10/09/2012 06:07 GMT+7

Chuyện học ở xóm chài

PHẠM HỌC(Quảng Ninh)
PHẠM HỌC(Quảng Ninh)

AT - Năm học mới đã bắt đầu, đông đảo học sinh trong cả nước nô nức đến trường. Tuy nhiên, ở một số nơi, ước muốn đến trường của các em vẫn còn khá xa vời.

Ns1pf5hN.jpgPhóng to
Các em đi thuyền vào bờ để đến trường

Ám ảnh cái nghèo

“Đấy là cái Thảo cháu nội tôi. Nó mới học hết lớp 4 thôi đã phải nghỉ rồi. Bố mẹ nó quá nghèo, cơm còn chẳng đủ mà ăn. Ở nhà, lại chẳng biết làm gì vì nó còn nhỏ quá. Bọn trẻ xóm chài này khổ thế đấy anh ạ”. Đó là lời bà Nguyễn Thị Tám - một “dân chã” - nói với chúng tôi. “Xóm chã” là từ dùng để gọi khu vực dân cư sinh sống sát mép nước ở Cột 5, TP Hạ Long, Quảng Ninh. Dù cách bờ có mấy bước chân nhưng cuộc sống của dân cư vạn chài này chênh lệch so với trên bờ nhiều lắm.

Cuộc mưu sinh bám biển vật lộn với sóng gió của họ diễn ra vào ban đêm trên mặt vịnh Hạ Long. Tất cả những gì họ khai thác được đều mang bán ngay trên chợ cá Cột 5 sát mép biển vào buổi sáng sớm. Thế rồi, cũng chỉ đến khoảng 7 giờ sáng là chợ cá tan, cái nghèo lại lộ diện trên những con thuyền chật hẹp với những khoang cá trống rỗng. Anh Nguyễn Văn Nhất, một dân chã, cho biết: “Cuộc sống trên biển lênh đênh lắm. Trời mà thương cho thì được, còn trời không thương là lại đói ngay. Có mùa đi một đêm cũng kiếm được một hai trăm, chứ mùa này thì đói lắm. Mấy hôm trước tôi đi đều chẳng được gì lại lỗ cả tiền dầu nữa. Tiền ăn chẳng có, lấy đâu ra tiền cho các cháu ăn học hả anh?”.

Phần lớn dân chã ở đây đều từ các nơi khác đến làm nhà bè để sinh sống rất tạm bợ. Cứ đến mùa mưa bão họ lại phải nhổ neo di chuyển chỗ khác an toàn hơn. Cuộc sống của họ phụ thuộc rất nhiều vào thiên nhiên. Tất cả những nhu yếu phẩm của họ như nước sinh hoạt, thực phẩm, xăng dầu... đều phải mua với giá khá cao so với trên bờ. Cuộc sống lênh đênh của họ bốn bề là nước. Nước bủa vây tứ phía, cái nghèo như nước cũng bủa vây theo. Những đứa trẻ vẫn được sinh ra ngày một đông và lớn lên tự nhiên như sóng biển. Và chúng chấp nhận lên bờ học tạm, chỉ để biết lấy một vài cái chữ.

“Phải cố mà viết được cái chữ”

Em Lê Thị Hiền, sinh năm 1997, làm nghề chèo đò, bộc bạch: “Em làm nghề chèo đò này đã lâu rồi, không chèo đò thì còn biết làm gì. Em chỉ được học hết lớp 3 thôi. Thế cũng là tốt rồi chứ ở đây có mấy ai học lên được cấp 2 đâu. Tất cả đều không học ở trường mà học nhà bà Liên chỉ để biết viết cái chữ. Đi học cũng có cái tốt là biết nhắn tin trên điện thoại”. Nhìn khuôn mặt em, nước da nâu vì nắng gió, tôi không tin là em mới 15 tuổi. Dường như, người dân ở đây thường già trước tuổi! Cứ thấy đôi mắt khắc khoải của cháu Nguyễn Thị Thu cũng đủ nhận ra rằng, cái nghèo và sự học đang ám ảnh cả giấc mơ con trẻ. Đã nghèo rồi nhưng dân chã Cột 5 lại đông con. Chị Thêm, mẹ của bốn bé gái, cho biết: “Khổ lắm anh ạ, tôi có bốn đứa con gái, nhưng có đứa nào được học hết cấp 2 đâu. Con bé Nga là đứa lớn nhất, tôi đã phải gửi về nhờ bà ngoại nuôi. Bà ngoại sống ở trên bờ nên cũng đỡ vất vả hơn. Riêng nó được học hết lớp 7, còn lại mấy đứa Thu, Thúy, Nuôi chỉ lo học đến hết lớp 5 là cùng. Đời ông bà, bố mẹ đã không biết chữ rồi, đời chúng nó phải cố mà viết được cái chữ”.

Trẻ con ở đây có vẻ không được dạn dĩ lắm. Tôi gọi một cháu bé đang cầm cuốn vở tập tô với những nét chữ nắn nót lại gần. Cháu bé sợ sệt vội nấp vào sau lưng mẹ. Chị Thêm, mẹ cháu, giải thích: “Cháu tên là Thúy. Tôi cũng muốn cho cháu nó đi học, nhưng bà Liên bảo để sang năm cho cháu lớn hơn chút nữa. Với lại, giờ lớp của bà cũng đã đông lắm rồi, không còn chỗ ngồi nữa đâu”. Bà giáo Liên tên đầy đủ là Lưu Thị Liên, một giáo viên nghỉ hưu năm nay đã gần 70 tuổi. Năm 1999, bà bắt đầu mở lớp dạy học cho một số con em dân chã ở khu 2, phường Hồng Hà. Dần dần, nhiều ngư dân vạn chài này gửi con em lên học. Thương xót những đứa trẻ nhà nghèo có nguy cơ thất học, bà Liên đã không từ chối bất kỳ trường hợp nào. Nhờ bà giáo Liên mà một số đứa trẻ ở đây biết đọc, biết viết. Tuy nhiên, cũng nhiều cháu phải nghỉ học giữa chừng.

Cháu Nguyễn Thị Thảo, năm nay 14 tuổi, buồn bã kể: “Nhà cháu nghèo lắm. Chúng cháu phải dựa vào ông bà là nhiều chứ bố mẹ cháu đi đánh cá mấy ngày mới về không đủ tiền để trả nợ. Chị em cháu không được đi học ở trường vì không có giấy khai sinh. Cháu được học đến lớp 4, biết đọc, biết viết nên phải nghỉ để nhường cho hai đứa em”. Người bà ấy là bà Nguyễn Thị Tám, 73 tuổi, làm nghề chèo đò phục vụ bà con vạn chài đi chợ. Mỗi lượt đi đò như vậy, người ta trả bà khoảng 2.000 đồng, 3.000 đồng. Ngày nào nhiều khách, bà chở được khoảng trên 10 chuyến. Thế nhưng, việc học của mấy đứa cháu nội trông chờ cả vào ba bốn chục nghìn bà kiếm được trong ngày. Bà Tám vừa đưa đò vừa than thở: “Bà có năm đứa con. Hai cô con gái lấy chồng đều ở trên bờ thì khá hơn một chút, còn ba thằng con trai kiếm sống trên vịnh này thì khổ lắm. Bà và mấy cô con dâu cũng chẳng biết chữ nào. Chỉ khổ thân cho mấy đứa cháu muốn đi học ở trường lắm nhưng cũng chỉ được đi học lớp bà Liên để biết chữ thôi”. Mấy đứa cháu của bà Tám cứ nhất định đợi bà đưa vào bờ đi học vì không có tiền đi đò của người khác. Và quan trọng hơn, đàn cháu thơ ngây ấy biết chắc rằng, bà nội mình sẽ cho tiền để đi học. Bà Tám xếp lại những đồng tiền lẻ đưa cho mỗi đứa chừng dăm bảy nghìn. Ít ỏi vậy thôi, nhưng đó lại là công sức cả ngày của bà. Dù đã cử đứa lớn nhất dẫn em đi học và mấy đứa cháu đã bước lên bờ rồi nhưng ánh mắt người bà vẫn dõi theo đầy lo lắng. Trên bờ biển lổn nhổn toàn đá là đá trơn tuột thế kia, ai dám chắc những đứa cháu của bà không trượt ngã bao giờ! Tôi nhận ra, trong ánh mắt xa xăm của bà có nỗi lo âu con nước vơi đầy, biển trời giông bão, lo cho cả con đường gập ghềnh đến lớp của đàn cháu thơ ngây. Có lẽ trong nghèo khó, những người bà không biết chữ như bà Tám càng thiết tha cho những đứa cháu của mình được đi học.

Để biết đọc, biết viết, những đứa trẻ vạn chài chỉ biết dựa vào tấm lòng của những người như bà Tám, bà giáo Liên. Thêm nữa, sức khỏe của bà giáo Liên cũng sa sút dần, lớp học này chẳng biết có thể duy trì đến bao giờ nữa. Cuộc sống của dân vạn chài ngày một khó khăn, sự học của con em họ không biết rồi sẽ đi về đâu? Chia tay bà cụ Tám ra về, tôi bước lên bờ mà lòng nặng trĩu lo âu. Theo quán tính, con đò của bà bị đẩy ra xa. Con đò chênh vênh trên mặt biển mênh mông, chênh vênh như chính tương lai của những đứa trẻ vạn chài.

u6OXweLY.jpgPhóng to

Áo Trắng số 16 ra ngày 01/09/2012 hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

PHẠM HỌC(Quảng Ninh)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên