22/07/2015 08:37 GMT+7

Chung tay phân loại rác

QUANG KHẢI
QUANG KHẢI

TT - Thí điểm ở Q.Tân Phú, TP.HCM với hơn 100 hộ dân tham gia, đến nay chương trình “Phân loại chất thải rắn tại nguồn” đã được mở rộng với gần 1.200 hộ dân thực hiện.

Đó là câu chuyện của đoàn viên Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị TP.HCM.

Từ thất bại, làm lại từ đầu

Phân loại rác tại nguồn không còn là cụm từ xa lạ với nhiều người dân TP.HCM, nhưng khi nói đến chương trình này người ta thường nhớ đến... thất bại nhiều hơn. Vào những năm 2005 - 2006 thấy rõ sự thất bại ở một số nơi như Q.5, Q.6.

Thời gian đầu, người dân cũng tham gia phân loại rác nhưng do sự đầu tư thiếu đồng bộ nên cuối cùng rác được phân loại nhưng khi chôn lấp thì cùng nhau. Dần dà chương trình này gần như bị quên lãng.

Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị TP.HCM là một trong những đơn vị được UBND TP.HCM giao nhiệm vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác nên lực lượng đoàn viên thanh niên công ty luôn đau đáu về chủ trương này.

“Cạnh tranh giữa các đơn vị rất quyết liệt. Đoàn thanh niên công ty nhận thấy việc phân loại rác tại nguồn là một thách thức nhưng cũng là thời cơ trong xu thế phát triển nên đã tìm cách bàn bạc thuyết phục lãnh đạo công ty cho thực hiện” - anh Cao Văn Tuấn (phó bí thư Đoàn khối doanh nghiệp TP.HCM, bí thư Đoàn Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị TP.HCM) nhớ lại.

Dù được lãnh đạo công ty ủng hộ cho thực hiện thí điểm ở đường Độc Lập, Q.Tân Phú vào thời điểm tháng 12-2013 với tổng số 120 hộ dân nhưng “kết quả tổng kết sau ba tháng thực hiện, chương trình thất bại giống như ở Q.5 và Q.6” - anh Tuấn nhìn nhận.

Lực lượng đoàn viên thanh niên công ty lại đến gõ cửa từng nhà hỏi cặn kẽ lý do vì sao người dân không tham gia chương trình. Sau khi tiếp cận nghe những phản ảnh từ thực tế, các bạn đoàn viên thanh niên công ty mới vỡ lẽ: lý do chính vẫn là bài toán kinh tế và công tác truyền thông.

Theo anh Cao Văn Tuấn, nhiều hộ dân cho rằng mình không có quyền lợi gì khi tham gia chương trình này, trong khi thực tế những loại rác có khả năng tái chế vẫn được nhiều hộ tích lũy mỗi tháng để bán, những hộ kinh doanh buôn bán lớn còn thu được vài trăm ngàn đồng từ việc bán rác này.

“Từ phản ảnh thực tế trên, Đoàn công ty nghĩ ra việc mua lại rác có thể tái chế thông qua hình thức đổi quà. Hằng tuần ghi lại lượng rác vô cơ thu gom được tại từng hộ gia đình, quy đổi ra giá thị trường tương ứng với những món quà như dầu ăn, nước mắm, bột ngọt, bột nêm, mũ bảo hiểm, phiếu mua hàng siêu thị...” - anh Tuấn cho biết.

Cần cộng đồng chung tay

Trở lại tuyến đường Độc Lập, nhiều người dân cho biết hoàn toàn ủng hộ chương trình và hứa sẽ duy trì công tác phân loại. Chị Lê Thị Mộng Thu, một hộ dân trên tuyến đường này, cho biết nhà làm buôn bán nên lượng rác cũng khá lớn.

“Từ khi tham gia chương trình, chúng tôi được tặng thêm sọt đựng rác tái chế để trong nhà. Dù mất chút xíu thời gian phân loại nhưng bù lại được lợi nhiều thứ. Chứ trước đây cứ treo rác trước cửa hầm bà lằng trong bọc nilông, những người ve chai tới bới ra tìm phế liệu, có khi mình phải mất công thêm một lần dọn dẹp” - chị Thu nói. Chị Thu cũng cho biết thêm vui nhất là ngày “tính” rác nhận quà, mà với chị Thu món quà mà chị khoái là những phiếu siêu thị với đủ loại mệnh giá khác nhau.

Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Oanh, đường Trần Hưng Đạo, cho biết đến nay đã thuần thục cách làm: rác thực phẩm cho vào bao xanh, rác giấy và thùng xốp... bỏ bao màu vàng. Cũng có người cho rằng giá quy đổi rác nhận quà còn chưa sát với giá thực tế. Với những hộ kinh doanh có số lượng phát sinh rác lớn, thời điểm thu gom rác một lần/tuần cũng chưa hợp lý.

Theo anh Cao Văn Tuấn, tránh đi vào “vết xe đổ” của các chương trình trước đây, mọi phản ảnh từ thực tế, Đoàn công ty luôn tiếp thu để có sự điều chỉnh hợp lý. Anh Tuấn cũng chia sẻ với nguồn lực kinh phí có hạn, hoạt động của chương trình mang tính công ích xã hội là chính, vì vậy trao đổi với bà con, đoàn viên luôn mong nhận được sự chung tay của cộng đồng cũng như những cơ chế từ cấp quản lý nhà nước để có thể nhân rộng chương trình có ý nghĩa này.

Từ một tuyến đường khởi đầu, câu chuyện đã lan tỏa đến các tuyến khác như Lê Khôi, Lê Lư, Tân Sơn Nhì (thuộc các phường Phú Thạnh, Phú Thọ Hòa, Tân Sơn Nhì, Q.Tân Phú). Tháng 7-2014, chương trình tiếp tục được thực hiện tại chung cư Tây Thạnh với hàng trăm hộ dân tham gia. Đến nay, chương trình tiếp tục tới với những tuyến đường khác như Cây Keo, Trần Hưng Đạo (Q.Tân Phú) và Thảo cầm viên Sài Gòn. Dự kiến mô hình sẽ được triển khai tại 14 cơ sở Đoàn trực thuộc Đoàn khối doanh nghiệp TP.HCM.

Quy trình phân loại rác tại nguồn

Rác hữu cơ được cho vào bao xanh - thu gom hằng ngày được đưa về Công ty Vietstar (Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc) sản xuất phân compost. Rác vô cơ cho vào bao màu vàng được thu gom đưa về trạm phân loại của Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị TP.HCM phân loại một lần nữa. Những loại rác có khả năng tái chế sẽ được làm sạch cung cấp cho các đơn vị tái chế, phần rác không tái chế được sẽ đưa đi đốt hoặc chôn lấp. Việc thu gom rác vô cơ mỗi tuần một lần, riêng chung cư Tây Thạnh thực hiện mỗi ngày.

QUANG KHẢI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên