01/08/2020 13:30 GMT+7

Chuyện chưa kể 20 năm thị trường chứng khoán VN - Kỳ cuối: Chắp cánh cho thị trường chứng khoán VN

BÔNG MAI
BÔNG MAI

TTO - Các nỗ lực kỳ vọng sẽ góp chắp cánh đưa chứng khoán VN sớm nâng hạng lên thị trường mới nổi trong vòng 3 năm tới.

Chuyện chưa kể 20 năm thị trường chứng khoán VN - Kỳ cuối: Chắp cánh cho thị trường chứng khoán VN - Ảnh 1.

Muốn nâng hạng, chứng khoán VN cần tăng thêm tính minh bạch - Ảnh: BÔNG MAI

“Phấn đấu sớm nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi. Đưa thị trường chứng khoán Việt Nam (TTCK VN) thành điểm đến an toàn, tin cậy, hiệu quả của các tổ chức tài chính quốc tế, các nhà đầu tư lớn trong khu vực và toàn cầu. Góp phần từng bước phát triển các trung tâm tài chính tầm cỡ khu vực, quốc tế ở nước ta" - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo nhân dịp 20 năm TTCK VN hoạt động.

"Hàng ngon" chưa bày ra chợ

Để làm được điều này, chứng khoán VN cần nhìn thẳng vào những tồn tại và cải thiện.

Ông Nguyễn Thế Minh (giám đốc phân tích Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam) nhận định thị trường VN có hơn 1.600 mã cổ phiếu niêm yết, cao hơn nhiều so với Thái Lan, nhưng lại rất ít "hàng ngon", nên không được đánh giá cao bằng họ. 

Thậm chí, kế hoạch cổ phần hóa (CPH), niêm yết lên sàn những năm qua khá ì ạch. Nhà đầu tư vòng vòng quanh nhóm VN30 (nhóm 30 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường).

Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) chia sẻ quá trình CPH và thoái vốn các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) các năm gần đây diễn ra chậm, ảnh hưởng đến nguồn cung hàng hóa cho thị trường trong thời gian qua.

Thêm vào đó, "Nhiều cổ phiếu không được pha loãng bên ngoài thị trường, bị cô đặc đến mức nhà đầu tư cá nhân khó có thể tiếp cận mua, đặc biệt là cổ phiếu niêm yết sau khi CPH" - ông Minh nói.

HOSE cho rằng tỉ lệ nắm giữ của Nhà nước trong nhiều doanh nghiệp niêm yết còn lớn, khiến tính thanh khoản cổ phiếu hạn chế so với tiềm năng doanh nghiệp. 

Ông Don Di Lam (tổng giám đốc VinaCaptial) kiến nghị cần bổ sung hàng hóa cho thị trường qua việc thêm công ty có chất lượng cao niêm yết hoặc đẩy mạnh quá trình CPH các DNNN để thu hút dòng vốn nội lẫn ngoại.

Trong 20 năm qua, không ít doanh nghiệp "thăng hoa" sau khi hoàn tất quá trình này. Điển hình như Vinamilk tăng vốn điều lệ lên 11 lần, Vietcombank tăng 33 lần... Thực tế, chứng khoán VN cũng chưa cởi mở với dòng vốn ngoại. 

Theo dữ liệu HOSE, tỉ trọng nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) góp vào tổng giao dịch vẫn còn hạn chế. Cuối năm 2019, số lượng NĐTNN tuy tăng nhưng mới chỉ đạt mức 1,45%, tỉ trọng nhà đầu tư tổ chức lại chưa cao.

Tiến sĩ Yen-Chen-Hui (giám đốc chiến lược, Yuanta Investment Consulting) nhận định đối với nhà đầu tư Đài Loan, Trung Quốc, Hong Kong... TTCK VN rất tiềm năng. 

Tuy nhiên, nhà đầu tư ngoại "chưa mê" vì: "Rất khó tìm được cổ phiếu tốt còn room để giao dịch, không thể mua, do đó cần nâng tỉ lệ sở hữu, nới room ngoại. Đồng thời, nhiều doanh nghiệp niêm yết chủ yếu hoạt động trong các lĩnh vực cũ, VN cần khuyến khích các doanh nghiệp ở lĩnh vực mới niêm yết lên sàn".

Chuyện chưa kể 20 năm thị trường chứng khoán VN - Kỳ cuối: Chắp cánh cho thị trường chứng khoán VN - Ảnh 2.

20 năm phát triển, chứng khoán VN đang cần thêm lực đẩy mới - Ảnh: T.T.DŨNG

Tranh sáng tranh tối

"Chợ" đã vắng hàng "ngon" lại còn cảnh hàng bày bán tranh tối tranh sáng thông tin. "Đứng về góc độ nhà đầu tư, minh bạch đang là rào cản ngăn họ bước vào TTCK" - ông Minh nói.

Theo đó, tồn tại trường hợp một bộ phận thành viên hội đồng quản trị đương nhiệm vốn là "người nhà" có mối quan hệ với người cũ, không đại diện cho nhà đầu tư nhỏ lẻ nói tiếng nói chung, nhóm này lại có tỉ lệ sở hữu rất cao, thông tin hoạt động kinh doanh và thanh khoản đều nắm trong tay, khiến "thao túng giá rất dễ dàng". 

Cổ phiếu doanh nghiệp có vốn hóa càng nhỏ thì khả năng thao túng càng lớn. Vì vậy, người có tiền cũng dè dặt mua nhóm này.

Bên cạnh đó, nhà đầu tư cá nhân gần như không có cầu nối với doanh nghiệp, thường chỉ tiếp cận khi gần đến đại hội cổ đông mỗi năm diễn ra một lần. Ở nhiều nước, doanh nghiệp có bộ phận quan hệ nhà đầu tư (IR) kịp thời cung cấp thông tin, trả lời thắc mắc của nhà đầu tư. Ở VN bộ phận này lại không phổ biến.

"Theo kinh nghiệm từ thị trường phát triển như Hàn Quốc, VN nên tập trung vào việc cải thiện tính minh bạch của hệ thống công bố thông tin, yếu tố này sẽ góp phần bảo vệ quyền của các cổ đông nhỏ, các nhà đầu tư cá nhân"- ông Kang Moon Kyung (tổng giám đốc Công ty chứng khoán Mirae Asset VN) chia sẻ.

Thực tế, không phải doanh nghiệp nào cũng đạt chất lượng công bố thông tin. Chỉ số ít được kiểm toán bởi bốn hãng lớn nhất thế giới (Big 4: PWC, Deloite, E&Y và KPMG). Thiếu minh bạch, dễ bị tin đồn "tổn thương", không chỉ cản bước nhà đầu tư mà cũng khiến doanh nghiệp ngần ngại lên sàn.

Kỳ vọng nâng tầm chứng khoán Việt

"TTCK VN vẫn còn non trẻ" - tổng kết 20 năm, HOSE nhận định. Về quy mô vốn hóa thị trường VN mới gần bằng 1/5 Philippines, 1/7 Indonesia và 1/8 Thái Lan.

Quy mô vốn hóa TTCK trên GDP dù tăng lên mốc 65% nhưng vẫn còn khiêm tốn, cơ cấu giữa thị trường vốn còn mất cân đối. 

Thực tế, thanh khoản trên thị trường được cải thiện nhưng vẫn tồn tại yếu tố chưa thực sự bền vững. Giá trị giao dịch còn thấp so với các thị trường trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Malaysia.

Dù vậy, không thể phủ nhận chứng khoán Việt đã tiếp thêm sức mạnh cho doanh nghiệp. Sau 20 năm, giấc mơ tỉ đô gọi tên 23 doanh nghiệp Việt đang niêm yết. Trong đó, nhóm "big three" vốn hóa trên 10 tỉ USD thuộc về Vietcombank, Vingroup và Vinhomes.

"Lúc mới ra đời TTCK VN, khó có thể hình dung chúng ta có doanh nghiệp tỉ đô. Nhưng đến nay chúng ta có trên 20 doanh nghiệp tỉ đô. Sự phát triển của TTCK cũng là điểm thăng hoa cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển" - ông Trần Văn Dũng, chủ tịch Ủy ban Chứng khoán nhà nước (UBCKNN), chia sẻ. Nhờ chứng khoán, Chính phủ cũng huy động vốn rất hiệu quả cho đầu tư phát triển.

