27/01/2018 14:34 GMT+7

Cô giáo dạy trò bằng những câu chuyện kể

MINH TÂM
MINH TÂM

TTO - Ở một trường quê nghèo có cô giáo 11 năm qua mở lớp phụ đạo miễn phí cho học sinh. Cô có cách giáo dục và hướng nghiệp cho học sinh khá độc đáo bằng những câu chuyện kể.

Cô giáo dạy trò bằng những câu chuyện kể - Ảnh 1.

Cô Tô Huỳnh Tuyên cùng học sinh của mình - Ảnh: Minh Tâm

Những câu chuyện cô kể rất hay, con rất thích. Con sẽ ráng học để sau này trở thành hướng dẫn viên du lịch, có nghề nghiệp kiếm tiền phụ cha mẹ

Học sinh Phạm Ngọc Khánh Vy (lớp 3B)

Cô là Tô Huỳnh Tuyên - giáo viên Trường tiểu học thị trấn Rạch Gòi C, huyện Châu Thành A, Hậu Giang.

Lớp phụ đạo miễn phí

7h thứ bảy, lớp phụ đạo của cô Tuyên bắt đầu. Ngoài 30 học sinh lớp cô chủ nhiệm còn có những em lớp khác đến xin học. Sau khi dạy toán riêng cho từng nhóm trung bình, nâng cao cho khá giỏi, cô kể chuyện cho học sinh nghe.

Cô kể ở xóm có chú Tài rất hiếu thảo với mẹ. Mẹ chú ấy bệnh nằm liệt giường nhiều năm, chú lo cho mẹ rất chu đáo. Hôm qua, bệnh trở nặng khiến cụ bị hôn mê, chú Tài hớt hải bồng mẹ xuống vỏ lãi chở đi bệnh viện. 

Vừa bồng mẹ, chú vừa kêu khóc: "Mẹ ơi, mẹ ơi, đừng bỏ con mẹ ơi...", khiến ai nấy đều rất xúc động. Sau khi kể, cô hỏi: "Lớp có ý kiến gì về câu chuyện trên?". Lớp đồng thanh: "Dạ, chú ấy rất hiếu thảo ạ". 

Cô hỏi tiếp: "Vì sao các con phải hiếu thảo với cha mẹ? Cha mẹ nuôi chúng ta có cực không?". Cả lớp nhao nhao: "Để lo cho chúng con ăn học, cha mẹ phải vất vả trên đồng ruộng ạ". Em khác nói: "Cha mẹ xa nhà làm công nhân rất cực để gửi tiền về lo cho con ăn học ạ"...

Cứ vậy, 11 năm trong nghề là ngần ấy năm cô Tuyên phụ đạo miễn phí cho học trò. "Trường tiểu học thị trấn Rạch Gòi C tiếng là trường thị trấn nhưng nằm sâu trên con đường quê và là một trong những trường nghèo nhất huyện. 

Năm nào lớp tôi chủ nhiệm cũng có học sinh yếu kém, nếu không giúp các em theo kịp các bạn khác thì các em sẽ chán nản, bỏ học..." - cô Tuyên nói.

Những câu chuyện hướng nghiệp

Trong những buổi dạy phụ đạo miễn phí, cô dành 30 phút, còn dạy chính khóa thì dành 10 phút để kể chuyện. Chẳng hạn, có bạn An và Buông đánh nhau cô liền kể chuyện "tình bạn đẹp" về một cậu học sinh suốt mấy năm qua cõng một người bạn tật nguyền đến trường cô đọc trên báo. 

Rồi cô cho hai bạn nhận xét, sau đó cô nói hai em bỏ qua lỗi cho nhau, đoàn kết tương trợ nhau. Hay khi thấy em nào viện lý do hoàn cảnh khó khăn, lơ là học, cô kể chuyện Mạc Đĩnh Chi hoặc gương sáng vượt khó của thầy cô dạy trong trường.

Nếu trò nào copy bài của bạn, cô liền kể chuyện Tất Đạo và Hiếu Danh xem bài Trần Minh trong cải lương Bên cầu dệt lụa, kèm theo đó là lời khuyên không thể sống dựa vào người khác cả đời, nếu bạn nghỉ học thì mình copy ai. 

Trò này ngộ ra tự học không copy nữa và cô kết luận: "Nếu mình copy thì mình chỉ là cái bóng của người khác". Cô Tuyên thổ lộ: "Hầu như khi nghe kể chuyện xong, các em đều bỏ tật xấu, không tái phạm nữa".

Ngoài ra, cô còn hướng nghiệp cho học sinh của mình qua kể chuyện. Bởi theo cô, việc quan trọng của chuyện học vẫn là chọn nghề nên phải hướng nghiệp cho các em từ nhỏ. Chẳng hạn khi hướng nghiệp về nghề kỹ sư nông nghiệp, cô kể về GS nông nghiệp Võ Tòng Xuân. Nghề y cô kể về danh y Hải Thượng Lãn Ông - Lê Hữu Trác. 

Hoặc về nghề đầu bếp, cô kể Christine Hà - cô gái khiếm thị gốc Việt trở thành vua đầu bếp. Hay là câu chuyện về nhà du hành vũ trụ Phạm Tuân. Riêng về nghề giáo, cô Tuyên kể 4 cô giáo đã quên mình cứu 13 học trò của mình trong cơn lũ dữ ở Phú Yên...

Cô nhấn mạnh muốn trở thành giáo viên phải phát âm rõ ràng, phải có khả năng diễn đạt và tính kiên nhẫn; bác sĩ cần phải có đức tính thương người, ngoài ra phải có kiến thức chuyên môn giỏi mới cứu được người, nếu không sẽ dễ dẫn đến nguy hiểm chết người; công an phải có chiều cao, sức khỏe tốt; phi công phải nói tiếng Anh giỏi, khả năng quan sát nhạy bén, thị lực tốt, đáp ứng khi làm việc trên cao...

Giúp trò nguy cơ bỏ học thành siêng năng

Thầy Phạm Hồng Lộc Phiên - hiệu trưởng Trường tiểu học thị trấn Rạch Gòi C - chia sẻ: "Cô Tuyên rất tận tâm với nghề. Sự quyết liệt của cô giúp nhiều em có nguy cơ bỏ học thành những trò siêng năng, từ học lực yếu kém đã lên trung bình, tiến đến khá, giỏi.

Còn những em giỏi thì phản xạ giải bài nhanh hơn. Vào những tháng hè, cô còn mở lớp dạy phụ đạo miễn phí cho các em trong trường. Với những đóng góp đó, cô đã được UBND tỉnh Hậu Giang tuyên dương trong toàn tỉnh".

MINH TÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên