23/02/2024 14:08 GMT+7

Có doanh nghiệp dệt may bị đứt gãy đơn hàng đến 2025

Ngành dệt may năm nay được dự báo tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn, có doanh nghiệp bị đứt gãy đơn hàng đến năm 2025. Do đó, việc tìm kiếm đơn hàng mới, thị trường ngách là cần thiết và cấp bách.

Công nhân làm việc tại Công ty TNHH Việt Thắng Jean, TP Thủ Đức, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Công nhân làm việc tại Công ty TNHH Việt Thắng Jean, TP Thủ Đức, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Ông Lê Hoàng Tài - phó cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) - chia sẻ như trên ở buổi họp báo giới thiệu về Triển lãm quốc tế ngành dệt may và công nghệ dệt may 2024 (VIATT 2024), diễn ra ngày 23-2 tại TP.HCM.

Theo ông Tài, năm 2023 ngành dệt may gặp thách thức từ nhiều yếu tố như lạm phát ở các thị trường xuất khẩu chủ lực như Mỹ, châu Âu... dẫn đến đơn hàng sụt giảm mạnh.

Năm nay, dù đang có những dấu hiệu tích cực khi lượng nhập nguyên phụ liệu phục vụ cho sản xuất may mặc thời gian qua tăng tốt, nhưng ngành này được dự báo vẫn tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn do xu hướng giảm đơn hàng, rủi ro trong chuỗi cung ứng, xu hướng chuyển đổi số - xanh hóa của ngành.

"Sức mua từ các thị trường chủ lực như Mỹ, châu Âu đang và sẽ còn ở mức thấp. Do đó, các doanh nghiệp dệt may cần chủ động hơn trong việc tìm kiếm khách hàng mới, thị trường ngách để có đơn hàng vừa phải nhằm duy trì trong giai đoạn này, trước khi chờ nền kinh tế thế giới phục hồi và đơn hàng lớn trở lại", ông Tài nhận định.

Theo lãnh đạo Cục Xúc tiến thương mại, ngành dệt may, giày da tạo ra lượng lớn công ăn việc làm nên Chính phủ và các bộ ngành đang nỗ lực tìm kiếm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó đề cao mở rộng xúc tiến, sản xuất xanh - bền vững.

Đại diện một doanh nghiệp trong lĩnh vực hỗ trợ xuất khẩu tại TP.HCM cho rằng dù có những dấu hiệu tích cực hơn khi nhiều người mua đã quay lại Việt Nam, nhưng thực tế đơn hàng may mặc vẫn đang còn giảm sâu so với trước dịch COVID-19.

"Lạm phát tại nhiều quốc gia đã hạ nhiệt nhưng vấn đề về xung đột chính trị vẫn phức tạp, chi phí vận tải tăng cao... là những lý do khiến không chỉ may mặc, mà nhiều ngành hàng như giày da, đồ gỗ, thủ công mỹ nghệ... sẽ tiếp tục gặp khó trong năm 2024", vị này lý giải.

Theo bà Wendy Wen - giám đốc điều hành Messe Frankfurt Hong Kong (đơn vị phối hợp tổ chức VIATT), với đông đảo đối tác, người mua hàng trên thế giới tham dự, VIATT 2024 diễn ra thời điểm này là điểm tích cực cho ngành dệt may Việt Nam, đặc biệt đây là cơ hội giúp doanh nghiệp dễ dàng hơn trong việc tiếp cận khách hàng nhỏ lẻ, khách hàng mới.

Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may đạt 40,3 tỉ USD, thấp hơn 10% so với năm trước và cách xa mục tiêu 47-48 tỉ USD đặt ra ban đầu. Năm nay, ngành đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 44 tỉ USD, tăng hơn 9% so với năm trước.

Có nhiều điểm mới tại VIATT 2024

Triển lãm VIATT 2024 dự kiến diễn ra từ ngày 28-2 đến 1-3 tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC). Sự kiện có quy mô trên 500 gian hàng trưng bày trên tổng diện tích 1,5ha của hơn 400 doanh nghiệp trong, ngoài nước đến từ 16 quốc gia và vùng lãnh thổ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan...

Triển lãm sẽ giới thiệu các ngành hàng như vải may mặc, len, sợi, hàng may mặc và sản phẩm dệt dân dụng; hàng dệt kỹ thuật và sản phẩm không dệt, công nghệ gia công dệt và công nghệ in.

Đặc biệt, trong khuôn khổ triển lãm sẽ có hơn 14 hội thảo được tổ chức nhằm cung cấp thông tin chuyên sâu, kết nối doanh nghiệp; tổ chức cuộc trình diễn thời trang; khách tham quan được trải nghiệm kỹ thuật nhuộm tự nhiên và cách tái chế quần áo.

Xuất khẩu dệt may: Từ quý 2 trời sẽ sángXuất khẩu dệt may: Từ quý 2 trời sẽ sáng

Những tín hiệu tích cực cho ngành dệt may đã bắt đầu xuất hiện, dù vẫn còn nhiều khó khăn bủa vây.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên