Vụ án "quý tử đua xe": Mẹ và con và...

QUỐC VIỆT 13/09/2003 18:09 GMT+7

TTCN - Bà Hà Ngọc nhấc điện thoại, giọng nhanh nhẹn của một người dày dạn thương trường. Khi nghe tôi hỏi chuyện về Trịnh Sâm Mậu, đứa con trai yêu vừa bị kết án 3 năm tù về tội tổ chức đua xe hơi gây ầm ĩ dư luận, giọng bà đột ngột trầm hẳn xuống. Tôi nghe như có tiếng nấc nghẹn trong điện thoại…

Phóng to
Mậu trước vành móng ngựa
TTCN - Bà Hà Ngọc nhấc điện thoại, giọng nhanh nhẹn của một người dày dạn thương trường. Khi nghe tôi hỏi chuyện về Trịnh Sâm Mậu, đứa con trai yêu vừa bị kết án 3 năm tù về tội tổ chức đua xe hơi gây ầm ĩ dư luận, giọng bà đột ngột trầm hẳn xuống. Tôi nghe như có tiếng nấc nghẹn trong điện thoại…

Căn nhà và cũng là nơi làm việc trên đường Lê Quang Sung của bà Ngọc bề bộn đồ đạc. Phòng tiếp khách treo tấm lịch in hình ông thần tài đang cười toe với thỏi vàng trên tay. Bà Ngọc đăm đăm nhìn tôi buồn buồn, lo lắng. Khởi đầu tâm sự về đứa con đang bị tù tội thật sự không dễ chút nào.

“Cục cưng Mậu của tôi sinh ra đúng năm Dần. Cái tuổi mà thầy bói nói thường lớn lên hoặc sẽ thành người thật giỏi giang hoặc sẽ… Vợ chồng tôi cưới nhau năm 1980. Mậu là đứa con giữa trong ba đứa con của chúng tôi.

Thuở nó khóc chào đời, chúng tôi vẫn đang chật vật làm ăn với cái cơ sở nhựa và ít công nhân. Nhìn nó đỏ hỏn, bụ bẫm, tôi đã khóc mà mừng. Đời vợ chồng chúng tôi không có điều kiện để ăn học nhiều, phải ra đời làm ăn từ quá sớm.

Mậu lớn lên, đi học cấp I, rồi cấp II trường điểm Bình Tây, cũng hiền lành, ngoan ngoãn như bao đứa trẻ khác. Bước ra là khoanh tay chào mọi người, nó về đến nhà không thấy cha thì hỏi mẹ, không thấy mẹ thì hỏi cha.

Vợ chồng chúng tôi thường bảo nhau: “Con nó có hiếu mình à!”. Mừng nhất là lúc nó đạt học sinh giỏi, khá. Quyết tâm cho con ăn học, tôi không để Mậu thiếu thứ gì. Thầy cô giáo được mời về tận nhà riêng dạy kèm Hoa văn, Anh văn, rồi thì cả toán, lý, hóa… Người ta chỉ trả 300.000 đồng mỗi thầy, tôi trả 500.000 đồng”.

Ông Trịnh Cường, cha Mậu, bất ngờ bước vào phòng chào tôi. So với tấm ảnh chụp chung gia đình mới đây, ông chắc phải sụt đi 4-5kg là ít. Nét mặt ông sạm tối, u uất, áo bỏ ngoài quần, chân mang dép lê, không phải dáng dấp của giám đốc một công ty nhựa có uy tín. Ông hết nhìn tôi, lại cúi nhìn mặt bàn, khóe mép cứ giật giật…

“Năm 1992, cơ sở của chúng tôi nâng cấp lên công ty trách nhiệm hữu hạn. Qui mô cứ lớn dần theo vòng xoay thương trường. Anh Cường làm giám đốc kiêm quản trị, bận tối mặt. Tôi vừa nội trợ vừa phụ thêm anh ấy một tay, không còn thời gian rảnh rỗi.

Mậu qua cấp II trơn tru, thi lên cấp III một cách tự tin. Đáng lẽ nó theo tuyến vào Trường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, nhưng nghe bạn bè rủ rê cứ nằng nặc đòi chuyển sang Trường Nguyễn Trãi. Mọi chuyện bắt đầu từ đây.

Vào lớp 10 nó học hành sa sút vì sa đà vào nhóm bạn ham chơi. Hồi nhỏ nó không dám bỏ học dù chỉ một giờ, thậm chí bệnh cũng nài nỉ cha mẹ cho đi học. Lên cấp III, nó cúp học liên miên đi chơi điện tử, ném bowling. Chúng tôi vừa bận rộn vừa quá tin tưởng con nên đâu ngờ!”.

Bà Ngọc cúi mặt khóc nghẹn. Lúc này tôi mới để ý đôi mắt khá to nhưng quầng đen và sưng mọng của bà. Ông Cường bặm môi, nhìn vợ rồi lại nhìn xuống bàn. Họ không còn để ý đến những người làm công đang ra vô liên tục nữa.

“Mậu tuy còn nhỏ nhưng thừa hưởng gen mẹ nên cao tới 1,76m. Tôi thương con nên nghĩ rằng tất cả những gì mình có đều là của con. Nó xin điện thoại di động đời mới. Ừ! Khó khăn gì! Rồi nó xin xe máy. Mình cho nó đi anh. Cục cưng lớn thành con trai rồi, chả lẽ cứ để bố đưa đón mãi. Rồi xe nhanh chóng được nâng cấp lên xe xịn. Cha làm giám đốc, con đi xe khá một chút có sao đâu!”.

Lo cho đứa con đầu đi du học tự túc khoa quản trị kinh doanh ở Úc rồi, nhà chỉ còn quanh quẩn hai đứa con nên tôi muốn cuộc sống tụi nó phải tốt hơn. Nhà cũ, tôi sửa lại 2 tầng, 1 trệt, trị giá vài trăm triệu. Hồi trước cha con còn ở chung với nhau, bây giờ Mậu đã có phòng riêng biệt. Chiều con, tôi gắn điện thoại, rồi máy tính nối mạng, tivi riêng… “Mình đâu có khó khăn gì, mấy thứ đó cũng là bình thường mà!”.

Nhưng cục cưng Mậu đầy đủ hơn vẫn không học khá lên mà cứ lại sa sút đi. Thật tình chúng tôi bận quá, nhiều khi quên không để ý lắm đến con. Rồi một ngày nhà trường gửi giấy thông báo nó thường xuyên nghỉ học không phép, mời phụ huynh lên họp, tôi nghe tim mình như không chịu đập nữa.

Chồng tôi lặng thinh đi họp, về nhà đánh nó một bạt tai. Nó khóc, hứa sẽ đi học lại đàng hoàng, rồi lại tiếp tục cúp học. Chúng tôi bắt chuyển qua Trường Nam Kỳ Khởi Nghĩa học, nó cũng đi. Ngoan ngoãn được ít bữa, chứng nào lại tật ấy. Xấu hổ, mệt mỏi vì học không theo kịp bạn, một lần nữa nó lại về Nguyễn Trãi. Chúng tôi đành nhắm mắt gật, dù sao con mình vẫn còn đi học!”.

Chuông điện thoại công việc đổ dồn dập. Bà Ngọc chậm nước mắt, đi giải quyết công việc. Hình như bà mệt mỏi lắm rồi, vai rũ xuống, chân lê từng bước lẹp xẹp. Ông Cường lúc này đã chuyển sang bẻ những đốt ngón tay. Ông rời rạc nói từng chữ: “Sai lầm của tôi là đổ hết việc con cái lên đầu bà ấy, mà người mẹ nào lại không thương con, không dễ mủi lòng…”.

“Dần dần cục cưng Mậu học hết nổi, xin cha mẹ cho qua Úc du học như anh trai. Chúng tôi lắc đầu vì học phí không đáng ngại, chỉ nghĩ nó bên đây học còn không nổi thì qua đó theo kịp ai! Nhưng tôi vẫn hứa: “Nếu con học hết lớp 12 đàng hoàng, cha mẹ sẽ cho con đi…”.

Tôi vẫn nghĩ mình quyết định đúng điều này, nhưng lại sai nhiều chuyện khác. Tôi bắt nó tiếp tục học nhưng lại không quan tâm nó học ra sao. Đuối ở trường, nó bỏ bê dần học thêm ở nhà. Thời gian rảnh rỗi nhiều, hết đi câu cá, bấm điện tử, lại ném bowling, mà chơi thì chỉ chọn ở Diamond Plaza. Một tuần, tôi cho nó 300.000 đồng xài vặt. Ít hôm nó lại xin thêm lúc thì nói “mua đôi giày, mua trái bóng”, có khi vài trăm, có khi vài triệu bạc. Cha mẹ thương con, tiếc gì…”.

Bà Ngọc bật khóc òa, không nói nổi nữa. Cơn mưa áp thấp nhiệt đới ngoài trời lùa gió lạnh vào nhà. Tấm lịch có hình ông thần tài cười bị gió cuộn phần phật, méo mó. Trên góc bàn làm việc của ông bà, tôi để ý thấy có các số báo Tuổi Trẻ mới ra, đăng bài và hình em Lập ở Quảng Trị thi đậu cả hai đại học vẫn không có tiền để vào trường.

Phóng to
Một gia đình đầm ấm (Mậu đứng ở bìa phải - ảnh album gia đình)...
“Chồng tôi xuất thân từ người thợ sửa xe hơi. Cả đời ông ấy chỉ ước mơ có được một chiếc xe ra hồn. Ngày lấy chiếc BMW giá hơn 1 tỉ đồng về, tôi đâu bao giờ nghĩ lại là mầm mống của tai họa. Mậu xin đi học lái xe, học giờ nào tính tiền giờ đó. Tôi băn khoăn một chút vì tuổi nó mới 16, nhưng rồi cũng gật. Thằng anh đi du học chưa biết lái xe hơi, khó khăn nhiều chuyện. Nó đi sau phải khá hơn anh chứ?”.

Ông Cường lúc này có vẻ tỉnh lại khi nhắc đến chuyện chiếc xe hơi. Ông hào hứng mô tả xe được thiết kế theo kiểu châu Âu có bộ phận chống trượt, chống lật hẳn hoi, và hỏi tôi có thể xin lại được không? Tôi im lặng vì cả đời tôi chưa bao giờ được đặt chân lên loại xe đó.

“Đêm nghe điện thoại báo tin Mậu dính líu vào nhóm đua xe hơi quí tộc, mấy đứa đã bị bắt, còn nó bỏ trốn, tôi thấy mình quay cuồng. Mới hồi chiều nó xin phép chúng tôi đi cất xe hơi vô bãi, rồi “meo” cho anh ở nước ngoài. Nó chạy xe chưa rành và thường để cho bạn cầm lái.

Gần đây, nó có hiện tượng bỏ học, theo bạn bè đi chơi, nhưng chủ yếu sa đà trong mấy thú vui con nít. Đôi lúc chúng tôi cũng băn khoăn khi thấy nó tiêu xài nhiều, nhưng rồi lại nghĩ con mình có điều kiện nên hoang phí một chút cũng chẳng sao, miễn là không dính vào tệ nạn, phạm pháp là được!”.

“Vậy mà, nó lại vào tù! Hôm tôi vào thăm nó khóc nấc, nói y như hồi còn bám quần tôi đi chợ: “Con hối lỗi lắm rồi mẹ ơi! Mấy anh lớn khích một chút là con nhắm mắt nghe theo… Lần sau, mẹ vào thăm nhớ mang món cá kèo kho và rau đắng sống cho con. Khi nào được về, con hứa sẽ đi học lại đàng hoàng mẹ ơi!”. Nó khóc. Tôi cũng khóc. Lúc bị bắt nó mới 16 tuổi 10 tháng. Còn mấy đứa đua chung với nó đều trên 20. Ai rủ rê ai không biết nữa? Bây giờ Mậu bị kết án tù, còn mấy đứa kia, kể cả đứa đưa hối lộ cũng được tù treo!

Ở nhà, tôi không bắt con làm bất cứ thứ gì. Tôi sẵn sàng cho con tất cả những gì tôi có, chỉ mong nó học hành giỏi giang, thành người tốt. Vậy mà, đồng tiền có hai mặt…”.

Lúc này thì cả ông Cường cũng nấc lên, chỉ lẩm bẩm được mấy từ “phải chi mà… phải chi mà…”. Tôi chào ra về. Ông lặng lẽ đưa tôi một phong bì “đổ xăng”. Hình như cũng lại là một thói quen tiêu dùng đồng tiền!

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận