08/08/2013 07:23 GMT+7

Chừng nào hết lo ăn nhầm chất độc?

MAI HƯƠNG
MAI HƯƠNG

TT - Nhiều con số, sự bức xúc được chia sẻ tại hội nghị chuyên đề về tình hình an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn TP.HCM diễn ra ngày 7-8. Đến bao giờ người dân mới gỡ được mối lo món ăn trông đẹp mắt, ngon miệng trước mặt mình có thể gây hại cho sức khỏe?

Bún có chất độc: Cần giải quyết từ gốcHoang mang với bún

x9cMz7Kp.jpgPhóng to
GS Chu Phạm Ngọc Sơn cảnh báo: nhiều thực phẩm có nguy cơ không an toàn cho sức khỏe - Ảnh: MAI HƯƠNG

“Những số liệu tôi sắp nói ra chỉ có tính chất tham khảo vì đó là kiểm nghiệm của một đơn vị độc lập là Công ty cổ phần dịch vụ khoa học công nghệ sắc ký Hải Đăng (Công ty Hải Đăng) chứ chưa phải kết quả khảo sát của cơ quan chức năng. Nhưng tôi, với tư cách người làm khoa học, xin khẳng định những thông tin này hoàn toàn trung thực” - GS Chu Phạm Ngọc Sơn, phó chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật TP.HCM, chủ tịch hội đồng khoa học công nghệ Công ty Hải Đăng, mở đầu phần trình bày của mình. Tuy nhiên, những thông tin “mang tính chất tham khảo” của GS Sơn khiến rất nhiều người chú ý.

Có sự thả nổi

Theo GS Sơn, kết quả phân tích thuốc thú y trong các mẫu do khách hàng mang đến Công ty Hải Đăng để phân tích cho thấy về mức độ nhiễm chất chloramphenicol trong thực phẩm là hơn 35%, tỉ lệ này trong tôm là 13,2%, cá 14,2%. Mức độ nhiễm enrofloxacine trong thực phẩm và nguyên liệu lên đến 67%, trong cá gần 20%, tôm 11,8% và trong các loại thủy sản khác 62,5%. Đáng lưu ý, chất chloramphenicol là thuốc thú y bị nước ngoài cấm hẳn, không được có trong thực phẩm vì sự tích lũy theo thời gian trong cơ thể người sẽ gây hiện tượng lờn thuốc, khiến người bệnh không thể điều trị bằng kháng sinh. “Thời gian trước, đến hơn phân nửa số mẫu kiểm nghiệm bị nhiễm chất này. Hiện nay, do nước ngoài cấm nên hàng xuất khẩu của ta thì không bị nhiễm, nhưng thực phẩm bán trong nước vẫn bị thả nổi” - GS Sơn bức xúc.

"Kết quả kiểm nghiệm cho thấy có 72% mẫu bún đạt yêu cầu - đó là kết quả cách đây 10 ngày, hiện nay còn tốt hơn. Nhiều khi sau những sự cố như thế này, bộ máy của chúng ta cực hơn nhưng năng nổ và tích cực hơn"

Ông Huỳnh Lê Thái Hòa (chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP.HCM)

Về thông tin bún, bánh phở, bánh canh nhiễm chất phát sáng gây xôn xao dư luận, GS Sơn cho biết qua một số kiểm nghiệm dựa trên kỹ thuật HPCL-MS/MS mới phát hiện được chất tinopal CBS-X trong các sản phẩm từ gạo. “Chất này khi đã dính trong bún là rất khó tách. Đây là chất huỳnh quang tăng sáng, ở các nước chỉ được dùng trong công nghệ sản xuất bột giặt, chất tẩy rửa, tuyệt đối không dùng trong chế biến thực phẩm, không hiểu sao ở nước ta lại có cách làm bún thế này” - GS Chu Phạm Ngọc Sơn cho hay. Khi mới rộ lên thông tin bún có chất phát sáng vào khoảng cuối tháng 6-2013, có gần 100% số mẫu bún được kiểm nghiệm tại Công ty Hải Đăng bị nhiễm tinopal. Đến tháng 7, có 46/146 mẫu nhiễm (chiếm 31,5%). Những ngày đầu tháng 8, chỉ còn 8/144 mẫu kiểm tra phát hiện có tinopal (chiếm 5%).

“Về màng bọc thực phẩm nhiễm chất hóa dẻo DEHA (có thể gây vô sinh, dậy thì sớm ở bé gái), khách hàng có đưa đến cho chúng tôi 18 mẫu thì đến 11 mẫu có nhiễm DEHA. Chúng tôi còn chờ Sở Y tế chỉ đạo để đánh giá mức thôi nhiễm như thế nào” - ông Sơn thông tin.

Chuyện thực phẩm - Nhà nước phải lo cho dân

GS.TS Nguyễn Ngọc Giao, chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật TP.HCM, đặt vấn đề: “Thời gian qua, phải nói là rất cảm ơn các cơ quan báo đài khi hầu như tất cả những vụ thực phẩm nhiễm bẩn, nhiễm độc đều do báo đài phát hiện, lên tiếng trước. Tôi không biết cơ quan quản lý nhà nước có biết không, hay đợi báo chí nói rồi mới biết? Chuyện thực phẩm, Nhà nước phải lo cho dân, phải quản lý thế nào để người dân không phải lo lắng nữa”. Ông Phạm Văn Khoa, ủy viên Trung ương Mặt trận Tổ quốc VN, cũng bày tỏ: Chuyện an toàn vệ sinh thực phẩm là chuyện cũ mèm. Tâm trạng của dân là bất an. Phân tích, đánh giá, giải pháp đặt ra của cơ quan chức năng thì nghe đâu cũng thấy hợp lý. Nhưng câu hỏi rất nhẹ nhàng của người dân “Chừng nào thực phẩm an toàn, chừng nào hết lo ăn nhầm chất độc?” vẫn chưa có câu trả lời! Giáo sư Trần Đông A hỏi: “Chuyện ăn uống là hằng ngày, hằng giờ nhưng ngành chức năng mỗi năm chỉ kiểm tra một tháng thì làm sao quản lý được chất lượng?”.

Trong khi đó, ông Nguyễn Tấn Bỉnh, giám đốc Sở Y tế TP.HCM, khẳng định: ngành y tế TP xác định công tác kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm không phải là việc làm thời vụ mà là việc làm thường xuyên, bắt buộc. Bà Lê Ngọc Đào, phó giám đốc Sở Công thương TP, cho biết trong tháng 8-2013, TP sẽ tiến hành công bố những đơn vị sản xuất bún có vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Để giải quyết căn cơ vấn đề kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm, GS Chu Phạm Ngọc Sơn đề xuất: TP.HCM nên đầu tư xây dựng hẳn một trung tâm kiểm nghiệm chuẩn độc lập, không làm dịch vụ kiểm nghiệm. TP cũng cần tập hợp các phòng kiểm nghiệm có nhiều kinh nghiệm, giao cho mỗi phòng chịu trách nhiệm theo dõi thường xuyên một mặt hàng nhất định như sữa, thịt, trứng, thực phẩm chế biến từ gạo, thức ăn chăn nuôi... Hằng tháng, các phòng kiểm nghiệm giao ban thông báo với các đơn vị chức năng, khi phát hiện hiện tượng bất thường có thể có biện pháp thích ứng sẵn sàng ứng phó.

MAI HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên