20/04/2020 09:13 GMT+7

Cơ hội khống chế dịch COVID-19

LAN ANH - HOÀNG LỘC
LAN ANH - HOÀNG LỘC

TTO - Hôm qua 19-4, có thêm 2 bệnh nhân COVID-19 điều trị tại Bạc Liêu được công bố khỏi bệnh và tính đến 6h sáng 20-4 là 4 ngày liên tiếp Việt Nam không có thêm bệnh nhân COVID-19 mới.

Cơ hội khống chế dịch COVID-19 - Ảnh 1.

Người dân đứng theo vị trí đánh dấu để cách xa nhau tại một siêu thị trên đường Nguyễn Thị Thập, Q.7, TP.HCM (ảnh chụp chiều 19-4) - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Chúng ta phải kiểm soát được dịch bệnh, tiến tới chung sống an toàn, thúc đẩy sự điều chỉnh tích cực của xã hội.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại cuộc họp trực tuyến giữa Chính phủ và các địa phương chiều 17-4

Trong khi số bệnh nhân trên thế giới gia tăng, Việt Nam đã giữ được số ca mắc ở mức thấp (268 ca), xếp thứ 114/212 quốc gia, vùng lãnh thổ có dịch trên thế giới.

Đáng kể nữa là việc giữ không có ca tử vong đến giờ phút này, với phương châm: cố không để có ca mắc, mắc không để biến chuyển nặng và bệnh nặng cố điều trị cho tốt, không để có ca tử vong. Từ kết quả bước đầu này, đã có nhiều người nhắc đến cơ hội lặp lại một lịch sử: Việt Nam có thể khống chế dịch COVID-19 sớm, như năm 2003 chúng ta là quốc gia đầu tiên trên thế giới khống chế dịch SARS.

Cơ hội khống chế dịch COVID-19 - Ảnh 3.

Đồ họa: N.KH.

Có cơ hội nhưng không được lơ là

Theo dõi biểu đồ dịch kể từ khi Việt Nam thực hiện cách ly xã hội (ngày 1-4) đến nay cho thấy số mắc mới đã giảm một cách vững chắc, đặc biệt từ ngày 4-4. Các ổ dịch cộng đồng đã được khống chế hiệu quả, cụ thể các ổ dịch tại bar Buddha TP.HCM, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nam... đều không ghi nhận thêm ca nhiễm mới, ngoại trừ theo dõi ổ dịch tại thôn Hạ Lôi, Mê Linh, Hà Nội. 

Xét nghiệm tại cộng đồng cho thấy chưa tìm thấy thêm các ổ dịch cộng đồng (ngày 18-4 xét nghiệm hơn 840 mẫu từ 4 chợ đầu mối lớn của Hà Nội bằng test sàng lọc nhanh, chưa ghi nhận ca dương tính nào).

Trong khi đó, số khỏi bệnh lại liên tục tăng và hiện chỉ còn 66 người đang điều trị. Từ ngày 4 đến 17-4 cũng có nhiều buổi thông báo dịch theo lịch không ghi nhận ca bệnh mới, nhưng trồi sụt, sáng không ghi nhận nhưng chiều lại có hoặc ngược lại. 

Nhưng từ 17 đến 19-4 thì hoàn toàn không có thêm ca mới nào, và tình hình đã chắc chắn hơn, các dấu hiệu về kiểm soát các ổ dịch cộng đồng đã rõ nét hơn.

Những người làm công tác chống dịch đã ở thế chủ động hơn, đỡ đi những nỗi lo lắng: bao nhiêu F1, F2 đã đi đâu, tiếp xúc với ai, có thể có thêm ổ dịch cộng đồng từ những F1, F2 này hay không...

Tuy nhiên trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 19-4, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhận xét so với dịch SARS 2003, dịch COVID-19 có những đặc thù riêng: lây lan ra gần khắp thế giới, đến ngày 19-4 số mắc đã vượt 2,4 triệu người, số tử vong vượt 150.000 người, số quốc gia, vùng lãnh thổ có dịch cao hơn gấp 3 lần so với dịch SARS.

Hơn nữa về đặc thù của bệnh, COVID-19 có những bệnh nhân không rõ triệu chứng, có thể lây lan trong cộng đồng nhưng không dễ phát hiện, trong khi bệnh nhân SARS đều diễn biến nặng nhanh và đều nhập viện. 

"Số mắc có giảm rõ rệt, nhưng không thể vì thế mà chủ quan, cần phải xác định dịch có thể còn kéo dài, do số ca mắc còn tăng trên thế giới. ,

Việt Nam vẫn thực hiện bảo hộ công dân và sắp tới có thêm công dân từ nước ngoài về, từ đó có thể có thêm các ca mắc xâm nhập. Bên cạnh đó, đã có những ca mắc ghi nhận ở cộng đồng. Người dân vẫn phải tuân thủ nguyên tắc ngăn chặn, phát hiện sớm, cách ly, khoanh vùng và dập dịch, bên cạnh các biện pháp như đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, tránh tập trung đông người..." - ông Tuyên khuyến cáo.

Trong khi đó, đã 12 ngày qua TP.HCM không phát sinh ca bệnh mới; chỉ còn 5 bệnh nhân COVID-19 đang điều trị có tiến triển tốt và số người cách ly ngày càng giảm… Các giải pháp phòng chống dịch bệnh sẽ tiếp tục được thực thi sắp tới.

Lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM khẳng định vẫn tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng chống vốn đã phát huy hiệu quả để tiến tới "chung sống an toàn với dịch COVID-19".

Theo Sở Y tế TP.HCM, trong thời gian này, các bệnh viện (trong đó có Bệnh viện dã chiến Củ Chi và Bệnh viện điều trị COVID-19 Cần Giờ) được phân công tiếp nhận, điều trị bệnh nhân dương tính vẫn luôn trong tư thế sẵn sàng, các kíp trực vẫn luôn được duy trì, công tác vệ sinh kiểm soát nhiễm khuẩn các phòng cách ly luôn được đảm bảo đúng quy định.

Ngoài các bộ tiêu chí đánh giá mức độ rủi ro của doanh nghiệp; tiêu chí mức độ an toàn ở trường học, hàng quán… Sở Y tế TP.HCM khẳng định để chuẩn bị cho "tiến tới chung sống an toàn với dịch COVID-19", đơn vị đã xây dựng bộ chỉ số đánh giá rủi ro lây nhiễm tại cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn TP.HCM. 

"Căn cứ vào bộ chỉ số đánh giá rủi ro này, các bệnh viện và các cơ sở khám chữa bệnh sẽ tự đánh giá và được kiểm tra, đánh giá lại. Những cơ sở khám chữa bệnh có chỉ số rủi ro lây nhiễm cao và rất cao phải có giải pháp giảm thiểu rủi ro trước khi hoạt động lại", lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM giải thích.

Bên cạnh các giải pháp nêu trên, các giải pháp được thực hiện lâu nay như xét nghiệm sàng lọc tại sân bay Tân Sơn Nhất, ga Sài Gòn, các khu lưu trú công nhân; kiểm dịch người ra vào TP tại 62 chốt… vẫn sẽ được thực hiện liên tục.

Đặc biệt có một điểm đáng chú ý là sẽ đẩy mạnh việc theo dõi, lấy mẫu xét nghiệm các bệnh nhân xuất viện sau điều trị COVID-19, đây được coi là một "quy trình kép" được TP.HCM chủ động áp dụng song song quy định cách ly đủ 14 ngày của Bộ Y tế, nhằm kiểm soát mức thấp nhất nguy cơ các trường hợp dương tính trở lại sau thời gian điều trị.

Cơ hội khống chế dịch COVID-19 - Ảnh 4.

Đồ họa: N.KH.

Ứng xử tùy tình hình dịch

"Ban Chỉ đạo chống dịch quốc gia sẽ căn cứ vào tình hình dịch và đánh giá kết quả điều trị để báo cáo Thủ tướng có giải pháp phù hợp. 

Như thời điểm tháng 3 vừa qua đánh giá tình hình dịch, Thủ tướng có chỉ thị 15, sau đó tình hình dịch căng thẳng hơn, Thủ tướng đã có chỉ thị 16 yêu cầu giãn cách xã hội trên toàn quốc từ ngày 1-4, nhưng sau phiên họp ngày 15-4 Thủ tướng đã thông báo chia 3 nhóm: địa phương nguy cơ cao: 12 tỉnh thành; nguy cơ: 16 tỉnh thành và nguy cơ thấp: 35 tỉnh thành" - ông Tuyên nói.

Năm 2003, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố Việt Nam là quốc gia đầu tiên trên thế giới khống chế thành công dịch SARS (công bố tháng 4-2003, bệnh nhân SARS cuối cùng ra viện vào ngày 2-5-2003), năm nay có những dấu hiệu vững chắc cho thấy dịch đã được kiểm soát hiệu quả bước đầu.

Những ngày vừa qua là những ngày khó khăn với tất cả mọi người, đã có hàng chục cây ATM gạo mọc lên ở nhiều nơi để hỗ trợ người mất việc làm. Chưa có vụ dịch nào học sinh - sinh viên phải nghỉ học tới gần 3 tháng trong thời điểm năm học chính thức đang diễn ra, nhà hàng, quán ăn đều phải đóng cửa, việc mua sắm thực phẩm và đồ dùng thiết yếu đều phải tuân thủ những yêu cầu riêng đặc thù của mùa dịch. 

Nhưng người dân đã đồng lòng cùng Chính phủ chống dịch. Những kết quả ban đầu đã có. Năm nay, đặc thù dịch khác đi, nguy cơ khác đi, giao thương và đi lại toàn cầu cũng khác rất nhiều so với 2003. Hà Nội, TP.HCM và 10 tỉnh thành khác còn 3 ngày tiếp tục giãn cách xã hội trước khi có hướng dẫn mới.

Chưa khi nào chúng ta hi vọng như thời điểm này. Hi vọng lặp lại một cơ hội như tháng 4-2003.

Phản ứng sớm nên hiệu quả

Đúc kết quá trình hơn 100 ngày chống chọi với dịch bệnh, bác sĩ Nguyễn Hữu Tùng - phó chủ tịch thường trực Hội hành nghề y tư nhân TP.HCM - nhận định với việc chuyển từ trạng thái "dịch trên toàn quốc" sang "bệnh dịch rải rác", mức độ lây lan được kiểm soát… Rõ ràng sự phản ứng, điều hành chống dịch của Chính phủ cho đến thời điểm này đang mang lại một hiệu quả rất tích cực.

"Các biện pháp chống dịch của chúng ta khá bài bản, nhờ vào 3 yếu tố như kích hoạt nhanh hệ thống y tế cơ sở, 4 tại chỗ (chỉ đạo tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ) và sự đồng lòng của nhân dân. Đặc biệt các bước ngăn chặn, khoanh vùng, cách ly, dập dịch, điều trị… được triển khai khá đồng bộ, nhanh chóng ngay khi phát hiện nguy cơ trong cộng đồng nên đến nay rất ít người bị nhiễm so với thế giới", bác sĩ Tùng phân tích.

Ngoài ra, yếu tố về chuyên môn của hệ thống y tế đã góp sức giúp đạt được các chỉ số chuyên môn gần với kỳ vọng về tỉ lệ người mắc, tỉ lệ người tử vong và người được điều trị khỏi bệnh cho đến thời điểm này.

"Có thể thấy việc áp dụng biện pháp cách ly xã hội và khuyến khích người dân ở nhà, tuân thủ đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên đã mang lại hiệu quả nhất định trong phòng chống dịch. Để đi đến chiến thắng cuối cùng dịch bệnh, các giải pháp này cần phải được duy trì, bên cạnh các biện pháp sống chung an toàn với dịch", bác sĩ Tùng chia sẻ.

Dịch COVID-19 sáng 20-4: Việt Nam 4 ngày liền không ca mới, toàn cầu hơn 2,4 triệu ca Dịch COVID-19 sáng 20-4: Việt Nam 4 ngày liền không ca mới, toàn cầu hơn 2,4 triệu ca

TTO - Đến 6h sáng nay 20-4, Việt Nam tiếp tục không có ca nhiễm mới. Trên toàn cầu đã có hơn 2,4 triệu người được ghi nhận mắc bệnh, trong đó hơn 164.000 trường hợp tử vong và 624.000 ca bình phục.

LAN ANH - HOÀNG LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên