28/03/2012 10:38 GMT+7

Chuẩn bị gì trước khi kinh doanh riêng?

HUỲNH NGỌC ÁNH(tổng giám đốc Công ty Career Vision)
HUỲNH NGỌC ÁNH(tổng giám đốc Công ty Career Vision)

TTO - * Em là kỹ sư điện mới ra trường, chuyên ngành giám sát thi công các công trình điện, nhà cao tầng... Em dự định sẽ mở công ty và làm riêng, nhưng không biết nên làm mảng kinh doanh thiết bị điện hay làm kỹ thuật.

udgRg4TL.jpgPhóng to
Trước khi làm chủ, hãy đi làm công để tích lũy kinh nghiệm - Ảnh: wordpress.com
TTO - * Em là kỹ sư điện mới ra trường, chuyên ngành giám sát thi công các công trình điện, nhà cao tầng... Em dự định sẽ mở công ty và làm riêng, nhưng không biết nên làm mảng kinh doanh thiết bị điện hay làm kỹ thuật.

Em cũng định trong thời gian tới sẽ học MBA quốc tế vì khả năng tiếng Anh của em rất tốt. Về kỹ năng mềm, em có khả năng quản lý và giao tiếp tốt (em làm lớp trưởng suốt 4 năm đại học). Xin chuyên gia tư vấn cho em một hướng đi, em xin cảm ơn!

(khanhtuan_qn@)

- Là sinh viên mới ra trường, nếu thật sự muốn phát triển nghề nghiệp theo hướng kinh doanh riêng trong lĩnh vực chuyên môn của mình, bạn nên bắt đầu từ những công việc nhỏ nhất tùy theo cơ hội mình có được.

Nếu bắt đầu từ việc làm kỹ thuật, bạn chỉ nên làm việc để học hỏi chuyên môn một thời gian ngắn (khoảng 1-2 năm) để nắm những kỹ thuật cơ bản cần thiết phục vụ cho kinh doanh, chứ không cần "chôn chân" lâu trong kỹ thuật.

Nếu bắt đầu từ vị trí kinh doanh thiết bị điện, bạn cũng nên đi thực tế và để ý quan sát học hỏi những vấn đề kỹ thuật chứ không đơn thuần chỉ bán sản phẩm. Vì sau này khi ra làm kinh doanh riêng, đòi hỏi bạn phải đa năng, có kinh nghiệm thực tế bao quát từ kỹ thuật, điều hành đến kinh doanh.

Một điều nữa bạn cần lưu ý: nếu đã có ý định làm kinh doanh riêng, bạn nên ứng tuyển vào những công ty nhỏ và vừa có mô hình tương tự như công ty bạn mong muốn thành lập. Hãy tích cực làm việc và cống hiến hết mình để có nhiều cơ hội trải nghiệm qua nhiều việc từ thấp đến cao, qua đó rút kinh nghiệm cho mình từ những thành công cũng như thất bại của công ty.

Bên cạnh đó, hãy làm việc với cái nhìn của người quản lý và của người chủ chứ không chỉ là với thái độ đi làm thuê, có như vậy bạn mới mau chóng học hỏi được và nhanh chóng trưởng thành một cách toàn diện đủ sức vận hành công ty riêng cho mình.

Sau khi trải nghiệm công việc ở công ty nhỏ và vừa, bạn có thể xin vào làm ở các công ty có quy mô lớn có hoạt động bài bản hơn và học cách tổ chức của họ để sau này có thể xây dựng và phát triển công ty của mình một cách chuyên nghiệp, đưa công ty ngày càng phát triển xa hơn nữa.

Nếu muốn, bạn có thể học MBA nhưng nên nhớ rằng bằng cấp gần như không có ý nghĩa gì khi đi làm kinh doanh. Việc học cao học quản trị kinh doanh có thể giúp bạn hệ thống hóa kiến thức và kinh nghiệm sau một thời gian làm việc, không nên đi học MBA ngay khi chưa có kinh nghiệm thực tế.

Bạn cũng cần lưu ý, nếu đã quyết tâm mở doanh nghiệp riêng thì nên thực hiện sớm sau 5-10 năm làm việc, đừng đợi quá trễ sẽ không kịp. Việc kinh doanh phần lớn dựa trên uy tín cá nhân và mối quan hệ khách hàng, do đó bạn nên chú tâm xây dựng uy tín cá nhân và tích lũy mối quan hệ khách hàng tốt ngay từ lúc này, sẽ rất có lợi cho bạn sau này.

Chúc bạn thành công!

Mọi thắc mắc liên quan đến vấn đề lương bổng, kỹ năng nghề nghiệp, phỏng vấn xin việc... bạn đọc gửi về chương trình "Tư vấn việc làm" tại địa chỉ: tto@tuoitre.com.vn Để chính xác về nội dung, vấn đề cần hỏi, bạn đọc vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

HUỲNH NGỌC ÁNH(tổng giám đốc Công ty Career Vision)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên