21/11/2018 11:56 GMT+7

Cơn lốc người người làm truyền thông: chính quy có lép vế?

TẤT ĐẠT
TẤT ĐẠT

TTO - "Làm truyền thông" là câu trả lời khá phổ biến khi được hỏi về nghề nghiệp của các bạn trẻ. Ngành này đang đón nhận dòng nhân lực hùng hậu từ nhiều chuyên ngành từ khoa học xã hội, tự nhiên, thậm chí kinh tế, tài chính, kỹ thuật...

Theo Vietnamwork, online media xếp hạng thứ tám trong top 10 ngành có nhu cầu tuyển dụng cao, tăng 22% nhu cầu tuyển dụng và 27% hồ sơ ứng tuyển trong giai đoạn 2017-2018.

Riêng về quảng cáo, báo cáo mới đây của Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam cho biết cả nước có 7.000 công ty, nhân lực cần có của ngành ít nhất là 70.000 lao động. Những số liệu trên chứng tỏ sức hút lớn của ngành truyền thông hiện nay.

Tự do "bay nhảy"

Ông Đức Nha, sinh viên năm thứ ba của Trường Đại học Ngoại thương TP.HCM, đang làm thực tập sinh quan hệ công chúng cho một công ty thời trang tại TP.HCM. Hồi năm nhất, Nha "chọn đại" một câu lạc bộ để tham gia, rồi trúng tuyển vào câu lạc bộ truyền thông của trường. Từ khi tham gia vào câu lạc bộ, Đức Nha cũng tìm được cảm hứng và sự tương thích với những hoạt động truyền thông.

Làm nghề, Đức Nha được tự do sáng tạo và "bay nhảy" theo những ý tưởng luôn hiện hữu trong đầu. Không quá gò bó, không quá khuôn khổ, Nha cho rằng đó là sức hấp dẫn vô tận của nghề truyền thông đối với mọi người trẻ.

Mức lương cơ bản trong ngành truyền thông trên trang Vietnamsalary cho thấy hầu hết vị trí đều có mức lương gần 8 triệu đồng/tháng trở lên. Đây cũng là một trong những lí do khiến ngành truyền thông thu hút nhiều nhân lực, kể cả những người trẻ được đào tạo từ các ngành nghề khác.

Cơn lốc người người làm truyền thông: chính quy có lép vế? - Ảnh 1.

Ngoài lương cơ bản, làm việc trong ngành truyền thông còn thường xuyên được thưởng theo KPI (chỉ số đo lường hiệu quả công việc) - Đồ họa: TẤT ĐẠT

Hơn hết, marketing và truyền thông là hoạt động không thể thiếu của mọi doanh nghiệp trong thời đại cách mạng số. Đức Nha chia sẻ: "Mình có quen nhiều người làm thực tập hay thử việc cho các agency (các công ty cung cấp dịch vụ truyền thông tiếp thị cho các công ty khác) với mức lương không cao, thậm chí không lương. Thế nhưng để đổi lại một dòng ‘từng là nhân viên truyền thông’ trên CV, họ vẫn chấp nhận".

Khá giống với Nha, Thanh Tùng, cử nhân Văn học, Trường Đại học Sư phạm TP.HCM, nhận thức được nghiên cứu văn chương không phải là mục tiêu nghề nghiệp của mình ngay từ năm thứ hai. Tùng tìm được niềm đam mê khi tham gia vào một câu lạc bộ về báo chí. Trong thời gian này, Thanh Tùng có cơ hội cộng tác, gặp gỡ với nhiều anh chị làm về báo chí và truyền thông. Điều này giúp anh chàng tích lũy thêm nền tảng và càng bén duyên hơn với nghề.

Hiện Tùng đang làm việc trong một công ty truyền thông về nghệ thuật và giải trí. Biết mình cần tích lũy nhiều kiến thức, Tùng bù đắp bằng việc rút kinh nghiệm từ dự án thực tế, một kiểu đi ngược so với những đồng nghiệp được đào tạo đúng chuyên ngành.

Nhưng Thanh Tùng không cho đây là một hạn chế. Anh nói: "Khi không bị ảnh hưởng từ những lý thuyết rập khuôn, "ngoại đạo" như mình nghĩ sao làm vậy, đầu óc phong phú, sáng tạo hơn". Tuy không phải lần sáng tạo nào cũng suôn sẻ, "sự mới mẻ, phá vỡ nguyên tắc là cái mà "ngoại đạo" có thể tạo ra.

Dân chính quy khó thăng tiến

Ở góc nhìn của một sinh viên chính quy, Thảo Nguyên, sinh viên năm thứ hai Khoa Quan hệ công chúng và Truyền thông, Trường Đại học Văn Lang, lại cho rằng lý thuyết chính là thế mạnh. Truyền thông là ngành nhạy cảm, đôi khi một phát ngôn cũng ảnh hưởng rất lớn đến công ty, doanh nghiệp mà nhân viên truyền thông đang làm việc.

Vì thế, Nguyên tin việc học kĩ lý thuyết sẽ giúp nhà truyền thông tránh mắc phải sai lầm không đáng có, biết ứng biến sao cho phù hợp với hoàn cảnh thực tế. Cô chia sẻ: "Không lí thuyết nào bắt bạn phải rập khuôn. Sáng tạo là do chính bản thân mình có đủ năng lực hay không".

Hàng ngày chứng kiến cảnh "ngựa xe như nước, áo quần như nêm" làm truyền thông khiến những bạn trẻ được đào tạo đúng chuyên ngành không khỏi áp lực. Cẩm Tú, nhân viên truyền thông marketing của một công ty về quay phim, cũng thế. Nghề truyền thông đòi hỏi nhân viên phải đa tác vụ, nhưng một số nơi chỉ trả lương cho một đầu công việc. Câu cửa miệng "Tại sao không đạt KPI vậy em?" từ trưởng phòng luôn là điều ám ảnh với mỗi nhân viên, trong đó có Tú.

Áp lực từ việc cạnh tranh với nguồn nhân lực "ngoại đạo" cũng khiến Cẩm Tú băn khoăn. Theo Tú, đội ngũ muốn làm về truyền thông hiện tại quá nhiều. Các công ty cũng có xu hướng tuyển dụng không quá khắc khe về trình độ chuyên môn chính quy.

Theo thời gian, nhiều người làm truyền thông xuất thân trái ngành, quá vững về chuyên môn nhưng lại tích lũy được kinh nghiệm đã có thể giữ vị trí cao trong công việc. Vì thế, cơ hội thăng tiến cho dân chính quy hiện nay không quá cao. Cẩm Tú bộc bạch: "Tụi mình được đào tạo đúng chuyên ngành, có sức trẻ, đam mê nhưng khó tìm thấy một công việc với vị trí như mong muốn".

Cơn lốc người người làm truyền thông: chính quy có lép vế? - Ảnh 2.

Môi trường truyền thông giúp Cẩm Tú (người ở chính giữa) được đặt chân đến nhiều nơi nhưng luôn phải "đi chơi cùng công việc" - Ảnh nhân vật cung cấp

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online về vấn đề trên, TS Hoàng Xuân Phương, Trưởng Bộ môn Truyền thông, Khoa Báo chí và Truyền thông, Trường ĐH KHXH&NV - ĐHQG TP.HCM, cho rằng những bạn trẻ được đào tạo từ nhiều ngành nghề, có nhiều nền tảng sẽ đem đến những sắc màu đa dạng hơn cho lĩnh vực này.

Cô nhận xét: "Dòng chảy nhân lực bên ngoài làm cho ngành truyền thông có sự cạnh tranh lớn, thậm chí dẫn đến tình trạng cung vượt quá cầu. Và lúc bấy giờ cơ hội chỉ dành cho những gương mặt thật sự giỏi".

Để đối mặt với áp lực này, các bạn trẻ được đào tạo chính quy về truyền thông ngoài việc nắm vững kiến thức và kỹ năng chuyên môn, cần trau dồi thêm kiến thức về kinh tế, văn hóa hay kỹ năng ngoại ngữ, giao tiếp…

Xu hướng ngành truyền thông đang xoáy mạnh vào mảng nội dung. Vì thế, các sinh viên chính quy đã có sẵn thế mạnh này cần tích cực nghiên cứu và bồi dưỡng thêm để đứng vững trong ngành nghề ngày càng năng động.

Ra mắt Viện Đào tạo báo chí và truyền thông Ra mắt Viện Đào tạo báo chí và truyền thông

Đây là mô hình đầu tiên của Đại học Khoa học xã hội và nhân văn phát triển từ cấp khoa lên cấp viện.

TẤT ĐẠT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: ngành truyền thông