Theo ông Dũng, "hiện nay chúng ta chưa thể nói hài lòng về chất lượng, nhưng nhìn lại giai đoạn đầu, lúc đó quản trị doanh nghiệp rất thấp, giờ đã cải thiện, xấp xỉ 50% doanh nghiệp Việt đang niêm yết đạt chuẩn quản trị doanh nghiệp theo thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, đây là con số khiêm tốn so với khu vực".

Thời gian tới là giai đoạn TTCK phát triển sâu hơn về chất để khẳng định vị trí trong nền kinh tế quốc dân. Để làm điều này, trước mắt Luật chứng khoán sửa đổi sẽ có hiệu lực vào 1-1-2021. 

Dự thảo nghị định cũng có tính răn đe hơn khi nâng mức xử phạt hành chính hành vi thao túng chứng khoán lên tới 3 tỉ đồng. Việc thành lập Sở giao dịch chứng khoán VN trong thời gian tới được kỳ vọng giúp chuyên nghiệp hóa TTCK.

Ông Dũng cho biết để bổ sung hàng hóa chất lượng, ngoài ban hành và đưa nhiều tiêu chuẩn chặt chẽ hơn về mặt phát hành, đăng ký công ty đại chúng, niêm yết, công bố thông tin, kiểm toán, cơ quan quản lý cũng nỗ lực cải tiến, dần đưa chuẩn quản trị công ty VN tiệm cận chuẩn quốc tế. 

Bộ Tài chính cũng công bố lộ trình áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế trong trình bày báo cáo tài chính (IFRS) đến 2023.

Đồng thời, UBCKNN sẽ tăng cường thanh tra, giám sát và xử lý vi phạm, đôn đốc, xử lý các doanh nghiệp không tuân thủ quy định niêm yết/đăng ký giao dịch sau khi CPH và hỗ trợ doanh nghiệp gỡ khó để sớm CPH, niêm yết.

Các nỗ lực này kỳ vọng sẽ góp chắp cánh đưa chứng khoán VN sớm nâng hạng lên thị trường mới nổi trong vòng 3 năm tới.

Ông Lê Hải Trà (phụ trách hội đồng quản trị HOSE) chia sẻ hiện nay hai sở giao dịch chứng khoán TP.HCM, Hà Nội, cùng Trung tâm lưu ký chứng khoán đang làm việc ngày đêm với nhà thầu để triển khai nền tảng hệ thống công nghệ thông tin thế hệ mới áp dụng cho toàn bộ TTCK VN.

"Các sở giao dịch chứng khoán trên thế giới nhìn vào việc VN đang làm, vì họ không có cơ hội để làm một cú "big bang" (vụ nổ lớn) thay đổi toàn bộ cái đang có, chuyển sang nền tảng công nghệ hoàn toàn mới" - ông Trà nói. Dự kiến hệ thống này chính thức vận hành trong năm tới.

Suốt mấy tháng ròng rã, phóng viên Tuổi Trẻ đã trực tiếp đi lượm rác và sống cùng xóm trọ với những mảnh đời ve chai đang ngày ngày nhặt mót miếng ăn từ những thứ người ta đổ bỏ.

Mồ hôi đẫm lưng, nước mắt loang lổ trên gương mặt cáu bẩn, nhưng cũng có cả nụ cười hạnh phúc đơn sơ của những người nhặt ve chai mà chỉ thật sự ở cùng, ăn cùng, làm cùng với họ mới thấu cảm...

MỜI ĐÓN ĐỌC HỒ SƠ ĐẶC BIỆT: ĐỜI VE CHAI - TÌM MIẾNG ĂN TỪ RÁC

Chuyện chưa kể 20 năm thị trường chứng khoán VN - Kỳ 4: Chinh phục Chuyện chưa kể 20 năm thị trường chứng khoán VN - Kỳ 4: Chinh phục 'túi tiền' nước ngoài

TTO - Những năm 2000, thuở khởi đầu thị trường chứng khoán Việt Nam (TTCK VN), có những người Việt bôn ba "đi sứ" thuyết phục từng đồng vốn ngoại chảy về nước, và một số người nước ngoài cũng tìm đến VN để ở lại gắn bó dài lâu.

BÔNG MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên