11/06/2020 09:14 GMT+7

Chướng ngại trên 'cao tốc hội nhập'

LÝ KIM CHI (chủ tịch Hội Lương thực - thực phẩm TP.HCM) - TRẦN VŨ NGHI ghi
LÝ KIM CHI (chủ tịch Hội Lương thực - thực phẩm TP.HCM) - TRẦN VŨ NGHI ghi

TTO - Mất 10 năm chúng ta mới "chạy xe" vào được "cao tốc hội nhập" đúng chuẩn toàn cầu khi Hiệp định thương mại tự do VN-EU (EVFTA) được Quốc hội nhất trí bấm nút tán thành.

Nhưng một khảo sát gần đây mà chúng tôi được biết có đến 85% doanh nghiệp trong ngành lương thực - thực phẩm ở TP.HCM chưa nắm rõ kiến thức về hội nhập,

cũng như các nội dung liên quan đến các hiệp định thương mại thế hệ mới mà VN vừa được thông qua trong thời gian gần đây.

Cùng với đó là thực trạng năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong ngành còn yếu, hầu hết đều là doanh nghiệp vừa và nhỏ nên rất hạn chế về quy mô vốn, công nghệ, không có nguồn kinh phí đủ lớn để làm công tác thị trường, xây dựng chiến lược phân phối sản phẩm hay nâng cấp trình độ quản lý.

Đây là bất lợi và cũng là khó khăn, thách thức lớn nhất đối với các doanh nghiệp khi hội nhập. Sẽ rất khó nếu để doanh nghiệp phải tự "bơi" một mình, trực diện đối mặt với độ lớn mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ, đầu tư từ các nhà đầu tư nước ngoài khi tiếp cận thị trường trong nước. 

Điều này sẽ đặt các doanh nghiệp nội địa đứng trước sức ép cạnh tranh lớn hơn ngay tại "sân nhà", nên rất cần sự giúp sức tích cực hơn nữa từ Nhà nước, nhất là trong việc hỗ trợ kết nối trực tiếp giữa doanh nghiệp với các hệ thống phân phối nước ngoài để doanh nghiệp nắm rõ các tiêu chuẩn, quy định về chất lượng, bao bì, mẫu mã của mỗi mạng lưới phân phối nhằm có kế hoạch sản xuất hàng hóa phù hợp.

Thử hỏi cộng đồng doanh nghiệp sẽ "lái xe" kiểu gì trên "cao tốc hội nhập" nếu quy định mã số mã vạch không có cơ sở pháp lý vẫn được duy trì, bất chấp ý kiến phản đối, bức xúc của rất nhiều hiệp hội ngành hàng được đặt lên tận bàn Chính phủ như báo Tuổi Trẻ đã phản ảnh?

Gần hơn: cơ hội thu thêm nhiều triệu ngoại tệ bán gạo không những bị mất, mà các doanh nghiệp còn bị "lẹm" thêm cả tiền túi khi chính sách xuất khẩu gạo đã từng dừng đột ngột, không thông báo trước từ cơ quan quản lý để cộng đồng doanh nghiệp có sự chuẩn bị nhằm giảm thiểu thiệt hại nặng nề.

Hoặc một thực tiễn dù Nhà nước đã có các gói kích cầu hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn với lãi suất ưu đãi, nhưng phần lớn các gói kích cầu này doanh nghiệp thường không dễ tiếp cận, mà nguyên nhân vẫn là những vướng mắc rất cũ...

Rõ ràng những chướng ngại nói trên lý ra không được xuất hiện trong bối cảnh thị phần tiêu thụ của các doanh nghiệp trong nước ngày càng bị thu hẹp, sau rất nhiều thương vụ mua bán - sáp nhập trên thị trường đã bị thâu tóm bởi các doanh nghiệp ngoại. Và cộng đồng doanh nghiệp đang cần những "cú hích" để vực dậy guồng máy sản xuất kinh doanh vốn bị "ngấm đòn" rất nặng từ dịch COVID-19 để lại. 

Năng lực và sức cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt sẽ bớt yếu, khả năng tăng hấp thu công nghệ để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu từ các "đại lộ" EVFTA, CPTPP mang lại sẽ sáng hơn nếu các quy định không đâu vào đâu chỉ gây điêu đứng cho doanh nghiệp, vốn đang được một số cơ quan hữu trách ra sức "nắm níu" vì lợi ích riêng, phải được quyết liệt "chặt" tận gốc.

Lúc đó mới hi vọng "tài xế" có thể "lái xe" chạy bon bon trên "cao tốc hội nhập" được.

EVFTA: Việt Nam muốn sớm thực hiện EVFTA: Việt Nam muốn sớm thực hiện 'cơ hội vàng'

TTO - Ngày 8-6, Quốc hội đã chính thức thông qua Hiệp định Thương mại đầu tư Việt Nam - châu Âu (EVFTA) với 100% phiếu tán thành, mở ra cơ hội lớn cho cộng đồng doanh nghiệp và người dân tiếp cận thị trường 18.000 tỉ USD.


LÝ KIM CHI (chủ tịch Hội Lương thực - thực phẩm TP.HCM) - TRẦN VŨ NGHI ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên