong quân đội

Đại tướng Phan Văn Giang lưu ý Bộ Tổng tham mưu tiếp tục chỉ đạo việc đổi mới, đột phá nhiệm vụ huấn luyện theo nghị quyết của Quân ủy Trung ương về nâng cao chất lượng huấn luyện giai đoạn 2023 - 2030 và những năm tiếp theo.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên